Bác sĩ phát hoảng vì... bệnh nhân hớn hở "khoe" tiểu ra sỏi dù chỉ uống thuốc lá

(Dân trí) - Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, nhiều bệnh nhân đến viện khám hớn hở “khoe” với bác sĩ vì mới đái ra được viên sỏi dù chỉ uống thuốc lá. Trong khi đó trên hình ảnh chiếu chụp, viên sỏi bị vỡ ra sau uống thuốc lá chạy khắp thận, là nỗi kinh hoàng của các bác sĩ khi can thiệp vì có thể không thể cứu được thận của người bệnh.

Theo BS Sơn, tình trạng bệnh nhân sỏi thận nhưng tự uống thuốc lá, thuốc đông y rất phổ biến. Có những bệnh nhân khi đến khám, sỏi có thể vỡ ra sau uống thuốc lá, thậm chí có những lần bệnh nhân đái ra sỏi nhưng cũng có những viên sỏi vỡ chạy khắp thận, chui vào các ngách, đài thận gây tắc;  có những người đến suy thận, hỏng chức năng thận vì uống thuốc lá, phải ghép thận.

Bác sĩ phát hoảng vì... bệnh nhân hớn hở khoe tiểu ra sỏi dù chỉ uống thuốc lá  - 1

Hình ảnh chụp X-quang một trường hợp cho thấy thận giãn vì sỏi to.

Trong khi đó, khi uống thuốc đông y không rõ nguồn gốc, hoạt chất không được tinh chế nên ngoài tác dụng lên đường tiết niệu còn tác dụng toàn thân, có những thành phần hại thận, làm chức năng thận kém đi dẫn đến suy thận, phải ghép thận.

Trong trường hợp sỏi vỡ chạy khắp thận; hoặc viên sỏi không lớn dần lên làm tắc nghẽn một phần nào đó đường tiết niệu sẽ dần khiến quả tận kém chức năng. Thực tế nhiều trường hợp ban đầu chỉ là sỏi thận nhưng sau chức năng thận kém đi nhiều vì những lý do này.

Khi nào cần can thiệp?

Theo bác sĩ Sơn, một nhầm lẫn nữa nhiều người bệnh gặp phải khi được chẩn  đoán sỏi, đó là muốn bằng mọi cách lấy hết sỏi.

Trong khi đó, trong điều trị, những trường hợp sỏi ít, hoặc không có nguy cơ ảnh hưởng chức năng thận có thể theo dõi, dùng thuốc. Bác sĩ chỉ can thiệp, khuyên nên can thiệp khi thấy sỏi ảnh hưởng chức thận. 

Vì thế, có trường hợp khi uống thuốc lá sỏi có thể hết nhưng người mệt mỏi, đến viện khám đúng là không còn sỏi nhưng thận vẫn hỏng.

Hay có những trường hợp sỏi san hô bệnh nhân khăng khăng đòi mổ lấy sạch sỏi nhưng bác sĩ không thể thực hiện theo yêu cầu, vì nếu để lấy hết sạch sỏi, thận cũng mất chức năng.

"Vì thế, bác sĩ chỉ làm đến mức tối đa, không cố lấy hết sẽ gây ảnh hưởng chức năng thận. Việc lấy viên sỏi nào, mức độ nào phải dựa trên đánh  giá viên sỏi gây tắc nghẽn, nguy cơ ảnh hưởng chức năng thận. Còn các viên thứ phát có thể chỉ lấy phần nào", BS Sơn giải thích.

Đừng sợ sỏi thận

BS Sơn cho biết, sỏi tiết niệu chiếm 45 - 50% các bệnh tiết niệu ở Việt Nam. Tỷ lệ nam (60%) cao hơn nữ (40%), lứa tuổi thường gặp từ 30-60 tuổi là 75 - 80%. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng khó lường như nhiễm khuẩn tiết niệu; viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận; giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận; suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn.

Theo BS Sơn, ngày nay có rất nhiều phương pháp để can thiệp sỏi thận an toàn. Trong đó phát hiện càng sớm, điều trị càng hiệu quả.

Bác sĩ phát hoảng vì... bệnh nhân hớn hở khoe tiểu ra sỏi dù chỉ uống thuốc lá  - 2

Bệnh nhân được can thiệp tán sỏi qua da.

Mới nhất, bệnh nhân Hồng Lê, 32 tuổi ở Thái Nguyên đến Bệnh viện Việt Đức thăm khám tháng trước do đau thắt lưng kéo dài.

Kết quả, bác sĩ phát hiện có sỏi san hô 2 bên thận. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện để tán sỏi bằng phương pháp nội soi tán sỏi qua da. Khối sỏi lớn, chị Lê phải tán nhiều lần. Để thực hiện kỹ thuật tán sỏi qua da, các bác sĩ rạch một vết rạch nhỏ khoảng một cm tại vùng lưng của bệnh nhân. Sau đó, nong một đường hầm nhỏ qua da, vào đến thận, tiếp xúc với viên sỏi.

Ống nội soi thận được đặt vào đường hầm để bác sĩ tán và gắp sỏi. Sỏi sẽ được tán thành mảnh vụn nhỏ và hút ra ngoài. Nội soi tán sỏi thận qua da là phương pháp ít sang chấn, thay thế cho mổ mở.

Theo BS Sơn, phương pháp nội soi cứu được nhiều bệnh nhân trước kia không thể can thiệp được, giảm. Nội soi cũng giúp bệnh nhân tránh  được vết mổ 20 – 30cm, nay chỉ 1 lỗ nhỏ.

Có nhiều nguyên nhân hình thành sỏi gồm: Rối loạn chuyển hoá gây tăng calci máu và calci niệu; dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh hoặc hẹp đường tiết niệu mắc phải gây ứ đọng nước tiểu tạo điều kiện thuận lợi hình thành nên sỏi.

Đa số các trường hợp sỏi calci không rõ nguyên nhân, một số tăng calci do chế độ ăn uống, bệnh lý như mất nước, nằm bất động lâu, tăng calci niệu gây sỏi hoặc do cường tuyến cận giáp gây tăng calci, hạ phospho.

Triệu chứng sỏi thận rất mơ hồ, bệnh nhân đau âm ỉ thắt lưng, đái ra máu do sỏi di chuyển khi vận động hay do nhiễm khuẩn gây tổn thương niêm mạc đài bể thận chảy máu. Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu, bệnh nhân sốt cao 38 - 39 độ C, thận to đau, đi tiểu đục và đôi khi gặp tình trạng sốc nhiễm trùng, vã mồ hôi, nổi vân tím toàn thân và tụt huyết áp.

Trong khi  đó sỏi thận lại dễ dàng phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ có siêu âm, chụp X-quang.

Để phòng bệnh và theo dõi sau điều trị sỏi thận, người bệnh cần có chế độ ăn uống nhiều nước trên 2 lít nước mỗi ngày, hạn chế thức ăn nhiều calci, oxalate như sữa, phomat,... Bệnh nhân cần khám định kỳ nhằm phát hiện sỏi thận tái phát hoặc các biến chứng, di chứng sau can thiệp.

Để giúp người dân phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời các bệnh lý như: Sỏi niệu quản - bàng quang; Sỏi thận đơn thuần và sỏi san hô phức tạp; U phì đại lành tính tuyến tiền liệt; Ung thư tuyến tiền liệt... Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình khám và tư vấn miễn phí về bệnh lý sỏi tiết niệu và u tuyến tiền liệt vào ngày 3/8 tới. 

Hồng Hải