Ăn ít rau, nhiều muối thúc đẩy nguy cơ ung thư

(Dân trí) - Ăn ít rau xanh không chỉ khiến bạn táo bón mà còn là nguyên nhân gây ung cơ ung thư ruột. Hay việc ăn nhiều muối không chỉ là yếu tố gây tăng huyết áp, suy thận mà cũng là nhân tố gây ung thư dạ dày.

Ung thư ruột, ung thư đại trực tràng vì ăn ít rau xanh

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dinh dưỡng không hợp lý là yếu tố quan trọng làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh ung thư.

Ăn ít rau, nhiều muối thúc đẩy nguy cơ ung thư - 1

Nhiều người Việt ăn lượng rau không đủ với nhu cầu khuyến cáo, chỉ đơn giản nghĩ ăn ít rau gây táo bón. Trên thực tế, ăn ít rau và trái cây được quy cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới.

Ăn ít rau và trái cây ước tính là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ, và 11% số trường hợp đột quỵ.

Ăn ít nhất 400 gam rau và trái cây (tương đương với 5 đơn vị chuẩn) mỗi ngày giúp phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng.

Tuy nhiên, mức tiêu thụ rau của người Việt rất thấp. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, sau 30 năm, mức tiêu thụ rau không hề đổi thay (nếu không nói giảm đi 10%), với khoảng 200 gram/người/ngày. 

Bên cạnh đó, mức tiêu thụ quả chín năm 2000 có tăng so với năm 1985, nhưng đến nay vẫn không đổi thay, 65 gram/người/ngày.

Ngoài việc ăn rau xanh mới chỉ đạt một nửa so với khuyến cáo của WHO, khẩu phần ăn của người Việt gia tăng thức ăn từ động vật trong khi dinh dưỡng từ các loại hạt được khuyến khích tốt nhưng lại chưa được coi trọng.

Trong khi đó theo công bố, đến nay có đến hơn một số dân số trưởng thành (57,2%) ăn thiếu rau, trái cây so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Trong đó nam lại càng lười ăn rau xanh hơn nữ giới, với 61,3% nam giới và 51,4% nữ giới chưa ăn đủ lượng rau xanh so với khuyến cáo.

Đây là các yếu tố thúc đẩy nguy cơ gây ung thư, trong đó có ung thư ruột, ung thư đại trực tràng.

Các bằng chứng khoa học cho thấy ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng, ví dụ như thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo và đường, làm tăng nguy cơ béo phì và tác hại cũng giống như ăn ít rau và trái cây. Ăn thực phẩm có nhiều chất béo no (có nhiều trong mỡ động vật) và chất béo chuyển hóa (Trans fatty acid - có thể có trong thực phẩm chế biến sẵn) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và bệnh ĐTĐ và cả nguy cơ ung thư. Những người béo phì có nguy cơ ung thư cao hơn người khác.

Ung thư dạ dày liên quan đến thói quen ăn mặn

Lượng muối tiêu thụ hàng ngày là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến mức huyết áp cũng như nguy cơ các bệnh tim mạch.

Với bệnh ung thư, việc ăn mặn cũng là yếu tố thúc đẩy nguy cơ ung thư dạ dày. WHO khuyến cáo không nên ăn quá 5 gam muối/ngày để phòng chống các bệnh tim mạch và phòng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm.

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở cả hai giới. Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp sau ung thư gan, ung thư phổi. Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, nhưng điều đáng tiếc là các bệnh nhân thường đến viện ở giai đoạn muộn, việc phẫu thuật, điều trị khó khăn và rất tốn kém, thời gian sống thêm không được nhiều.

Để giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa và ung thư dạ dày, cần thay đổi lối sống như tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều trái cây và rau củ, ăn đều hằng ngày.  Chọn nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc. Cố gắng giảm lượng thức ăn mặn và hun khói. Nên bỏ thuốc lá nếu đang hút. Nội soi định kỳ để phát hiện sớm ung thư.

Tú Anh