Bác sĩ chống dịch Covid-19: Càng kì thị, chống dịch càng kém hiệu quả

(Dân trí) - Theo BS Nguyễn Trung Cấp, sự lo lắng của cộng đồng là cần thiết. Tuy nhiên nó phải xuất phát trên cơ sở hiểu biết, chúng ta không nên hoảng loạn vì những thông tin sai lệch.

Bác sĩ chống dịch Covid-19: Càng kì thị, chống dịch càng kém hiệu quả - 1

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cùng các y,bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chúc mừng 2 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Sáng 18/02, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức buổi lễ công bố điều trị khỏi bệnh Covid-19 cho 2 bệnh nhân. Chia sẻ với báo giới trong buổi lễ này, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, người đã trực tiếp điều trị cho các ca bệnh, tại tuyến đầu chống dịch Covid-19, cũng đã có những chia sẻ nhanh về tình hình chống dịch, đồng thời bày tỏ băn khoăn của mình về phản ứng thái quá của nhiều người dân với dịch bệnh.

Điều trị bệnh Covid-19 ở Việt Nam đang cho kết quả rất tốt, phác đồ liên tục được cập nhật

Theo chia sẻ của BS Nguyễn Trung Cấp, các ca bệnh Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (5 bệnh nhân) đều có diễn biến lâm sàng không quá trầm trọng, một trong những nguyên do là bởi các bệnh nhân của chúng ta đều khỏe và không có bệnh nền. Trong số các bệnh nhân chỉ có 2 người bị viêm phổi, nhưng rất may là không bị suy hô hấp nên không cần thở máy, điều này giúp công tác điều trị đơn giản hơn rất nhiều.

Bác sĩ chống dịch Covid-19: Càng kì thị, chống dịch càng kém hiệu quả - 2

BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chia sẻ với báo chí trong buổi lễ công bố.

Về phác đồ điều trị Covid-19 đang được áp dụng tại Việt Nam, BS Cấp cho biết: “Phác đồ điều trị của Việt Nam được xây dựng dựa trên những nghiên cứu của Trung Quốc về dịch bệnh, cũng như kinh nghiệm từ các thầy thuốc qua hàng ngàn ca bệnh ở Trung Quốc, kết hợp cùng các thông tin từ các trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới. Hiện tại phác đồ điều trị cũng luôn được cập nhật”.

Về băn khoăn của người dân về khả năng lây nhiễm bệnh tiềm tàng của những bệnh nhân COVID-19, trở về cộng đồng sau khi được công bố khỏi bệnh, BS Cấp phân tích: “Về nguyên tắc, khi bệnh nhân đã hết virus, nghĩa là hệ miễn dịch của bệnh nhân đã đủ mạnh để làm sạch virus, thì họ sẽ không có nguy cơ phát tán virus, nghĩa là không có nguy cơ lây lan cộng đồng. Tuy nhiên, vì cộng đồng vẫn có sự lo ngại, e dè nhất định, nên các bệnh nhân của chúng tôi sau khi được công bố khỏi bệnh, sẽ được giữ lại ở bệnh viện để chăm sóc, theo dõi thêm một thời gian. Những trường hợp khỏi bệnh đã trở về cộng đồng cũng liên tục được theo dõi tình trạng sức khỏe”.

Chúng ta càng kì thị thì quá trình chống dịch sẽ càng kém hiệu quả

Theo kinh nghiệm của mình qua rất nhiều dịch bệnh khác như HIV, cúm…, BS Nguyễn Trung Cấp nhận định: “Khi mà chúng ta càng kì thị, thì quá trình chống dịch sẽ càng kém hiệu quả. Bởi vì càng kì thị, bệnh nhân sẽ có tâm lí sợ bị cách ly, sợ cộng đồng xa lánh, kì thị nên không dám đi khám, thậm chí có trường hợp dấu bệnh”. Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm này, nếu không giải quyết được tâm lý ấy thì việc khoanh vùng điều trị sẽ rất khó khăn. “Tôi thấy để làm tốt được việc chống dịch thì cần phải dẹp bỏ những kì thị đó đi”.

Bác sĩ chống dịch Covid-19: Càng kì thị, chống dịch càng kém hiệu quả - 3

Sự kì thị của cộng đồng khiến bệnh nhân có tâm lí dấu bệnh.

Với sự lo âu của người dân trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, theo BS Nguyễn Trung Cấp, cách tốt nhất để đối phó với nỗi lo sợ chính là phải hiểu biết về nó. Các thông tin về dịch bệnh đã có rất nhiều trên báo, đài, TV hay các tờ rơi, băng rôn, pano được Bộ Y tế và y tế địa phương ban hành rất nhiều. Chúng ta cần tiếp nhận những thông tin ấy và bình tĩnh đối phó, thay vì thái độ sợ hãi, xa lánh và làm tình trạng dịch trầm trọng hơn.

Quan niệm Vĩnh Phúc là ổ dịch là hoàn toàn không đúng

Bày tỏ băn khoăn của mình về nạn tin giả và cách tiếp nhận thông tin thiếu chọn lọc của nhiều người dân, BS Nguyễn Trung Cấp nói: “Sự quan tâm, lo lắng của cộng đồng là cần thiết. Tuy nhiên sự quan tâm lo lắng này phải xuất phát trên cơ sở hiểu biết, chúng ta không nên hoảng loạn vì những thông tin không chính thống, thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến nhịp sống của mọi người hàng ngày và ảnh hưởng đến sự nghiệp chống dịch chung của cả đất nước".

Bác sĩ chống dịch Covid-19: Càng kì thị, chống dịch càng kém hiệu quả - 4

Với những người ở khu vực có dịch, hiện Bộ Y tế đã phong tỏa rất chặt chẽ.

BS Cấp cũng chia sẻ quan điểm của mình về thái độ phản ứng thái quá của cộng đồng với người Vĩnh Phúc, điển hình là tình trạng có những nơi khách sạn thậm chí còn từ chối không nhận người Vĩnh Phúc: “Vĩnh Phúc là một tỉnh rất lớn, rất đông dân. Trong khi đó, số thôn, xã có người nhiễm bệnh lại không nhiều. Với những người ở khu vực có dịch, hiện Bộ Y tế đã phong tỏa rất chặt chẽ, nên nhiều người có quan niệm Vĩnh Phúc là ổ dịch là hoàn toàn không đúng”.

Cũng trong buổi chiều ngày 18/2, Phòng khám Đa khoa Quang Hoà (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) sẽ công bố khỏi bệnh Covid-19 đối với 2 bệnh nhân.

Như vậy đến chiều 18/02, trong 16 ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam có 11 ca được công bố khỏi bệnh và xuất viện.

5 ca còn lại, gồm em bé 3 tháng tuổi đang điều trị ở Bệnh viện Nhi trung ương xét nghiệm lần 1 âm tính (người mẹ của bé xét nghiệm âm tính); bệnh nhân Việt Kiều Mỹ tại Sài Gòn cũng đã có kết quả âm tính.

2 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc ổn định. Một bệnh nhân mắc bệnh gần đây nhất đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên ổn định, đang chờ kết quả.

Đến ngày 18/2 Việt Nam chưa phát hiện thêm ca mới nào.

Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng phác đồ điều trị bệnh Covid-19 của Việt Nam đều cho kết quả tốt.

 

Minh Nhật