Ba công trình đạt giải Nhân tài đất Việt lĩnh vực Y Dược 2019 ghi dấu ấn nền y tế Việt với thế giới

(Dân trí) - Năm 2019 là năm ghi dấu ấn đặc biệt, giải thưởng Nhân tài đất Việt lĩnh vực Y Dược lần đầu tiên trao tặng 3 giải thưởng cho 3 công trình ấn tượng, đã góp phần ghi dấu ấn nền y tế Việt Nam so với thế giới.

“Phẫu thuật quý tộc” của châu Âu “phủ sóng” khắp Việt Nam

Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh ổ bụng" của tác giả, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức đạt giải nhất Nhân tài đất Việt lĩnh vực Y Dược 2019 đã một lần nữa khẳng định những giá trị phẫu thuật nội soi tiêu hóa mang lại.

Ba công trình đạt giải Nhân tài đất Việt lĩnh vực Y Dược 2019 ghi dấu ấn nền y tế Việt với thế giới - 1

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, tại Việt Nam, phẫu thuật nội soi ở Việt Nam là một trong lĩnh vực khoa học đi gần với sự phát triển của chuyên ngành này trên thế giới. Năm 1987, ca mổ nội soi đầu tiên trên thế giới được thực hiện, chỉ sau 5 năm, Việt Nam tiến hành ca mổ nội soi đầu tiên. 

Theo GS Giang, với các bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa, điều ám ảnh nhất chính là đường mổ lớn ở vùng bụng khiến thời gian phục hồi rất lâu, bệnh nhân thực sự trải qua một cuộc đại phẫu. Khi mổ nội soi ra đời, từ đường mổ dài, bác sĩ chỉ “đục” 3- 5 lỗ trên thành bụng, đến giờ có những can thiệp chỉ cần “đục” 1 lỗ, thậm chí không cần "đục" lỗ do đi qua lỗ tự nhiên của cơ thể.

Ba công trình đạt giải Nhân tài đất Việt lĩnh vực Y Dược 2019 ghi dấu ấn nền y tế Việt với thế giới - 2

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao giải Nhất, lĩnh vực Y Dược cho tác giả.

Mổ nội soi đem đến một cuộc cách mạng cho bệnh nhân, thay thế cho những ca mổ mở nặng nề, chậm hồi phục sau mổ và tỉ lệ tai biến, biến chứng sau mổ cũng rất cao. Mổ nội soi người bệnh đỡ đau, người bệnh đỡ mất máu, hạn chế dùng kháng sinh và điều tuyệt vời nhất là không phải nằm viện lâu. Trước kia, mổ mở bệnh nhân nằm viện cả chục ngày, thì nay 2 - 3 ngày bệnh nhân được xuất viện. 

Ca phẫu thuật nội soi đầu tiên trên thế giới, người ta ví như vụ “bom nguyên tử”. Tại Việt Nam, ca đầu tiên thực hiện năm 1992 cũng gây rúng động giới y khoa bởi chỉ với một vết mổ nhỏ đã giải quyết được căn bệnh vốn trước đó phải mổ “phanh”, với đường mổ dài, hồi phục lâu.

"Với phẫu thuật nội soi, người thầy thuốc có thể vừa nhìn thấy trực tiếp tổn thương vừa có thể sửa chữa, xử lý các tổn thương mà người bệnh chỉ phải chịu một phẫu thuật xâm lấn tối thiểu trên thành bụng, bệnh nhân mất máu ít hơn trong mổ, sau mổ ít đau hơn và có thể phục hồi sức khỏe sau mổ sớm hơn so với mổ mở thông thường", GS Giang cho biết.

Vì thế, bệnh viện Việt Đức đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu, trong đó có đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ của phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh ổ bụng” với thành quả đã đưa ra 7 quy trình ứng dụng về phẫu thuật nội soi trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý ổ bụng như: Quy trình phẫu thuật nội soi tạo hình thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư thực quản; Quy trình nội soi cắt thận mất chức năng; Quy trình nội soi cắt khối tá tuỵ; Quy trình phẫu thuật nội soi 1 lỗ cắt ruột thừa; Quy trình phẫu thuật nội soi 1 lỗ cắt túi mật; Quy trình phẫu thuật nội soi qua đường lỗ tự nhiên cắt ruột thừa trên thực nghiệm; Quy trình phẫu thuật nội soi qua đường âm đạo cắt ruột thừa. 

Từ những ca mổ nội soi đầu tiên, sơ khai cắt túi mật, cắt ruột thừa đến nay nhờ phẫu thuật nội soi người ta có thể thực hiện những phẫu thuật phức tạp nhất như cắt thận, cắt gan, cắt dạ dày, cắt khối tá tụy… Phẫu thuật nội soi đã can thiệp tới hầu hết các tạng, chiếm tỷ lệ cao trong số các phẫu thuật nói chung ở nhiều nước trên thế giới.

Bước tiến ngoạn mục trong mổ tim: Từ mổ ‘phanh ngực’ đến đường mổ chỉ 1,5 cm

Từ một cuộc mổ tim đại phẫu, bác sĩ phải cưa mở toàn bộ xương ức của bệnh nhân một đoạn dài 20 cm, sau đó khâu lại bằng chỉ thép thì giờ đây bác sĩ có thể chỉ cần mổ nội soi. Vết mổ nhỏ 4-6 cm, thậm chí 1,5 cm, bằng vết đặt ống dẫn lưu nếu nội soi toàn bộ.

Công trình Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong phẫu thuật tim hở tại Việt Nam của GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E Trung ương và các cộng sự đã giành Giải nhất Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Y dược năm 2019.

Nhóm tác giả gồm GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E và các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Nguyễn Công Hựu, Đỗ Anh Tiến, Nguyễn Trần Thủy, Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Thế Bình, Nguyễn Đỗ Hùng, Lê Tiến Dũng, Nguyễn Thái Long, Phan Thảo Nguyên, Trần Đắc Đại, Phạm Thành Đạt.

Ba công trình đạt giải Nhân tài đất Việt lĩnh vực Y Dược 2019 ghi dấu ấn nền y tế Việt với thế giới - 3

Ông Mai Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trao giải Nhất, lĩnh vực Y Dược cho các tác giả.

Với phương pháp mổ tim kinh điển truyền thống, các bác sĩ sẽ cưa mở toàn bộ xương ức của bệnh nhân một đoạn dài 20 cm, cuối cùng phải khâu lại bằng chỉ thép cố định cả đời. Thời gian hồi phục của người bệnh lâu, chưa kể các biến chứng như nhiễm trùng xương ức, có thể dẫn đến tử vong.

Đường mổ này cũng để lại hậu quả lớn, lồng ngực có thể bị biến dạng thành lồng ngực gà. Với những người có cơ địa sẹo lồi sẽ để lại một đường sẹo lớn, giữa ngực, ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ đặc biệt là với phụ nữ.

Với phẫu thuật nội soi trong mổ tim hở, thay vì đường mổ cưa mở toàn bộ xương ức, phương pháp mổ nội soi sử dụng đường mở ngực nhỏ từ 6 cm, xuống 4 cm, sau đó đến nội soi toàn bộ thì đường mổ chỉ 1,5 cm. 

Năm 2013, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã thực hiện ca mổ nội soi tim đầu tiên. Từ năm 2017, một số bệnh lý được mổ nội soi toàn bộ, đặc biệt bệnh lý khó như thông liên thất. Ngoài ra những bệnh lý đơn giản như thông liên nhĩ, u trong tim thì mổ nội soi toàn bộ.

Ba công trình đạt giải Nhân tài đất Việt lĩnh vực Y Dược 2019 ghi dấu ấn nền y tế Việt với thế giới - 4

GS Thành cũng cho biết thêm từ đường mổ xương ức dài 20 cm chuyển sang đường mổ ở ngực 12-18 cm, sau đó 4-6 cm. Các bác sĩ cũng không dùng banh sườn bằng sắt mà dùng banh sườn mềm nên không bao giờ gãy xương sườn, không dùng chỉ thép, tránh được việc cưa mở xương ức nên tránh tình trạng nhiễm trùng, tránh chỉ thép. Nếu nội soi toàn bộ thì đường mổ ở ngực chỉ 1,5 cm, vết mổ như vết đặt ống dẫn lưu.

“Đây là một bước tiến ngoạn mục. Xưa tôi không thể nghĩ sẽ có một ngày mình mổ thay một cái van, vá thông liên nhĩ mà đường mổ bé như thế. Thế nên ca mổ đầu tiên phấn khởi lắm vì đường mổ bé.”, GS Thành vui vẻ nói.

Đến nay, tại Bệnh viện E 100% các bệnh tim đơn giản như mổ thay van hai lá đều được mổ nội soi. Ngay sau khi rút nội khí quản, tất cả mọi hoạt động của bệnh nhân gần như bình thường trở lại.

Bệnh viện E đã chuyển giao kỹ thuật mổ tim nội soi cho hầu hết các bệnh viện trong cả nước tại Huế, Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội… 

“Với những ứng dụng về công nghệ trong lĩnh vực y tế, mổ nội soi thậm chí có thể giúp phẫu thuật viên nhìn rõ hơn mổ thường. Những góc khuất xưa tưởng mổ mở nhìn thấy thì mổ nội soi nhìn rõ hơn. Song mổ nội soi khó ở chỗ, nếu không có lộ trình đào tạo cẩn thận, không may khi mổ có biến chứng thì rất khó xoay sở. Vì một khi có biến chứng thì bắt buộc phải quay ra mổ mở”, GS Thành nhấn mạnh.

Đến nay Bệnh viện E đã mổ hơn 900 bệnh nhân bằng phương pháp mổ nội soi. Kỹ thuật đạt tỷ lệ thành công cao, gần 96%. Tỷ lệ tai biến chung là 4%.

Phương pháp này được ứng dụng trong các bệnh lý như thông liên nhĩ, thông liên thất, van hai lá (thay hoặc sửa van), sửa toàn bộ thông sàn nhĩ thất bán phần, u nhầy nhĩ trái, u nhầy nhĩ phải, u mỡ thất phải, cắt màng ngăn nhĩ trái, sửa van động mạch phổi, bắc cầu động mạch liên thất trước. Đây là phương pháp an toàn, khả thi, có thể triển khai thường quy trong điều kiện nước ta.

BV Chợ Rẫy: Phương pháp phẫu thuật 3 trong 1 giúp người bệnh thoát “án tử”

Cụm công trình khoa học "Nghiên cứu phẫu thuật u nền sọ trước qua nội soi của Khoa Tai Mũi Họng (BV Chợ Rẫy), đại diện nhóm tác giả là TS.BS Ngô Văn Công đạt giải Nhì lĩnh vực Y Dược Nhân tài đất Việt 2019.

Ba công trình đạt giải Nhân tài đất Việt lĩnh vực Y Dược 2019 ghi dấu ấn nền y tế Việt với thế giới - 5

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao giải Nhì Nhân tài đất Việt lĩnh vực Y Dược cho nhóm tác giả Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tiến sĩ- Bác sĩ Ngô Văn Công, khoa Tai Mũi Họng: Trước đây, với những trường hợp bị u sàn sọ, bệnh nhân phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật riêng biệt vì u nằm ở ranh giới giữa não và tai mũi họng. Các bác sĩ sẽ thực hiện cuộc mổ lấy u ở vùng mũi sau đó chờ bình phục mới chuyển qua mổ sọ não lấy u, hoặc bệnh nhân sẽ được mổ lấy u ở vùng sọ não sau đó mới thực hiện phẫu thuật loại bỏ u ở vùng mũi.

Các cuộc phẫu thuật chỉ dừng lại ở vùng sàn sọ, nếu bác sĩ tai mũi họng lấy qua sàn sọ sẽ xâm lấn vào não gây rò dịch não tủy, nguy cơ viêm màng não khiến bệnh nhân tử vong cao (trên 90%)

Ngược lại, bác sĩ ngoại thần kinh cũng chỉ lấy đến sàn sọ sẽ dừng lại vì chuyên môn không xử lý được các rủi ro ở vùng mũi.

Trên thực tế khối u đã xâm lấn qua màng não, việc phẫu thuật không loại bỏ triệt để khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tái phát, đặc biệt những ca bị u ác tính, nguy cơ tái phát, phải phẫu thuật lại hoặc tử vong luôn ở mức cao.

Làm thế nào để loại bỏ được khối u triệt để ở cả vùng mũi, vùng não và tái tạo lại sàn sọ, tiến hành hóa trị, xạ trị sớm cho những ca bị u ác tính là nỗi trăn trở của các bác sĩ.

Để tìm giải pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân, hơn 20 năm trước PGS.TS Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và Tiến sĩ- Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó khoa Tai Mũi Họng đã trở thành những người tiên phong sang Pháp tiếp cận với phẫu thuật u sàn sọ. Tiếp đến, những kỹ thuật nội soi qua đường mũi được các bác sĩ tiếp nhận từ Singapore.

Trên cơ sở kết hợp với phương pháp phẫu thuật u sàn sọ của Pháp, những ý tưởng về kỹ thuật nội soi u sàn sọ cho người bệnh đã nhen nhóm.

Từ năm 2007 đến nay, bệnh viện chủ động thực hiện phương pháp mới trên những ca bệnh từ dễ đến những ca bệnh khó. Đến nay, các bác sĩ đã làm chủ được kỹ thuật nội soi xử lý triệt để u sàn sọ giữ lại sinh mạng cho 102 ca bệnh khi đã cận kề “cửa tử”, tỷ lệ sống còn của người bệnh sau 5 năm đạt trên 60%.

PGS.TS Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: “Phẫu thuật các khối u ở vùng mũi xoang xâm lấn trong nền sọ trước là phẫu thuật mới và khó trên thế giới. Bệnh viện Chợ Rẫy thành công với phẫu thuật nội soi u nền sọ qua nội soi đã giải quyết triệt để khối u và tái tạo sàn sọ trong cùng một lần phẫu thuật, giúp người bệnh không phải chịu nhiều cuộc mổ, không tốn kém chi phí, đồng thời giải tỏa cả những vấn đề lo lắng cho người bệnh”.

Hồng Hải - Nam Phương - Vân Sơn