Bánh Trung thu chứa bao nhiêu năng lượng?

(Dân trí) - Nhiều người sợ ăn cơm, tinh bột vì lo ngại lên cân nhưng lại dễ dàng ăn cả cái bánh trung thu vì ngon miệng. Vậy một chiếc bánh Trung thu chứa bao nhiêu năng lượng (kcal)? Hẳn nhiều người sẽ "giật mình, ngã ngửa" vì lượng kcal siêu khủng trong một chiếc bánh, thậm chí đủ nhu cầu năng lượng cho cả một ngày.

TS.BS. Đoàn Huy Cường, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, năng lượng của bánh Trung thu thường khá cao, do bánh sử dụng khá nhiều dầu mỡ và đường tinh.

Theo các chuyên gia ước tính một chiếc bánh Trung thu đậu đỏ cỡ nhỏ chứa tới 270 Kcal, một chiếc bánh trung thu có lòng đỏ trứng có thể chứa đến 420 Kcal (tương đương hơn 1,5 bát cơm đầy).

Bánh Trung thu chứa bao nhiêu năng lượng? - 1

1/6 miếng bánh Trung thu thập cẩm 2 trứng nhìn rất nhỏ bé nhưng nó có thể chứa năng lượng nhiều hơn cả một bát cơm đầy. Ảnh: H.Hải

Một chiếc bánh Trung thập cẩm có 2 trứng sẽ cung cấp từ 800 đến 1.000 kcal và khoảng 850mg cholesterol mà khẩu phần ăn hợp lý chỉ nên có khoảng dưới 300mg cholesterol/ngày/người.

Vì thế, chỉ cần "tặc luỡi" ăn 1 - 2 miếng bánh nhỏ, bạn đã nạp rất nhiều năng lượng. Ví dụ, trong 1 ngày, mỗi lần dù chỉ nhón một miếng bánh thập cẩm 2 trứng, sau 1 ngày bạn nạp dư cả 1000kcal từ bánh, do các bữa ăn khác bạn vẫn đảm bảo đầy đủ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, một người nếu thừa 500kcal/ngày sẽ thừa khoảng 3.500 kcal/tuần và có thể tăng thêm 0,5kg.

Nguy cơ thừa cân, béo phì còn có thể dẫn đến các bệnh đái tháo đường, tim mạch…Vì thế, trước một chiếc bánh Trung thu dù hấp dẫn, bạn nên cắt bánh ra thành nhiều miếng nhỏ và cùng chia sẻ với gia đình, bạn bè; không nên ăn bánh Trung Thu thay cho bữa sáng, không ăn bánh cùng với các loại đồ uống có gas, nhiều đường vì sẽ làm tăng hấp thu và tăng năng lượng cho cơ thể…

Ngoài ra, cần lựa chọn các loại bánh Trung thu rõ nguồn gốc, nhãn mác  đầy đủ để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sử dụng các loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, hoặc có nhãn mác nhưng lại không có thông tin đầy đủ như thành phần, hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất không rõ ràng… có thể gây tác hại cấp tính như gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.

Nếu sử dụng nhiều và kéo dài có thể gây nên các tác hại mạn tính do việc sử dụng các chất phụ gia và các chất bảo quản sai quy định, làm tăng các bệnh lý liên quan đến hô hấp, các vấn đề liên quan đến trẻ nhỏ như chứng hung hăng và lười suy nghĩ, ngoài ra một số chất phụ gia và chất bảo quản còn được chứng minh là yếu tố gây nên một số loại bệnh ung thư…

Hồng Hải