Bệnh nhân chấn thương cột sống, bác sĩ khoan nhầm cẳng chân

(Dân trí) - Nam bệnh nhân bị tai nạn lao động được chuyển đến Chợ Rẫy vì vỡ đốt sống ngực. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận, điều trị do có sự nhầm lẫn nên bác sĩ đã khoan vào cẳng chân. Sự cố ngay lập tức được phát hiện, may mắn chưa gây hậu quả cho người bệnh.

Ngày 17/6, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM xác nhận sự cố đáng tiếc trên xảy ra tại bệnh viện. Các y bác sĩ đã có sự nhầm lẫn khi thực hiện biện pháp can thiệp, điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Đức Th. (30 tuổi, ngụ tại Cà Mau).

Trước đó, bệnh nhân bị chấn thương cột sống do tai nạn lao động, được chuyển từ bệnh viện địa phương đến Chợ Rẫy. Bệnh nhân sau khi nhập cấp cứu được phân loại bệnh và chuyển đến khoa chuyên môn điều trị. Việc nhầm lẫn đã xảy ra, thay vì thực hiện các giải pháp can thiệp điều trị vỡ đốt sống thì bác sĩ lại thực hiện khoan xuyên đinh vào đầu trên xương chày.

Bệnh nhân chấn thương cột sống, bác sĩ khoan nhầm cẳng chân - 1

Sự cố nhầm lẫn vừa xảy ra đã được phát hiện, người bệnh thoát được những ảnh hưởng xấu thêm về mặt sức khỏe

Phía bệnh viện khẳng định: “Đây không phải là nhầm lẫn phẫu thuật mà là phương pháp tạo chỗ bám để kéo tạ trong trường hợp bệnh nhân gãy xương đùi. Mũi khoan vừa thực hiện thì sự nhầm lẫn được chính các y bác sĩ phát hiện. Ban Giám đốc đã chỉ đạo các khoa phòng khám bệnh, hội chẩn đánh giá tổn thương và xử trí ngay cho người bệnh”.

Thông tin ban đầu từ phía bệnh viện cho biết, các chuyên gia chỉnh hình đã giải thích cho thân nhân bệnh nhân, với lỗ khoan xương này thì bệnh nhân vẫn vận động chân bình thường. Lỗ khoan xương này sẽ tự lành sau 6 tháng mà không cần can thiệp với phương pháp nào và không gây di chứng cho bệnh nhân. Hiện, bệnh nhân được yêu cầu hạn chế vận động, nằm yên tại giường do chấn thương vỡ thân cột sống ngực 8 (D8).

Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhận trách nhiệm về sự nhầm lẫn nêu trên và cho biết sẽ chi trả tất cả các chi phí phát sinh do sự nhầm lẫn của y bác sĩ trên người bệnh (thuốc kháng sinh cho vết thương nhỏ ở da, thuốc giảm đau và phim X-quang gối nơi khoan lỗ xương). Ngoài ra, phía bệnh viện đề nghị hỗ trợ một phần viện phí trong quá trình điều trị của bệnh nhân.

Bệnh nhân chấn thương cột sống, bác sĩ khoan nhầm cẳng chân - 2

Vị trí khoan chỉ là vết thương nhỏ được chuyên gia đánh giá sẽ nhanh khỏi, không để lại di chứng ảnh hưởng đến vận động

Tuy nhiên, phía gia đình chưa chấp nhận đề xuất của bệnh viện. Vợ bệnh nhân là chị Trịnh Thúy L. (29 tuổi) yêu cầu bệnh viện phải thanh toán chi phí cho toàn bộ quá trình điều trị bệnh nhân, kể cả điều trị chấn thương cột sống do tai nạn lao động gây ra. Ngoài ra, bệnh viện phải chịu trách nhiệm nếu sau này chân của chồng chị có sự cố gây ảnh hưởng đến vận động.

Phía bệnh viện cho biết, sẽ lập Hội đồng Chuyên môn, đánh giá các tác động liên quan đến sức khỏe của người bệnh sau khi xảy ra sự nhầm lẫn để có giải pháp xử lý phù hợp.

Liên quan đến vấn đề trên, một chuyên gia về Chấn thương Chỉnh hình (xin giấu tến) cho rằng: Nhân viên y tế chỉ cần sơ suất trong quy trình tiếp nhận, phân loại bệnh, nhầm hồ sơ bệnh án… có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về các vấn đề chuyên môn. Bệnh nhân bị chấn thương một đường, bác sĩ can thiệp một nẻo là sự nhầm lẫn đáng tiếc, ngoài ý muốn trong y khoa. Nguy cơ nhầm lẫn có thể xảy ra ở bất kỳ cơ sở y tế nào, với Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng quá tải người bệnh luôn xảy ra nguy cơ nhầm lẫn càng ở mức cao.

Cả bệnh nhân và bác sĩ đều may mắn khi sự nhầm lẫn của trường hợp bệnh nhân Nguyễn Đức Th. đã kịp thời được phát hiện nên chưa xảy ra những sự cố nghiêm trọng. Lỗ khoan xương sau sự nhầm lẫn chỉ là vết thương nhỏ, sau vài tháng sẽ lành lại, không để lại di chứng ảnh hưởng đến vận động. Tuy nhiên, đề xuất của gia đình về trách nhiệm của bệnh viện nếu sau này chân của bệnh nhân có sự cố gây ảnh hưởng đến vận động là một đề xuất khó. Nếu bệnh nhân bị vỡ thân cột sống ngực, nguy cơ chèn ép tủy sống có thể xảy ra gây hạn chế vận động hoặc nặng hơn là yếu liệt nửa thân dưới của cơ thể.  

Vân Sơn