Áp lực thi cử (2): Làm sao để con không bị… tâm thần?

Tiếp nối kỳ trước, ở kỳ này, Báo ANTĐ cung cấp những thông tin về hậu quả có thể xảy ra đối với các em học sinh nếu như phải chịu áp lực thi cử, học hành ở mức độ cao trong thời gian dài. Bên cạnh đó là lời khuyên từ chuyên gia để cha mẹ, nhà trường và thầy cô biết cách phát huy mặt tích cực của áp lực, để việc học – việc thi không còn là “ác mộng” đối với các bạn trẻ.

Những hậu quả của áp lực thi cử, học hành

Trao đổi với PV Báo ANTĐ, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương (Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) cho biết, hậu quả của áp lực học và thi đối với các em có thể ở mức độ từ nhẹ tới nặng.

“Khi các em luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, gồng mình lên để chống chọi áp lực thi cử, học hành, thì ban đầu, những ảnh hưởng mức độ nhẹ có thể xuất hiện, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày. Như: Ăn kém, đêm ngủ ít, cảm giác kiệt sức, lo lắng căng thẳng quá mức, đau đầu hoa mắt chóng mặt, đau dạ dày, suy nhược cơ thể…”, TS. BS Phương chỉ rõ.

Áp lực thi cử (2): Làm sao để con không bị… tâm thần? - 1

Nếu không biết sắp xếp thời gian khoa học, lại bị cha mẹ và thầy cô "thúc ép", nhiều em sẽ trở nên khủng hoảng

Đáng ngại hơn, có những em đã nảy ra “sáng kiến” tìm tới những chất kích thích như cà phê, chè đặc, thuốc lá… để thức khuya học một cách tỉnh táo hơn.

Nhưng việc lạm dụng chất kích thích như vậy càng khiến các em căng thẳng hơn, khó ngủ, dễ bực mình, cáu gắt, nếu lạm dụng lâu ngày có thể dẫn đến hội chứng nghiện. Tình trạng này cũng khiến các em đánh mất đi hứng thú học tập của mình.

Nghiêm trọng hơn, có những trường hợp học sinh vì không chịu được áp lực quá nặng nề, và lại thiếu sự hỗ trợ, quan tâm từ phía gia đình và nhà trường, nên các em có thể phản ứng lại với áp lực bằng những cách tiêu cực như nản chí, không học nữa, hoặc bỏ nhà đi để trốn tránh áp lực, nhiều em có biểu hiện rối loạn tâm thần, nặng nề nhất là học sinh có ý nghĩ hay hành vi tự sát.

TS. BS Phương cho hay, hiện nay, Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính xác về số vụ tự sát ở học sinh, sinh viên, chỉ có một số trường hợp được đăng trên báo đài. Như vào cuối năm 2015, nữ sinh T.T (THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) đã tự sát và để lại 5 lá thư tuyệt mệnh khiến nhiều người đau xót.

Nguyên nhân tự tử của T.T xuất phát từ sự buồn chán, thất vọng vì em chỉ đạt học sinh trung bình. Kết quả học tập đó không đáp ứng được mong đợi của người thân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hồi năm 2015 rằng, tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở những người từ 15-29 tuổi.

Áp lực thi cử (2): Làm sao để con không bị… tâm thần? - 2

Nếu được động viên và định hướng đúng, các em sẽ tìm thấy niềm vui trong học tập, chứ không phải là áp lực nặng nề

“Các rối loạn tâm thần vốn có nhiều nguyên nhân rất phức tạp. Ngoài yếu tố sinh học như bệnh lý di truyền, nội sinh, thì những tác động bên ngoài như áp lực từ gia đình, xã hội, trường học… có ảnh hưởng rất lớn, nhất là trong giai đoạn biến đổi tâm sinh lý mạnh của các em học sinh. Áp lực học và thi có thể là những stress mạnh cấp diễn, hoặc trường diễn. Những stress này có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra các rối loạn tâm thần, hoặc chúng là những yếu tố thúc đẩy những rối loạn tâm thần nội sinh xuất hiện, hoặc làm nặng thêm các rối loạn tâm thần sẵn có của bệnh nhân”, TS. BS Phương phân tích.

Một số loại rối loạn tâm thần liên quan đến stress được vị chuyên gia về lĩnh vực tâm thần học chỉ ra là: Rối loạn stress cấp; Rối loạn loạn thần cấp; Rối loạn sự thích ứng; Tâm thần phân liệt; Rối loạn cảm xúc lưỡng cực; Rối loạn lo âu; Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm; Rối loạn trầm cảm; Rối loạn phân ly; Rối loạn liên quan sử dụng chất…

Làm sao để con không bị “tâm thần… vì học”?

Ở vị trí một chuyên gia về lĩnh vực nghiên cứu tâm thần học, TS. BS Nguyễn Doãn Phương cho rằng, điều quan trọng đầu tiên mà nhiều bậc phụ huynh bỏ qua là theo dõi sở thích, năng khiếu của con em mình, để từ đó có sự định hướng phù hợp.

“Có những gia đình để cho con tự do thoải mái chọn lựa môn học và lĩnh vực yêu thích, nhưng ở độ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm sống, nhiều em không thể có lựa chọn chuẩn xác. Sự tự do này cũng cần có định hướng của cha mẹ, để vừa đảm bảo lĩnh vực lựa chọn là đúng năng khiếu, sở trường của con, vừa phù hợp với thực tế. Một khi làm được như vậy, các em sẽ tránh được áp lực căng thẳng, kỳ vọng quá mức trong quá trình học và thi”, TS. BS Phương chia sẻ.

TS. BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia
TS. BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia

Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải trang bị cho con kỹ năng sống, giúp con thích ứng với stress, để từ đó nâng cao bản lĩnh cho các em, giúp các em vững vàng đối mặt với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống.

Ngoài ra, việc theo dõi lịch sinh hoạt của các em cũng rất quan trọng, để đảm bảo các em ngủ nghỉ đủ thời gian cần thiết. Nếu cảm thấy các em luôn ở trong tình trạng “không đủ thời gian để học” thì cha mẹ cần trao đổi với thầy cô giáo để tìm ra phương thức tiếp cận, ôn luyện hiệu quả và thực chất hơn.

“Khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường trong hành vi, lời nói, các bậc cha mẹ cần phải đưa ngay các em đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp. Cần tránh thái độ kỳ thị và tự ý mua thuốc bên ngoài để uống”, TS. BS Phương lưu ý.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đến gần, việc hiểu đúng về áp lực thi cử, học hành là hết sức quan trọng, để các em học sinh được tạo điều kiện tốt nhất phát huy khả năng của mình, tránh những áp lực tiêu cực có thể gây ảnh hưởng xấu tới tương lai.

Theo Nguyễn Trung Hiếu

An ninh thủ đô