Bác sĩ phát hoảng với thói quen "nhai mớm cơm", "nhai mớm trầu" của người Việt

(Dân trí) - Nói nôm na, nhai mớm cơm là hành động một người cho thức ăn vào miệng mình, nhai hộ để thức ăn mềm ra rồi bón cho người khác. Thói quen này gặp rất phổ biến ở vùng nông thôn, miền núi khiến nhiều trẻ em có nguy cơ lây nhiễm hàng loạt bệnh nguy hiểm từ người lớn.

"Nhai hộ": tưởng yêu thương nhưng gây hại

Ăn mớm hay nhai mớm là cách ăn mà người ăn được người khác nhai hộ. Cách ăn này gặp nhiều nhất ở lứa tuổi trẻ em, người cao tuổi và cả những... thanh niên đang lứa tuổi yêu đương.

Bác sĩ phát hoảng với thói quen nhai mớm cơm, nhai mớm trầu của người Việt - 1

Ăn cơm mớm (cơm nhai) là người lớn súc một thìa cơm cho vào miệng nhai, khi cơm đã được nghiền nát thì lấy thêm thức ăn và nhai tiếp cho thức ăn nghiền nát cùng với cơm rồi bón cho trẻ ăn. Cơm nhai khô hay ướt hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật người nhai. Người lớn nhai cơm cho trẻ, vì trẻ chưa có răng, chưa đến nhóm tuổi ăn cơm. Khi trẻ ăn cơm mớm, thức ăn dễ tiêu hoá hơn, vì nó đã được nghiền nát và miếng cơm nhai có cả nước bọt của người nhai.

Ngoài việc bón cơm nhai, một số người còn mớm uống nước và nước hoa quả cho trẻ.

Ở người lớn, những người cao tuổi nghiện ăn trầu cau, nhưng răng đã yếu và rụng, không thể nhai được. Một số người trẻ hơn có răng tốt, chắc và khoẻ đã nhai hộ  cho đến khi trầu cau dập nát thì đưa cho người cao tuổi nhai tiếp.

Cách ăn này nhiều người thành phố nghe cảm thấy lạ lùng và ngỡ ngàng, nhưng điều đó vẫn xẩy ra khá phổ biến ở một số vùng nông thôn, vùng núi.

Trong khi đó, thói quen cho trẻ ăn cơm mớm không đảm bảo vệ sinh, không tốt cho sức khỏe của trẻ. Khi trẻ ăn cơm mớm, cơm nhai vô hình dung đã bị lây nhiễm một số bệnh truyền nhiễm của người nhai cơm qua con đường ăn uống, đường hô hấp.

Hàng loạt bệnh nguy hiểm có thể mắc khi ăn cơm mớm

Một số bệnh điển hình có thể lây truyền qua con đường này là:

Bệnh lỵ amip: Bệnh lỵ lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường tiêu hoá. Bệnh lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi họ tiếp xúc với nhau. Những người mang mầm lỵ amip ở kẽ móng tay. Khi cho trẻ ăn cơm mớm, cơm nhai người nhai cơm hay dùng tay để bón cho trẻ.

Bệnh viêm gan: Viêm gan lây truyền chủ yếu qua phân, miệng, dịch tá tràng,…Khi nhai cơm nước bọt, dịch tá tràng của người bị viêm gan có thể truyền bệnh cho trẻ qua con đường ăn uống.

Bệnh màng não cầu: là một loại song cầu khuẩn khư trú ở mũi, họng. Bệnh lây theo đường hô hấp khi hít phải bụi, nước bọt, đờm dãi chứa màng não cầu được thải ra từ mũi họng người bệnh và người mang mầm bệnh.

Vi khuẩn HP dạ dày: Vi khuẩn này lây qua đường miệng-miệng được coi là nguyên nhân lây nhiễm HP phổ biến nhất. Do thói quen ăn uống chấm chung bát nước mắm, chung canh, chung thức ăn và "gắp thức ăn cho nhau" cũng làm lây nhiễm vi khuẩn HP.

Vì vậy không nên cho trẻ ăn cơm mớm, cơm nhai mà cho trẻ ăn các thức ăn chế biến phù hợp với từng nhóm tuổi, lứa tuổi sao cho dễ tiêu hoá và hấp thu.

Người Việt khi ăn uống thông thường có thói quen chấm chung một bát nước mắm/bát muối, dùng đũa của mình tiếp thức ăn cho người khác để tỏ sự tôn trọng với người lớn và sự hiếu khách. Một số người còn dùng đũa đang ăn của mình "khua khoắng" hết miếng này đến miếng khác trên đĩa thức ăn, bát canh trước khi gắp được một miếng ưng ý.

Thói quen ăn uống này tưởng như thân tình nhưng nó là con đường để đưa vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất.

Để hạn chế lây nhiễm vi khuẩn từ người mang mầm bệnh sang người khỏe mạnh cần có thói quen đảm bảo vệ sinh cá nhân trong ăn uống như: Không dùng chung nước chấm, nếu tiếp thức ăn cho người khác nên dùng đôi đũa mới (đũa chỉ dùng để tiếp thức ăn), món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên để vào đó một chiếc thìa (muỗng) sạch dùng chung. Khi dùng đũa cá nhân tránh để đũa chạm vào những phần thức ăn còn lại, gắp nhanh, dứt khoát, không khua khoắng đảo lộn thức ăn.

Với người già răng yếu muốn ăn trầu cau nên có cối trầu riêng của mình, nếu vì tay yếu không thể nghiền trầu cau được thì có thể nhờ người khác giã hộ. Khi giã trầu cau dập nát phù hợp với răng của người ăn trầu thì có lấy ra từ cối để ăn. Mỗi lần giã trầu xong phải rửa sạch cối để đảm bảo vệ sinh.

BS Nguyễn Tiến Thành

Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng