Bạn có biết, chế độ ăn giàu kẽm phòng loại ung thư gặp nhiều thứ 3 trên thế giới?

(Dân trí) - Ung thư đường tiêu hóa gồm ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng... Nghiên cứu cho thấy chuột được cho ăn chế độ phục hồi đủ kẽm thì tỉ lệ xuất hiện khối u biểu mô thực quản là 8%, trong khi nhóm ăn chế độ thiếu kẽm tỉ lệ này lên đến 93%.

Theo GS Đào Văn Long, nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư đường tiêu hóa đứng thứ ba trong các loại ung thư gây tử vong trên thế giới. Nếu phát hiện sớm, bệnh hầu như có thể chữa khỏi.

Tuy nhiên do tâm lý sợ phát hiện ra bệnh nên người bệnh thường không đi khám sớm. Chỉ đến khi thấy đau không chịu nổi, khó chịu, chán ăn, đi ngoài ra máu, sút cân... mới đến viện thì đã muộn.

Bạn có biết, chế độ ăn giàu kẽm phòng loại ung thư gặp nhiều thứ 3 trên thế giới? - 1
Chế độ ăn đủ kẽm giúp phòng ung thư đường tiêu hóa.

Ung thư đường tiêu hóa như vòm miệng, thực quản, dạ dày, đại tràng... được chứng minh là có liên quan đến thói quen ăn uống. Những món ăn như thịt cá hun khói, thịt nướng, chả nướng... là thủ phạm gây ung thư đường tiêu hóa. Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy tỉ lệ ung thư đường tiêu hoá ở Trung Quốc cũng như một số nước Châu Á cao hơn các châu lục khác là do liên quan đến thói quen ăn các món ăn kể trên.

Một số vitamin và chất khoáng cũng như các chất chống ôxy hóa trong thực phẩm đã được chứng minh có vai trò phòng chống ung thư, làm chậm quá trình lão hóa ở người.

Kẽm là một vi khoáng có tác dụng kích thích tăng trưởng, tăng miễn dịch, phòng chống các bệnh nhiễm trùng ở người và động vật, đặc biệt là phòng chống bệnh nhiễm trùng hô hấp và tiêu chảy ở trẻ em. Từ năm 2001-2003 Tạp chí Nghiên cứu về Ung thư của Mỹ đã công bố nhiều nghiên cứu phát hiện ra vai trò của kẽm trong phòng chống ung thư thực quản ở chuột thực nghiệm.

Các tác giả cho chuột ăn một chế độ thiếu kẽm trong vòng 5 tuần, sau đó chúng được bơm một liều NMBA (chất gây ung thư thực quản) với liều 2mg/kg cân nặng của chuột vào đường miệng. Sau khi nhận chất gây ung thư NMBA, ngay lập tức một nhóm chuột được chuyển sang ăn chế độ phục hồi đủ kẽm. Một nhóm vẫn tiếp tục ăn chế độ thiếu kẽm như trước.

Kết quả cho thấy ở nhóm chuột được ăn chế độ phục hồi đủ kẽm có tỉ lệ xuất hiện khối u biểu mô thực quản là 8%, ít hơn so với nhóm chuột đối chứng (vẫn ăn chế độ thiếu kẽm) có tỉ lệ xuất hiện khối u là 93% tại thời điểm 15 tuần sau ăn chất gây ung thư NMBA. 

Tác dụng của kẽm trong phòng chống ung thư đường tiêu hóa đã được chứng minh là liên quan tới sự lập trình chết (Apoptosis) của tế bào biểu mô thực quản khi tiếp xúc với chất gây ung thư. Nếu ăn đủ kẽm sẽ giúp loại trừ những tế bào bất thường bị nhiễm độc. Ngược lại nếu chế độ ăn không đủ kẽm hoặc cơ thể bị thiếu kẽm thì các tế bào bị nhiễm chất độc sẽ được lập trình để tiếp tục tồn tại và phát triển thành khối u hoặc ung thư.

Vì thế, theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, biện pháp phòng chống ung thư tốt nhất là tránh tiếp xúc với các chất độc hại. Tuy nhiên việc phát hiện để tránh các chất độc hại hàng ngày không phải lúc nào cũng làm được.

Do vậy, cần luôn chuẩn bị cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là ăn những món ăn có nhiều các chất dinh dưỡng, các vitamin và chất khoáng, các chất chống ôxy hoá như kẽm, selen, vitamin C, vitamin E, Beta- carotene, lycopene, flavonoids. Chúng có nhiều trong rau quả tươi, có màu vàng, màu xanh, màu tím, màu đen, các chế phẩm từ đậu tương... sẽ giúp cơ thể phòng chống được nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư đường tiêu hóa có thể xảy ra.

Một số thực phẩm giàu kẽm gồm nhộng tằm khô, sò, hến, củ cải, thịt bò khô, cùi dừa già, đậu hạt Hà Lan, đậu tương, lòng đỏ trứng gà, bột mỳ, thịt lợn nạc, thịt bò, gạo nếp cái, khoai lang, hạt lạc, cá, hàu…  

Hà An

Dòng sự kiện: Dự phòng ung thư