Hiến tạng cứu người:

Bài 2: Nhiều tôn giáo đều ủng hộ việc hiến mô tạng

(Dân trí) - Không có tôn giáo nào ngăn cản người với người sống chết vì nhau. Cho đi một phần cơ thể của mình để cứu người khác là việc làm tốt đời đẹp đạo mà tôn giáo khuyên mọi người nên làm.

Vướng quan niệm “chết phải toàn thây”

Ngành ghép tạng của Việt Nam đã hoạt động được 23 năm, nhưng đến nay đa số nguồn tạng được ghép là từ người cho sống. Nếu nguồn hiến tạng chỉ từ người cho sống thì không thể cứu người suy tim được vì chỉ có người chết não mới có thể hiến tim. Mặt khác, không phải người bệnh suy thận, suy gan nào cũng đều có nguồn tạng thuận hợp được hiến từ người thân. Do đó, những người có điều kiện kinh tế sẽ bằng mọi giá để có tạng ghép cho người thân mình. Nạn mua bán tạng phủ đang là vấn đề nhức nhối của nhân loại.

Tại khoa Nội tiêu hóa, Nội tim mạch, Nội phổi, Nội thận, Thận nhân tạo của các bệnh viện đầu ngành trên toàn quốc, những người bệnh bị suy gan, suy tim, suy phổi, suy thận thuộc nhiều lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em, và người trong tuổi lao động đang phải sống lay lắt chờ ngày kết thúc số phận trong đau đớn.

Mỗi ngày, tại bệnh viện Chợ Rẫy ít nhất 5 trường hợp chết não do tai nạn giao thông
Mỗi ngày, tại bệnh viện Chợ Rẫy ít nhất 5 trường hợp chết não do tai nạn giao thông

Mỗi ngày trên cả nước rất nhiều bệnh nhân qua đời do ngưng tim, do não bị tổn thương nặng, nhưng chức năng của các cơ quan khác vẫn còn tốt. Chỉ cần 1 người hiến có thể cứu sống từ 7 - 8 bệnh nhân khác, song thực tế nguồn tạng trên đang bị lãng phí. TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Chỉ tính riêng tại Chợ Rẫy, mỗi ngày có ít nhất 5 trường hợp chết não do tai nạn giao thông, 3 đến 4 trường hợp chết não do tai biến mạch máu não, 2 đến 3 trường hợp chết vì ngừng tim do suy tim giai đoạn cuối...

Nhưng khi chúng tôi tiếp cận gia đình của người bệnh đã chết não do tai nạn giao thông để thảo luận về việc hiến tặng những cơ quan còn chức năng để cứu những người bệnh bị suy gan, tim hay thận...  thì chỉ nhận được những cái lắc đầu hoặc sự phản ứng khá căng thẳng của họ trong cảnh đau buồn. 

Nguyên nhân khiến thân nhân người bệnh từ chối hiến tạng thường là không muốn thân xác của người quá cố bị xâm phạm do yếu tố văn hóa tâm linh khi chết phải toàn thây. Nếu chỉ cần 2-3 người trong số những người bệnh xấu số vừa kể trên đã có di nguyện từ trước và được gia đình đồng thuận ngay trong giây phút đau buồn nhất thì biết bao nhiêu người sẽ được cứu sống.

Hiến tạng, việc làm của người có tâm Bồ Tát

“Trong Phật giáo việc trao tặng một phần cơ thể cho người khác là việc đức Phật tử nên làm”, từ sự chia sẻ đó, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ ra, về việc bố thí Đức Phật dạy, thứ nhất: bố thí ngoại tài, tức là những thứ gì nằm ngoài cơ thể của mình, song mình thấy không cần thiết với bản thân nhưng người khác đang cần thì nên bố thí, nên cho họ. Khi những cái mình cần thiết nhưng người khác cần hơn mình, mình cũng sẵn lòng cho. Nâng lên một bước cao hơn, bố thí cả sinh mạng của mình vì điều tốt đẹp cho người khác, thì cũng nên làm, đó là việc làm của của người có tâm Bồ Tát.

Trao tặng một phần cơ thể cho người khác là việc đức Phật tử nên làm
"Trao tặng một phần cơ thể cho người khác là việc đức Phật tử nên làm"

Thứ 2: bố thí nội tài, tức là một phần thân thể của mình như đôi mắt, lá gan, quả thận cho đến quả tim dẫu biết rằng sau khi bố thí (hiến tim) sinh mạng của mình sẽ không còn, nhưng đó là sự bố thí cao nhất. Đây là quan điểm nhất quán trong Phật pháp dù là phái Đại thừa hay Phật giáo nguyên thủy cũng như nhau. Đối với những Phật tử đã hiến tạng, thầy xem hành động này của họ là làm đúng lời Đức Phật dạy, đúng với chánh pháp, đáng khen ngợi.

Những Phật tử chưa hiến tạng, nếu thấy có thể làm được, thầy khuyên đây là việc nên làm bởi không có sự bố thí nào cao quý hơn là bố thí chính bản thân mình để cứu sinh mạng người khác. Ví như, khi một người chết đi nhưng họ hiến lại giác mạc, sẽ là điều rất quý bởi khi đã nhắm mắt xuôi tay, người mất không cần sử dụng đến giác mạc nữa, nhưng giác mạc của họ sẽ giúp người khác thấy đường để tiếp tục cuộc sống. Hay, trường hợp người bệnh bị chết não mang hiến cả quả tim của mình để cứu người khác đang cận kề cửa tử vì bị suy tim sẽ giúp kéo dài sự sống của người nhận được. Dù thân xác của người hiến không còn, nhưng một phần cơ thể vẫn tồn tại trong cơ thể người khác để tiếp nối sự sống, đó là tinh thần nhân văn, nhân bản vô cùng cao cả.

Cho đi một phần cơ thể sẽ nhận lại sự thanh thản trong tâm hồn

“Với những người Công giáo hiến tạng là việc làm nhân nghĩa, Đức Chúa khuyên nên làm”, Linh mục Phan Khắc Từ, Phó chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam chia sẻ: Theo triết lý Kito giáo “cho là nhận”. Điều may mắn này không phải chỉ có những người giàu mới cho được mà ai cũng có khả năng để cho, ngay cả khi chuẩn bị cho sự ra đi vĩnh viễn, mình vẫn còn có thể cho và cho một cách quảng đại đó là cho chính sự sống. Niềm vui từ sự cho đi cũng sẽ được nhận lại sự thanh thản của tâm hồn, và các giá trị đạo đức.

Linh mục Phan Khắc Từ trích một đoạn trong Tin mừng của Thánh Gioan, Đức Giê-su - đấng sáng lập Kito giáo nói rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống của mình vì bạn hữu. Anh em là bạn hữu của thầy, anh em hãy sẵn sàng cống hiến chính mạng sống của mình cho nhau”.

Linh mục Phan Khắc Từ kêu gọi Giáo dân hiến tạng để mở rộng lòng thương
Linh mục Phan Khắc Từ kêu gọi Giáo dân hiến tạng để mở rộng lòng thương

Linh mục tâm sự: “Chúa dạy chúng tôi phải yêu thương người như chính bản thân mình, phải chia sẻ không phải chỉ những cái dư thừa mà chia sẻ cả những cái cần thiết nhất cho sự sống. Nếu hiểu được giá trị của đời sống đức tin, hiểu được giá trị của việc cho đi thì tôi tin mọi người sẽ sẵn sàng. Khi của cải vật chất không giải quyết được sự khốn khó của bạn hữu, sự chia sẻ chính mạng sống của mình hoặc một phần cơ thể mình đang có cho người khác, giá trị của sự chia sẻ lúc này sẽ nhân lên gấp bội”.

Linh mục Phan Khắc Từ chia sẻ thêm, ngày nay với sự tiến bộ của y học, mỗi con người có thể cho đi một bộ phận của cơ thể mình, thậm chí hy sinh cả thân mạng của mình để cứu người khác, đối với Công giáo là một nghĩa cử cao quý được tôn vinh để nhân lên những giá trị của cuộc sống. Linh mục kêu gọi, Giáo dân hãy nâng cao ý thức của mình, hãy mở rộng tình thương, sẵn sàng hiến tạng để cứu vớt, mang lại sự sống, niềm an vui cho thân bằng quyến thuộc và mọi người trong xã hội.

Vân Sơn