Bà bầu U50: Vui mà lo!

Tuổi mang thai tốt nhất với phụ nữ là từ 25 đến 35, tức đã đủ trưởng thành về thể chất, tinh thần và tâm lý để vượt qua thai kỳ

Sau những ngày lo đám cưới cho cô con gái 23 tuổi, bà T.T.B.A (49 tuổi, nhân viên văn phòng; ngụ quận 12, TP HCM) rất mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, hay buồn nôn. Tuy nhiên, bà chỉ nghĩ đơn giản là do bận rộn, căng thẳng nên bất ổn. Sau đó 1 tháng, chợt nhớ ra mình đã mất kinh nguyệt 3 tháng, nghĩ rằng đã “tới tuổi”, bà A. đến bệnh viện kiểm tra thì thật bất ngờ khi bác sĩ (BS) bảo bà... có thai.

Quyết định khó khăn

Trước đây, sau khi sinh con gái đầu khoảng 5 năm, vợ chồng bà A. từng có ý định sinh con thứ hai. Tuy nhiên, ngay sau đó, công ty của người chồng phá sản nên bà quyết định tạm dừng kế hoạch có con và đặt vòng tránh thai.

Nên khám thai thường xuyên ở độ tuổi trung niên. Trong ảnh: Khám thai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM
Nên khám thai thường xuyên ở độ tuổi trung niên. Trong ảnh: Khám thai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM

Nhiều năm chèo chống qua cơn khó khăn, kinh tế gia đình cũng ổn định nhưng khi đó, bà A. đã gần tuổi 40 nên bỏ luôn ý định có con. Lúc ấy, bà đặt vòng tổng cộng 2 lần. Chiếc vòng thứ hai vẫn còn tác dụng khoảng 6 năm nên bà cứ để đó rồi... quên luôn. BS cho biết đến nay, chiếc vòng đã hết hạn sử dụng nên việc bà có thai ở tuổi U50 tuy khó nhưng không phải không thể.

Mối lo lớn nhất của vợ chồng bà A. lúc này là đứa bé. Bỏ thai cũng không đành mà giữ thì, như bà biết qua sách vở, sẽ có nhiều nguy cơ. Hơn nữa, bà đã 49 tuổi, chồng thì 60, việc vượt qua thai kỳ và nuôi dưỡng đứa bé sẽ không dễ dàng gì.

Trong bối cảnh xã hội ngày nay, việc một phụ nữ ở lứa tuổi U50, U60 vẫn còn khỏe mạnh về thể chất và đời sống tình dục không còn hiếm. Do lập gia đình trễ, tái hôn... rồi sau đó bất ngờ có “tin vui” khiến nhiều phụ nữ trung niên bối rối. Bị ám ảnh bởi quan niệm “lớn tuổi có con thường bị hội chứng Down, chậm phát triển...”, nhiều người đã ngậm ngùi bỏ thai. Có người mong được thêm con thì vui mừng với món quà “trời ban” này nhưng cũng rất lo lắng vì sợ không đủ sức làm mẹ.

Theo BS Nguyễn Quốc Chinh, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, khả năng có thai tự nhiên của phụ nữ sau tuổi 40 giảm nhiều. Sang đến tuổi 44, khả năng này hầu như rất thấp. Sau đó, họ có thể bước vào giai đoạn mãn kinh, thường xảy ra trong độ tuổi từ 45 đến 55. Mãn kinh được xác định khi người phụ nữ đã ngừng kinh nguyệt sau 12 tháng kể từ lần có kinh cuối cùng và đánh dấu sự chấm dứt của hiện tượng rụng trứng. Đến thời điểm này thì họ hoàn toàn không thể có thai được nữa.

Trên 40 tuổi: Thai kỳ nguy cơ cao

Theo BS Chinh, việc có thai khi đã lớn tuổi, nhất là giai đoạn sau 40, cũng có nhiều thuận lợi. Lúc này, người phụ nữ thường đã chín chắn trong cuộc sống, có ý thức chăm sóc con cái và gia đình, có nghề nghiệp ổn định và khả năng tài chính.

Tuy nhiên, có thai sau 40 tuổi cũng có nhiều bất lợi bởi những mối nguy về sức khỏe. Thai kỳ ở người trên 40 tuổi là thai kỳ thuộc nhóm nguy cơ cao. Người mẹ phải đối diện nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật - sản giật, sinh khó... nhiều hơn người trẻ. Con họ có thể bị rối loạn nhiễm sắc thể, nhẹ cân lúc sơ sinh, tỉ lệ dị tật và tử vong chu sinh tăng... Tỉ lệ trẻ sinh ra bị hội chứng Down là 1/200 khi phụ nữ sinh con ở tuổi từ 40 trở lên, trong khi chỉ 1/700 ở bà bầu tuổi 35-39 và 1/1.500 ở tuổi 20-34.

Tuy vậy, theo BS chuyên khoa II Dương Phương Mai, Phó Giám đốc y khoa Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, không nên quá lo lắng nếu phụ nữ lỡ có thai hoặc mong muốn có thai khi đã vào tuổi trung niên. Suy nghĩ rằng lớn tuổi thì không thể sinh con khỏe mạnh là khá sai lầm. Đương nhiên là khi ấy, phụ nữ có nhiều nguy cơ và có thể đối diện các nguy cơ này qua việc sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, theo dõi thai kỳ chặt chẽ. “Thai phụ lớn tuổi nên lựa chọn khám thai và sinh nở ở một cơ sở y tế tuyến trên có đầy đủ phương tiện kỹ thuật để có thể kịp thời giải quyết những nguy cơ xảy ra” - BS Mai khuyên.

Theo BS Dương Phương Mai, phụ nữ nên lưu ý và tự xếp mình vào nhóm “thai phụ lớn tuổi” nếu mang thai ở độ tuổi trên 35 để theo dõi thai kỳ chặt chẽ vì từ tuổi này, các nguy cơ đã tăng lên.

Cần thay đổi lối sống

Theo BS Nguyễn Quốc Chinh, nếu vì lý do riêng mà người phụ nữ mong muốn có thai khi đã lớn tuổi thì nên thay đổi lối sống, như: sinh hoạt lành mạnh, ngưng hút thuốc lá, giữ cơ thể cân đối, tránh béo phì, theo dõi và điều trị ổn định các bệnh lý nội khoa, các bệnh lây qua đường tình dục nếu có…

Ở tuổi trên 40, nếu quan hệ vợ chồng bình thường trong 6 tháng mà vẫn chưa có con thì nên đi khám hiếm muộn. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu có thai và sinh con của phụ nữ lớn tuổi, nhiều trung tâm điều trị vô sinh có dịch vụ cung cấp trứng của người cho hoặc trứng trữ đông của bản thân họ đã lưu giữ nhiều năm trước khi đến tuổi 40.

Theo Anh Thư

Người lao động