Bệnh nhân hô hấp “ùn ùn” nhập viện

(Dân trí) - Một tuần trở lại đây, bệnh nhi hô hấp đến khám và nhập viện tại Hà Nội tăng gấp đôi so với bình thường. Phần lớn số bệnh nhi đến khám là do mắc các bệnh lý về đường hô hấp.

 
 
Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), trước đó mỗi đêm trực chỉ có khoảng 50 trẻ đến khám thì nay, con số đó đã tăng vọt, lên đến 90 - 100 trẻ trong một đêm trực, trong đó, phần lớn là bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp như sốt vi rút, viêm mũi, họng, viêm phổi. Hiện tại khoa chỉ có khoảng 60 giường bệnh nhưng số bệnh nhân nội trú luôn ở mức 140 bệnh nhân, khiến bệnh nhi phải nằm ghép 3 - 4 người/giường. Không khí oi bức, bệnh nhi ốm, quấy khóc, mỗi bé lại thêm người chăm nom nên phòng ốc càng trở nên chật trội. Một đêm trực, bác sĩ, điều dưỡng “giã cẳng chân” bởi phải di chuyển, khám bệnh liên tục cho bệnh nhi.

Bệnh phòng đông đúc, chật trội, bệnh nhi phải nằm ghép 3 - 4 cháu một giường. Ảnh: H.Hải

Bệnh phòng đông đúc, chật trội, bệnh nhi phải nằm ghép 3 - 4 cháu một giường. Ảnh: H.Hải
Bệnh phòng đông đúc, chật trội, bệnh nhi phải nằm ghép 3 - 4 cháu một giường. Ảnh: H.Hải
 
Hầu hết các ca bệnh đến khám và nhập viện do bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện rõ rệt là hắt hơi, sổ mũi, ho ngày càng tăng, ho nhiều, có đờm, đau họng, viêm phế quản. Ở trẻ nhỏ thì có biểu hiện bỏ bú, khó thở, ho do tắc đờm. Đặc biệt là những trẻ hen phế quản, thời tiết này khiến tình trạng ho, rít vì hen rất nặng nề. Ở những trường hợp nhỏ dưới 6 tháng tuổi bệnh cũng diễn tiến nhanh cấp tính và thường phải nằm ở viện lâu hơn vì khó uống thuốc. Nhiều trẻ hàng ngày đều phải hút đờm rãi, thở máy.
 
"Năm nay có đặc thù là rất nhiều trẻ dưới 6 tháng tuổi bị viêm phổi (chiếm tới hơn 50% trẻ nhập viện vì viêm phổi). Hơn nữa, do thời tiết thay đổi đột ngột, nóng, ẩm nên tỉ lệ bệnh nhân tái phát bệnh rất nhiều. Không ít bệnh nhi vừa hết đợt điều trị một vài ngày lại tái phát bệnh, phải nhập viện", Bác sĩ Vũ Hữu Thời, khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết.
 
Trong nhóm bệnh nhân viêm phổi phải nhập viện điều trị, biến chửng viêm phổi do sởi vẫn chiếm khoảng 40-50%. Các ca viêm phổi biến chứng do sởi diễn biến vẫn nặng hơn các ca viêm phổi thông thường. Tại khoa Nhi, trước đó 1 tuần cùng lúc tiếp nhận hai anh em ruột (anh 25 tháng tuổi, em 6 tháng tuổi) trong tình trạng biến chứng viêm phổi và phải vào thở máy ngay khi nhập viện.

Nhiều bệnh nhi phải tái nhập viện sau một vài ngày khỏi bệnh. Ảnh: H.Hải 
Nhiều bệnh nhi phải tái nhập viện sau một vài ngày khỏi bệnh. Ảnh: H.Hải 

Không chỉ trẻ em mà đối tượng người già, mắc các bệnh lý mãn tính sẵn có cũng dễ bị ảnh hưởng của sự thay đổi thời tiết này. Theo bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), trong những ngày qua bệnh nhân khám và cứu các bệnh về cúm, mạch vành cấp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não… cũng tăng khoảng 30%. Tỉ lệ đột quỵ não có xu hướng tăng trong bối cảnh thời tiết thay đổi như hiện nay.
 
Nhiều bệnh nhân huyết áp cao không kiểm soát nổi, đột ngột có cơn bốc hỏa, đau đầu, đau ngực dữ dội, thậm chí hôn mê (ở những trường hợp xuất huyết não nặng). Để tránh những biến chứng này, với bệnh nhân sẵn bệnh, cần kiểm soát đường huyết và huyết áp, khám định kỳ.
 
Với bệnh nhân cúm nếu thấy biểu hiện sốt cao, kéo dài 2 ngày không hạ, khó thở, nổi ban, xuất huyết dưới da nên đến các cơ sở y tế. Trong thời gian qua, tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương có rất nhiều trường hợp nhiễm cúm thường nhưng diễn biến nặng, gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp nguy kịch, trong đó hai trường hợp đã tử vong, vì vậy càng không thể chủ quan với cúm.
 

Để phòng các bệnh viêm tai mũi họng, viêm đường hô hấp trong thời điểm này, các bác sĩ khuyến cáo việc giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng, cởi bớt đồ khi trưa nắng nóng, chống ô nhiễm, tránh khói thuốc lá, bụi xe bằng khẩu trang. Ngoài ra, cũng cần có ý thức phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình như che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… để không lây bệnh sang các thành viên khác.

 

Cho trẻ ăn phong phú, uống đủ nước chơi ở nơi thoáng mát. Với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Trong phòng ngủ của trẻ cần vệ sinh sạch sẽ, không nên dùng tấm trải sàn. Ngoài ra cũng cần chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình (khiến trẻ hít phải bụi, mốc từ sách mà bị viêm mũi dị ứng, lên cơn hen). Đã có rất nhiều trường hợp lên cơn hen cấp tính phải nhập viện sau khi cho trẻ chơi, đọc những quyển sách đó.

 
Tú Anh