Bài học từ dịch SARS: Virus lây lan qua đường ống nước thải như thế nào?

(Dân trí) - Vào đại dịch SARS năm 2003, 300 người ở một khu dân cư tại Hong Kong đã bị nhiễm bệnh, vì virus lây lan thông qua hệ thống đường ống thoát nước thải của các tòa nhà.

Hong Kong sơ tán khẩn cấp chung cư ngay trong đêm vì nghi ngại dịch bệnh lây lan qua đường ống

Vào rạng sáng thứ 3 vừa qua, chính quyền Hong Kong đã phải sơ tán khẩn cấp 1 khu chung cư có người nhiễm virus corona mới (COVID-19), vì lo ngại mầm bệnh này có thể thông qua đường ống lây lan rộng khắp tòa nhà.

Vụ sơ tán được tiến hành khi 2 cư dân sống ở 2 tầng khác nhau của chung cư “Hong Mei”, tọa lạc tại phía Tây Bắc Hong Kong, đã lần lượt bị lây nhiễm COVID-19. Cụ thể, đó là trường hợp của 1 người phụ nữ 62 tuổi đã được xác định nhiễm COVID-19 khoảng 10 ngày, sau khi 1 cụ ông 75 tuổi, sống cùng tòa nhà, được chẩn đoán dương tính với căn bệnh này. Được biết, sau đó không lâu, con trai và con dâu của người phụ nữ 62 tuổi (sống cùng 1 căn hộ) cũng đã nhiễm bệnh.

Bài học từ dịch SARS: Virus lây lan qua đường ống nước thải như thế nào? - 1

Xem xét lại trường hợp của các ca nhiễm bệnh này, 2 bệnh nhân đã sống ở cách nhau 10 tầng nhà, tuy nhiên lại nằm trên 1 trục dọc, điều này khiến các chuyên gia, cũng như giới chức y tế của Hong Kong nghi ngại rằng, mầm bệnh có thể đã lây lan thông qua hệ thống đường ống trong tòa nhà.

Virus corona mới lây lan qua chất thải của người bệnh?

Đến thời điểm hiện tại, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho thấy chỉ có 3 đường lây cơ bản của virus corona, bao gồm: Lây truyền qua không khí- ở đây là lây qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp; lây trực tiếp- khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay người bệnh nếu không thực hiện biện pháp phòng bệnh, rửa tay với xà phòng; và lây truyền từ bề mặt đã nhiễm bẩn.

Dựa theo lý thuyết này, cách COVID-19 có thể lây lan trong một khu chung cư bắt buộc phải thông qua tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh hoặc có thể là qua nút bấm của thang máy. Tuy nhiên, vì căn hộ của 2 bệnh nhân này được bố trí nằm trên trục dọc nên khả năng COVID-19 đã lây lan thông qua hệ thống dẫn nước thải của tòa nhà đang được nhắm đến.

Bài học từ dịch SARS: Virus lây lan qua đường ống nước thải như thế nào? - 2

Ivan Hung, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Đại học Hong Kong cho biết: “Nhiều nghiên cứu về loại virus corona mới này đã chỉ ra rằng, nó tồn tại cả trong phân của người bệnh, các nghiên cứu này đang được tiếp tục mở rộng, nhưng rất có thể đây cũng là một cách để mầm bệnh này lây lan”.

Phát biểu trước báo giới vào hôm thứ 3, Giáo sư Yuen Kwok-yung thuộc Khoa Vi sinh, Đại học Hong Kong cho biết: “Cơ quan chức năng đang điều tra khả năng sai sót trong hệ thống đường ống của tòa nhà, khiến virus lan truyền thông qua chất thải của người”. Theo giáo sư này, đường ống dẫn chất thải từ toilet có đoạn kết nối với ống thông khí, trong khi đó một đoạn ống thông khí có vẻ bị lắp đặt sai, khiến quạt thông gió của toilet phát tán virus vào bên trong các căn hộ khác.

Nếu khả năng này là thật, vậy COVID-19 đã di chuyển từ căn hộ này đến căn hộ khác thông qua hệ thống thoát nước như thế nào?

Mỗi toilet, bồn rửa hoặc đường thoát nước trên sàn đều có một đường ống dẫn hình chữ U, hoạt động như một chiếc bẫy để không cho khí gas từ cống, ống nước thải tổng đi ngược vào trong nhà, đồng thời vẫn cho phép chất thải và mùi từ bên trong đi ra ngoài. Để có thể thực hiện chức năng này, ống chữ U bắt buộc phải chứa nước bên trong.

Ống chữ U được nối với ống thoát nước từ toilet, bồn rửa, lỗ thoát của căn hộ. Ống thoát nước cũng sẽ được kết nối với đường ống thông khí, để đảm bảo khí và mùi hôi có thể được dẫn thoát ra ngoài (thông thường được dẫn lên mái). Ống thông khí còn có một chức năng khác là đảm bảo cân bằng áp suất trong ống thoát nước để dòng nước không bị tắc lại.

Bài học từ dịch SARS: Virus lây lan qua đường ống nước thải như thế nào? - 3

“Khi ống chữ U không có nước, không khí trong ống thoát nước của phòng vệ sinh sẽ có thể thâm nhập vào môi trường trong nhà, đặc biệt là khi quạt thông gió của phòng vệ sinh được bật lên” - GS Yuen Kwok-yung nhận định.

Nhìn lại trường hợp của khu dân cư Amoy Gardens, địa điểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đợt dịch SARS năm 2003 với hơn 300 người nhiễm bệnh. Theo một cuộc điều tra, vào thời điểm đó, các ống chữ U kết nối lỗ thoát nước sàn của các căn hộ không hề có nước. Chính điều này đã cho phép các giọt dịch chứa đầy virus tụ lại ở ống chữ U và thoải mái lây lan khắp các căn hộ dùng chung đường ống.Tuy nhiên, với tòa nhà Hong Mei, đường ống dẫn của lỗ thoát nước trên sàn lại được kết nối với bồn rửa, vì vậy ống chữ U luôn trong tình trạng đầy nước.

Vậy vì sao virus vẫn có thể lây lan trong tòa nhà ở Hong Kong

Giới chức Hong Kong vẫn đang điều tra về hệ thống đường ống của tòa nhà Hong Mei, tập trung vào chi tiết một đường ống thông khí có khả năng bị lắp sai, chính là nguyên nhân khiến virus corona có thể phát tán.

Bài học từ dịch SARS: Virus lây lan qua đường ống nước thải như thế nào? - 4

“Có lý do để tin rằng trường hợp nhiễm bệnh ở tầng dưới là do sự sai sót trong đường ống thông khí ở toilet. Cụ thể, quá trình điều tra đã phát hiện một phần đường ống đã bị cắt bỏ. Giả thiết hoàn toàn có thể xảy ra là khí từ chất thải đã bị nhiễm virus của bệnh nhân tầng trên, trên đường thoát xuống đã thâm nhập vào phòng của bệnh nhân tầng dưới thông qua phần ống thông khí bị hỏng này  ” – đại diện giới chức quận cho hay.

Trong khi cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục được tiến hành, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong đã khuyến cáo cộng đồng cần bảo trì hệ thống thoát nước bằng cách đều đặn đổ nước vào các lỗ thoát, đồng thời đậy nắp bồn cầu sau khi sử dụng xong, để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan.

 

Minh Nhật

Theo CNN, SCMP