Bạc Liêu: Còn nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm

(Dân trí) - Theo Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, bệnh sốt xuất huyết có giảm nhưng một số bệnh truyền nhiễm khác có xu hướng gia tăng, trong khi việc khống chế, kiểm soát bệnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Đánh giá tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu vừa có báo cáo cho biết, tính đến tháng 11/2018, bệnh tay chân miệng (có 2.089 ca) tăng 23,4% so với cả năm 2017 (đặc biệt, gia tăng đột biến trong các tháng 9, 10, 11 và có 1 ca tử vong).

Còn bệnh sốt xuất huyết (có 433 ca) nhìn chung có giảm 54,7% so năm 2017. Tuy nhiên, bệnh xảy ra quanh năm và đa số là các ca tản phát. Điều này tiềm ẩn rất lớn lượng vi-rút, mầm bệnh lưu hành rộng rãi trong cộng đồng.

Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho rằng, số ca bệnh sốt xuất huyết giảm chưa hẳn đã hết các nguy cơ, đôi khi tác động ngược lại. Người dân thường lơ là, chủ quan trong công tác phòng ngừa. Nếu các tổ chức chính quyền các cấp bằng lòng với kết quả này thì rất dễ dẫn đến sự bùng phát dịch một các đồng loạt khi thói quen vệ sinh cá nhân, rửa tay đúng cách chưa thực hiện phổ biến và khi ý thức tự vệ sinh, thu gom dọn dẹp các vật dụng, các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà chưa được loại bỏ.

Một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng, như: Viêm não mô cầu (1 ca, tăng 100%), thủy đậu (245 ca, tăng 31,1%), quai bị (235 ca, tăng 100%), cúm (1.952 ca, tăng 59,3%), tiêu chảy (1.560 ca, tăng 16,1%),…

Đặc biệt, bệnh thủy đậu đã xảy ra trong môi trường trường học (ghi nhận 240 ca với 28 ổ dịch) và bệnh quai (249 ca với 32 ổ dịch). Một trường hợp bệnh viêm màng não do não mô cầu tử vong xảy ra trên địa bàn TP Bạc Liêu.

Các bệnh thuộc nhóm A chưa ghi nhận trường hợp nào trên người. Tuy nhiên, cúm A(H5N1) liên tục xảy ra trên gia cầm. Việc sử dụng gia cầm bị bệnh, vấn đề khai báo, kiểm soát gia cầm chết bất thường chưa được kiểm soát chặt chẽ.

IMG_20170912_132923.jpg

Thói quen người dân còn dự trữ nước sử dụng được đánh giá là tạo môi trường thuận lợi cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. 

Theo Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, với tình hình trên cho thấy trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại.

Việc khống chế gia tăng bệnh sốt xuất huyết gặp nhiều hạn chế do chưa có vắc xin phòng bệnh; chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; thói quen trữ nước của đại bộ phận người dân, quá trình đô thị hóa mạnh là nơi có rất nhiều ứ đọng nước tạo môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển và truyền bệnh sốt xuất huyết, zika.

Việc kiểm soát bệnh tay chân miện gặp khó khăn vì không có biện pháp dự phòng đặc hiệu; các thói quen hành vi không hợp vệ sinh và ý thức về phòng, chống bệnh của người dân chưa được cao. Bệnh dịch xảy ra quanh năm trong năm 2018 và khả năng gia tăng trong năm 2019.

Bệnh cúm gia cầm lây sang người luôn tiềm ẩn bùng phát do vẫn ghi nhận dịch cúm trên gia cầm tại nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, với tập quán chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế, vệ sinh thấp kém ở một số bộ phận dân cư, cùng với việc hạn chế về quản lý mua bán, giết mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết; trong khi đó tại Campuachia, Trung Quốc là các quốc gia thường xuyên xảy ra ổ dịch cúm trên gia cầm và có đường biên giới với Việt Nam.

Một số bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng (bạch hầu, ho gà,…) có nguy cơ tiếp tục gia tăng do tâm lý lo ngại phản ứng sau tiêm chủng và chờ đợi tiêm chủng dịch vụ; nhiều gia đình đi làm ăn ở các khu công nghiệp của các tỉnh khác không đăng ký tiêm chủng cho trẻ hoặc tiêm không đầy đủ.

Trong khi đó, một số địa phương, các cấp chính quyền chưa thực sự chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh; kinh phí cho công tác này chưa được đầu tư đúng mức, khi xảy ra dịch bệnh mới có kinh phí hoặc cấp muộn dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác phòng, chống dịch.

20160417_072749.jpg

Ngành Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết sẽ tăng cường giám sát bệnh chủ động trong cộng đồng để kịp thời xử lý những bệnh truyền nhiễm xảy ra.

Trước tình hình trên, trong năm 2019, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh sẽ dành hơn 7,3 tỷ đồng để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm sao cho có hiệu quả nhất.

Trong đó, mục tiêu của tỉnh là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em đạt trên 95%.

Ngành Y tế cũng đặt mục tiêu 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; giảm 5% - 10% số mắc, chết trên 100.000 dân các bệnh truyền nhiễm phổ biến (tỷ lệ mắc tay chân miệng < 128,2, cúm AH5N1 < 0.0033, bệnh do não mô cầu < 0.062, thủy đậu < 12.8, quai bị < 8.8, sốt xuất huyết 8% tương đương < 1.121 trường hợp/năm,…) so với trung bình giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đó, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường giám sát bệnh chủ động tại cộng đồng, chú trọng các nhóm bệnh nguy hiểm như bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), dịch hạch,… và các bệnh lưu hành có số mắc cao như tay chân miệng, sốt xuất huyết Dengue, sởi, sốt rét, bệnh dại,… để kịp thời xử lý.

Huỳnh Hải