Ăn chua bị đau quặn bụng, bệnh nhân sốc vì u ác tính đại tràng

(Dân trí) - Thường xuyên đau bụng khi ăn đồ chua kèm theo tình trạng táo bón, chỉ trong thời gian khoảng 3 tháng bệnh nhân sụt mất 15kg. Các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của bác sĩ cho thấy bệnh nhân bị ung thư đại tràng.

Đó là trường hợp bệnh nhân N.B. (61 tuổi) vừa được chẩn đoán, điều trị tại một bệnh viện trên địa bàn TPHCM. Qua khai thác bệnh sử của bác sĩ từ thân nhân người bệnh được biết, trước đó ông N.B. không có triệu chứng bất thường về mặt sức khỏe. Khoảng 3 tháng qua mỗi khi ăn chua ông hay bị đau quặn bụng, thỉnh thoảng bị táo bón nhưng không rõ ràng.

Ăn chua bị đau quặn bụng, bệnh nhân sốc vì u ác tính đại tràng - 1

Vị trí đại trạng của người bệnh bị ung thư gây hẹp đường ruột, di căn

Tuy nhiên, bệnh nhân bị sụt cân quá nhanh, chỉ trong thời gian 3 tháng trọng lượng cơ thể đã giảm 15kg. Lúc này bệnh nhân lo lắng nên đến bệnh viện địa phương kiểm tra thì phát hiện bị u đại tràng trái. Các kết quả xét nghiệm, sinh thiết bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân bị sigma ác tính. Sau chẩn đoán trên, bệnh nhân chuyển đến TPHCM điều trị trong tình trạng hoang mang.

Các xét nghiệm, X-quang, chụp CT bụng, chẩn đoán chuyên sâu của bác sĩ xác định, bệnh nhân bị u ác vùng đại tràng góc lách. Các bác sĩ khoa Ngoại Tổng quát đã tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng trái chứa khối u cho bệnh nhân.

Khoảng 3 giờ khẩn trương trong phòng mổ, ê kíp đã cắt thành công đoạn đại tràng chứa khối u lớn có trọng lượng 1kg. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển đến khoa Chăm sóc Tích cực (ICU) theo dõi, điều trị hậu phẫu. Ngày 23/10 (hơn 1 tuần sau cuộc mổ) tình trạng sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt, vết mổ khô.

Ăn chua bị đau quặn bụng, bệnh nhân sốc vì u ác tính đại tràng - 2

Khối u ác tính nặng 1kg sau khi được bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ

PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường – bác sĩ phẫu thuật chính cho bệnh nhân chia sẻ, ung thư đại tràng thường tiến triển chậm và di căn muộn hơn so với các loại ung thư khác. Nếu phát hiện và mổ sớm khi ung thư chưa đến lớp thanh mạc thì tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh có thể đạt 80% - 90%. Ở Việt Nam người bị ung thư đại tràng thường phát hiện ra bệnh rất muộn nên tỷ lệ sống trên 5 năm rất thấp.

Với bệnh nhân N.B, do khối u rất to (khoảng 8x8cm) gây hẹp lòng ruột gần như hoàn toàn nếu không phẫu thuật cắt khối u bệnh nhân có thể bị tắc ruột, tử vong. Tình trạng hẹp lòng ruột cũng gây phản ứng viêm tấy lan tỏa, dính vào lách và khối mạc nối lân cận nên quá trình phẫu thuật phải rất cẩn trọng, phân tách khối u để tránh nguy cơ chảy máu. Dù phẫu thuật thành công nhưng khối u đã di căn ra ngoài và di căn hạch nên bệnh nhân sẽ phải hóa trị.

Bác sĩ Tấn Cường khuyến cáo, ung thư đại tràng biểu hiện thường không rõ ràng. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau bụng nhưng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác về đường tiêu hóa. Sụt cân nhanh là biểu hiện của bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng. Với những khối u lớn gây hẹp lòng ruột như bệnh nhân N.B. cần phẫu thuật ngay để tránh biến chứng có thể dẫn tới tử vong.

Ăn chua bị đau quặn bụng, bệnh nhân sốc vì u ác tính đại tràng - 3
Khối u đã di căn, sau phẫu thuật người bệnh cần hóa trị

Ung thư đại tràng không có nguyên nhân riêng lẻ, yếu tố nguy cơ thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi, người béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít chất xơ, những người có tiền sử gia đình bị ung thư đường ruột. Người bệnh ung thư đại tràng sẽ xuất hiện dạng chồi thịt (pôlýp) ở lớp mô lót mặt trong của ruột. Theo thời gian, chồi thịt này sẽ lớn dần và nhô ra trong lòng ruột, dưới sự cọ xát của chất thải trong đường tiêu hóa, chồi thịt bị tổn thương gây chảy máu, bít dần lòng ruột dẫn tới tắc ruột.

Khi có những biểu hiện bất thường ở đường ruột như tình trạng tiêu chảy, táo bón hoặc vừa tiêu chảu vừa táo bón kèm theo đau bụng lâm râm, đầy hơi, lúc đi cầu thấy phân có kích thước nhỏ lại, dính máu hoặc tiêu ra máu, cơ thể mệt mỏi, sụt cân nhanh, thiếu máu không rõ lý do… người bệnh nên đến bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị sớm.

Vân Sơn

(Ảnh: CIH)