Ban Dân y miền Nam: Những hồi ức về một thời oanh liệt

(Dân trí) - Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước có sự đóng góp to lớn của những chiến sĩ “áo trắng”. Một thời oanh liệt nhưng cũng muôn vàn nguy hiểm, khó khăn đã được tái hiện qua hồi ức của chính các y bác sĩ trở về từ cuộc chiến.

Hơn 40 năm trước, những chàng trai, cô gái vừa độ mười chín, đôi mươi vừa tốt nghiệp hoặc đang theo học tại các trường y đã xếp bút nghiên, từ biệt gia đình lên đường hành quân vào Trung ương Cục miền Nam (viết tắt là R). Nhiều y bác sĩ đã anh dũng ngã xuống bởi mưa bom bão đạn của kẻ thù khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu chữa thương bệnh binh. Những chàng trai, cô gái thanh xuân hiên ngang bước ra từ cuộc chiến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, bây giờ đã trở thành bậc ông bà nội - ngoại ở tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Những chiến sĩ áo trắng năm xưa, trở lại thăm cái nôi cách mạng một thời
Những chiến sĩ "áo trắng" năm xưa, trở lại thăm cái nôi cách mạng một thời

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người chiến sĩ áo trắng kiên trung, anh dũng từng công tác tại Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam từ khắp mọi miền đất nước đã hội tụ về xã Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm (ngày 25/4).  

Ôn lại lịch sử oanh liệt một thời, PGS.TS Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Dân y miền Nam cho biết: “Vào quý II năm 1964, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục, Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam đã ra đời. Chúng tôi có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng quân y, tổ chức cấp cứu, điều trị thương binh, bệnh binh, bà con trong vùng giải phóng, tổ chức các cơ sở sản xuất thuốc, sản xuất vắc xin, vật tư, trang thiết bị y tế, đào tạo cán bộ y tế ngay tại chiến trường bất chấp sự tấn công, càn quét quyết liệt của kẻ thù.”

Hơn ai hết, những chiến sĩ áo trắng là người chịu áp lực khủng khiếp nhất tại chiến trường. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho quân và dân, các y bác sĩ còn phải tự bảo vệ sinh mạng của mình trước những trận phục kích, nã pháo, quần thảo bằng trực thăng… của địch. Cũng như đồng chí, đồng bào của mình, các y bác sĩ còn phải đương đầu với nhiều loại bệnh dịch hoành hành.

Những chiến sĩ áo trắng năm xưa, trở lại thăm cái nôi cách mạng một thời

BS Trương Thị Xuân Liễu, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ: Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn rất ác liệt, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, theo tiếng gọi của tất cả vì miền Nam ruột thịt, tôi thuyết phục bố mẹ cho tham gia vào chiến trường. Sau khoảng 100 ngày “xẻ dọc Trường Sơn” tôi vượt qua mọi núi cao, suối sâu song từng 2 lần bị bệnh sốt rét quật ngã.

Ý chí nghị lực của lòng yêu nước đã giúp nữ bác sĩ Ngoại – Sản chiến thắng những trận sốt rét rừng để phục vụ lý tưởng các mạng. Tuy nhiên, giữa chiến trường việc thực hiện công tác chuyên môn lại gặp nhiều khó khăn. Chúng ta đang sống ở thời bình với những trang thiết bị y tế rất hiện đại thì không thể tưởng tượng được sự thiếu thốn của ngành y lúc đó. “Dụng cụ y tế chỉ có một bộ trung phẫu, ô xy thiếu, đa số phải gây mê tĩnh mạch, bàn mổ trong rừng chỉ là chiếc chõng tre anh em tự đóng lấy, ban đêm mổ phải dùng 2 chiếc đèn pin mới có đủ ánh sáng.”

Cũng vì quá thiếu thốn trang thiết bị nên các bác sĩ phải bất lực trước những ca cấp cứu nặng. Họ đành phải ghi lại những thông tin cá nhân của người bệnh trên mảnh giấy nhỏ bỏ trong lọ penicillin đặt vào túi áo ngực của các chiến sĩ rồi tự tay chôn cất đồng đội của mình.

Những chàng trai, cô gái của lịch sử giờ đây đã ở tuổi thất thập cổ lai hy
Những chàng trai, cô gái của lịch sử giờ đây đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy"

Chia sẻ về những lần đối đầu với địch khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, ông Nguyễn Ngọc Phấn, cán bộ Côn trùng học cho hay: “Cuối tháng 3 năm 1973 đoàn công tác của chúng tôi gồm 4 người có nhiệm vụ điều tra cơ bản về tình hình bệnh sốt rét trong vùng giải phóng của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thời gian dự kiến là 3 tháng. Chúng tôi phải băng sông, vượt núi trong tình hình chiến sự căng thẳng, nhiều lần lọt vào trận địa phục kích, càn quét, bao vây… của địch nên thời gian công tác thực tế đã kéo dài đến hơn 1 năm.

Kỷ niệm khiến ông nhớ nhất là trận phục kích của địch trên Vĩnh Tế - còn được mệnh danh là kênh vĩnh biệt. “Đoàn hành quân chiều hôm đó có hơn 10 người, khi còn cách bờ kênh chừng vài chục mét thì từ bờ bên kia, địch bắn xối xả bằng súng tiểu liên, súng cối M79. Bị tấn công bất ngờ, mọi người chạy thục mạng về hướng hàng cây cổ thụ cách xa bờ kênh, nằm ngoài tầm bắn của địch. Tôi còn nhớ như in, những tia lửa đạn đỏ trời, đầu đạn bay vèo vèo trên đầu… nhưng chúng tôi đã may mắn vì không ai trong đoàn bị thương.”

Tất cả những khó khăn gặp phải chỉ ngày càng hun đúc cho sự can trường và ý chí cách mạng quật khởi. TS.BS Phạm Ngọc Thái nhớ lại chiến công vang dội khi phục vụ cho cuộc tấn công cứ điểm Thiện Ngôn (Tây Ninh) tại bệnh viện Liên Cơ cuối tháng 8 năm 1968. Sau khi nhận lệnh tiếp nhận, cứu chữa thương binh trong cuộc tấn công sẽ diễn ra, chúng tôi chuyển bệnh nhân nội thương vào một khu vực, ngoài việc xử trí tại chỗ bệnh viện còn cử nhiều y bác sĩ đi tiếp cứu, phối hợp vận chuyển thương binh từ mặt trận về.

Những chàng trai, cô gái của lịch sử giờ đây đã ở tuổi thất thập cổ lai hy

Tiếng pháo cáo loại, xen lẫn tiếng mìn bộc phá diễn ra nhiều ngày đêm, khi dồn dập lúc thưa thớt, thương binh vẫn được vận chuyển tới bệnh viện. Các chiến sĩ bị thương nằm la liệt trên cáng võng, trong lúc đó địch cử nhiều máy bay khuynh đảo, dòm ngó cánh rừng nơi bệnh viện đang hoạt động. Song y bác sĩ vẫn nhanh chóng xử trí vết thương cứu chữa các dũng sĩ. Trước sức tấn công quyết liệt của quân ta, địch đã phải cúi đầu chịu thua trận.

Sau hơn 10 năm “nếm mật nằm gai” sát cánh cùng quân và dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, các y bác sĩ tại Ban Dân y miền Nam đã lập nhiều chiến công chói lòa, là chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến, viết nên những trang sử hào hùng cho ngày đại thắng 30/4/1975. Trở về với thời bình, các y bác sĩ tại Ban Dân y miền Nam đã và đang tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển nền y học nước nhà.

Vân Sơn