Báo động stress ở điều dưỡng

Sức ép quá lớn của công việc khiến cho tỉ lệ điều dưỡng bị stress rất cao. Theo khảo sát của Viện Y học lao động & Vệ sinh môi trường tại một khoa hồi sức cấp cứu, có tới 42% số nhân viên bị stress.

 

Nghẹn ngào những nỗi đau!

 

Nghẹn ngào những nỗi đau!

 

Mắt ngân ngấn nước, giọng nghẹn ngào chị H.T.K - Khoa H.H, BVCR kể: “Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày hôm đó, đang chuẩn bị chích thuốc cho bệnh nhân bỗng dưng một người đàn ông thẳng tay tát bốp vào mặt tôi và hét lên: “Sao mày không chích cho ba tao trước”. Tôi choáng váng, ôm mặt chạy thẳng về khoa vì sợ hãi. Các anh chị trong khoa bức xúc chạy lên hỏi thân nhân bệnh nhân sao đánh tôi thì anh ta nói, tại ba anh ta nằm ở giường ngoài tôi phải chích thuốc cho ba anh ta trước. Thực tình, khi vào phòng bệnh, tôi cũng đã bước tới giường bệnh nơi ba anh ta nằm. Nhưng lúc đó, người nhà đang thay đồ cho bệnh nhân nên tôi mới đi qua giường khác và định bụng sẽ quay lại chích cho bệnh nhân khi bệnh nhân được thay áo xong. Không ngờ, anh ta lại hành xử như vậy”. Suốt một thời gian dài sau đó, chị K. vẫn thấy vô cùng căng thẳng, mỗi ngày đi làm chị đều thấy lo sợ vì cứ bị ám ảnh mãi cái tát của người đàn ông kia.

 

Sài Gòn, trời nóng như đổ lửa, ai cũng ao ước được ngồi làm việc trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ. Riêng với các điều dưỡng tại các bệnh viện, đó là điều không bao giờ xảy ra. Nhiệt độ tăng cao, bệnh nhân đông nghịt họ luôn phải làm việc trong một môi trường ngột ngạt, nóng bức. Dẫu vậy, chẳng ai mảy may than vãn, bởi đó là công việc hàng ngày. Nỗ lực hết mình vì người bệnh nhưng nhiều khi kết quả nhận được lại “cay đắng vô cùng”.

 

Điều dưỡng L.T.N ấm ức, tại khoa Nội Tiết, có rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng bàn chân do bệnh đái tháo đường. Bàn chân của những bệnh nhân này bị hoại tử và bốc mùi hôi thối. Nói thật, người nhà của bệnh nhân còn muốn tránh càng xa càng tốt. Thế nhưng, các điều dưỡng hàng ngày vẫn lau rửa, vệ sinh sạch sẽ cho người bệnh. Có nhiều người sau khi làm việc xong thì không ăn được cơm. “Tôi vẫn còn nhớ như in, một em điều dưỡng sau khi làm vệ sinh cho người bệnh xong, bước ra ở khỏi phòng bệnh nhân mồ hôi nhễ nhại đã đứng sững người khi nghe người nhà bệnh nhân nói với nhau: tụi điều dưỡng cho tiền nó mới làm, không cho tiền nó không làm đâu. Về tới khoa, em bật khóc nức nở. Nghĩ mà đau lòng, không được một lời cảm ơn lại còn phải nhận những lời nói đầy khinh miệt như vậy”, chị N. nghẹn ngào kể lại.

 

Tỉ lệ nhân viên bị stress rất cao

 

Theo Hiệp hội Lao động Hoa Kỳ, những nghề dễ gây stress nhất thường có yếu tố mạo hiểm có ảnh hưởng tới tính mạng con người. Nghề điều dưỡng là một trong những nghề đứng đầu danh sách. Tại Việt Nam, sức ép quá lớn của công việc khiến tỉ lệ nhân viên y tế bị stress rất cao.

 

Theo khảo sát của Viện Y học lao động & Vệ sinh môi trường tại một khoa hồi sức cấp cứu, gần 23% số nhân viên có điểm stress ở mức cao, 42% có điểm stress ở mức trung bình. Hơn 20% số điều dưỡng than phiền rằng họ thường xuyên có các biểu hiện: cảm thấy nhức đầu, có cảm giác lo âu và căng thẳng tinh thần, giấc ngủ bất thường…   

 

Theo nghiên cứu của Lê Thành Tài và cộng sự - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, có sự khác biệt về tỉ lệ stress giữa các bệnh viện thuộc 3 tuyến TƯ, tỉnh và huyện. Số điều dưỡng bị stress ở tuyến TƯ cao nhất, tiếp đến là tuyến tỉnh và thấp nhất là tuyến huyện. Các yếu tố gây stress cho điều dưỡng bao gồm thường gặp phản ứng của bệnh nhân và người nhà, thâm niên công tác, làm việc quá nhiều giờ, công việc nhiều áp lực, làm việc trong điều kiện thiếu thốn máy móc, trang thiết bị, đông người, ồn ào, tiếp xúc nhiều mầm bệnh, dễ bị thương tích, thu nhập chưa thỏa đáng và công việc ít có cơ hội thăng tiến… Có đến 72% nghĩ đến khối lượng công việc quá nhiều. Hơn 50% nghĩ đến thời gian nghỉ ngơi không hợp lý, không được huấn luyện chuyên môn đầy đủ, áp lực đến hạn cuối phải hoàn thành công việc. Hơn 30% nghĩ đến đặc điểm công việc phải giải thích với nhiều đối tượng, thiếu trang thiết bị, quá nóng…

 

Rõ ràng, những yếu tố gây stress đa dạng và đan xen muốn giải quyết cần phải có sự kết hợp nhiều yếu tố. Cần có sự sâu sát sắp xếp công việc, phân công hiệu quả trong công việc tránh tình trạng dồn nhiều công việc cùng lúc. Thường xuyên có hoạt động để nâng cao năng lực chuyên môn, tập huấn về cách sử dụng các trang thiết bị dụng cụ hiện có hoặc mới nhằm giúp cho các nhân viên sử dụng thành thạo nhất. Có cuộc tầm soát và phát hiện các nhân viên đã bị tác động của stress tại cơ quan có biện pháp hỗ trợ như: tạo điều kiện hồi phục bằng nghỉ ngơi, mang đến lời động viên tinh thần, chuyển đổi công việc khác khi không phù hợp, luân phiên nhân viên tại những khoa thường có áp lực từ công việc cao và độc hại.

 

Theo Nguyễn Huyền

Sức khoẻ & Đời sống