Bé trai 10 tuổi bỗng nhiên khó thở, bất tỉnh sau ăn bánh mỳ kẹp thịt

Hà An

(Dân trí) - Bé trai ở Hà Nội được chuyển vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do sốc phản vệ. Cậu bé bị dị ứng với bột mỳ.

Cậu bé bị dị ứng với bột mỳ từ nhỏ nhưng gia đình chủ quan không cho đi khám. Với hy vọng cơ thể con quen dần, gia đình tập cho bé ăn từng chút bột mỳ. Bé từng ăn được nửa ổ bánh mỳ và có biểu hiện gì bất thường nên họ nghĩ con đã hết dị ứng. 

Tuy nhiên, lần này sau khi con ăn hết một chiếc bánh mỳ kẹp thịt thì nổi phát ban khắp người, khó thở, sau đó bất tỉnh. Ngay lập tức trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cấp cứu. 

TS Lê Quỳnh Chi, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết trẻ nhập viện trong trạng nguy kịch, với biểu hiện của sốc phản vệ nặng. Ngay lập tức, các bác sĩ cấp cứu bằng phác đồ sốc phản vệ. May mắn đến viện kịp thời nên bé đã qua khỏi sau 1 tuần nằm viện, không phải lọc máu. 

Hiện trẻ đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Bé trai 10 tuổi bỗng nhiên khó thở, bất tỉnh sau ăn bánh mỳ kẹp thịt - 1

Trẻ có thể dị ứng với bột mỳ, trứng, sữa, tôm... Ảnh minh họa. 

Theo TS Chi, những trường hợp trẻ bị dị ứng như trên không hiếm gặp. Thậm chí số lượng trẻ mắc các bệnh dị ứng-miễn dịch-khớp ngày càng tăng, trung bình 10-15% mỗi năm. Các tác nhân phổ biến nhất gây dị ứng là kháng sinh, vắc xin, thức ăn, sữa, hải sản, các loại hạt… 

Đặc điểm lâm sàng dị ứng thức ăn rất đa dạng. Trong đó phổ biến nhất là trẻ có biểu nhẹ ở ngoài da, niêm mạc, tiêu hóa sau đó là hô hấp. Khoảng 15% trẻ bị dị ứng toàn thân, nặng nhất là sốc phản vệ. Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất, nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong trong vòng vài phút.

"Dị ứng thức ăn thường xảy ra trên cơ địa mẫn cảm, có tính di truyền. Khoảng 5-8% trẻ em bị dị ứng thức ăn, trong khi chỉ 1-2% người lớn gặp phải tình trạng này. Nguyên nhân do hệ thống men tiêu hóa của trẻ còn non yếu, khả năng thấm của tế bào ruột cao hơn người lớn, nồng độ kháng thể IgA tiết giảm…", TS Chi phân tích. 

Khi trẻ bị dị ứng thức ăn thường đi kèm các bệnh lý dị ứng khác như chàm (chiếm 90%), 10% bị hen phế quản kèm theo. Trẻ bị dị ứng thức ăn dưới 2 tuổi có nguy cơ cao bị hen lúc 7 tuổi.

Vì thế, bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện con có dấu hiệu dị ứng, cha mẹ đưa đến khám tại các chuyên khoa dị ứng để được tư vấn, điều trị giúp trẻ giảm dị ứng bền vững, không cần kiêng khem quá mức. Đặc biệt không tự ý cho trẻ tập ăn đồ ăn trẻ bị dị ứng. Lý do vì để giải mẫn cảm cần phải có phác đồ cụ thể. 

Bên cạnh đó, cha mẹ cần dự phòng ít nhất 1-2 bút tiêm adrenalin trong nhà hoặc để trẻ mang theo khi đi học, đi chơi xa nhà. Khi trẻ bị sốc phản vệ, cần tiêm ngay 1-2 mũi adrenaline rồi nhanh chóng chuyển đến bệnh viện cấp cứu, tránh điều đáng tiếc có thể xảy ra. 

Những trẻ nào dễ bị dị ứng?

Tỷ lệ dị ứng ngày càng gia tăng trên thế giới đặc biệt ở trẻ nhỏ. Dựa vào tiền sử bệnh dị ứng của bố mẹ, chúng ta có thể xác định được nguy cơ dị ứng của đứa trẻ ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. 

Ví dụ, nếu Cả hai bố mẹ cùng mắc các bệnh dị ứng thì 50-80% con nguy cơ mắc. Nếu một trong hai bố mẹ bị dị ứng thì khoảng 20-40% con có nguy cơ bị dị ứng, và ngay cả khi bố và mẹ không bị dị ứng vẫn có 5-15 % trẻ nguy cơ mắc bệnh dị ứng.

Nếu chồng mắc bệnh viêm mũi dị ứng, vợ bị nổi mày đay mỗi khi ăn tôm, nếu hai vợ chồng sinh con thì trên 50% khả năng con sẽ mắc dị ứng.

Những trẻ nào cần phải chú ý đề phòng dị ứng là những trẻ sinh ra trong các gia đình có cả bố và mẹ bị dị ứng hoặc một trong hai bố mẹ bị dị ứng. Đây được gọi là nhóm trẻ có nguy cơ cao.