Âm nhạc làm dịu cơn đau khi giải phẫu?

(Dân trí) - Một công trình nghiên cứu được tạp chí y khoa The Lancet của Anh đăng ngày 12/08/2015 cho biết: Nghe nhạc trước, trong và sau khi giải phẫu có tác động rất tốt lên bệnh nhân, giảm bớt nỗi lo âu và cơn đau, đồng thời giúp họ chóng bình phục.


Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Catherine Meads tự sử dụng âm nhạc để thư giãn sau cuộc phẫu thuật hông gần đây.

Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Catherine Meads tự sử dụng âm nhạc để thư giãn sau cuộc phẫu thuật hông gần đây.

Kết luận nói trên dựa vào tổng hợp 72 kết quả nghiên cứu trên tổng cộng 7.000 người bệnh bởi tập thể các nhà nghiên cứu Anh do Tiến sĩ - bác sĩ Catherine Meads thuộc Đại học Brunel (Anh Quốc) đứng đầu.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành một phân tích tổng tất cả các thử nghiệm ngẫu nhiên để đưa ra sự so sánh giữa việc sử dụng liệu pháp âm nhạc trước, trong và sau khi phẫu thuật với cách thức chăm sóc bình thường hoặc can thiệp không dùng thuốc khác như massage và thư giãn ở giai đoạn phục hồi của người bệnh sau phẫu thuật.

Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng các bệnh nhân nghe nhạc khi được giải phẫu bớt lo âu hơn, ít bị đau hơn sau khi mổ và dùng ít thuốc giảm đau hơn là những bệnh nhân không được nghe nhạc. Các bệnh nhân được nghe nhạc cũng tỏ vẻ hài lòng hơn về kết quả giải phẫu.

Âm nhạc có thể giúp giảm trầm cảm ở trẻ. Nguồn: Ảnh từ www.smusic.vn
Âm nhạc có thể giúp giảm trầm cảm ở trẻ. Nguồn: Ảnh từ www.smusic.vn

Tác động làm giảm lo âu và đau đớn càng được tăng cường nếu bệnh nhân được nghe nhạc trước, trong và sau khi giải phẫu, nhưng nói chung là nghe nhạc trước khi giải phẫu thì có tác động nhiều hơn cả.

Các nhà nghiên cứu đã cho bệnh nhân nghe tổng cộng hơn 4.000 bản nhạc thuộc các thể loại khác nhau và có nhận xét: Tất cả các thể loại nhạc đều có hiệu quả tốt lên bệnh nhân giải phẫu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết những bệnh nhân tiến hành phẫu thuật được gợi ý có thể lựa chọn thể loại âm nhạc họ muốn nghe trong quá trình điều trị. Và khi bệnh nhân được lựa chọn âm nhạc của riêng mình, họ cũng cảm thấy sự đau đớn được giảm nhẹ chút ít.

Điều đặc biệt là âm nhạc có tác dụng tốt kể cả đối với các bệnh nhân được gây mê hoàn toàn khi giải phẫu, nhưng dĩ nhiên là nó có hiệu quả hơn một ít đối với những bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo khi giải phẫu.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, âm nhạc không giúp giảm bớt số ngày nằm viện của các bệnh nhân được giải phẫu, tức là nó không có tác động lên giai đoạn hậu phẫu.

Trả lời hãng tin AFP, Tiến sĩ Catherine Meads, người đứng đầu êkíp các nhà nghiên cứu, cho rằng âm nhạc là một phương tiện vừa rẻ tiền, vừa bảo đảm và nên được cung cấp cho mọi bệnh nhân được giải phẫu.

Bác sĩ Meads cũng đề nghị là trong tương lai, các bệnh nhân phải được quyền chọn thể loại nhạc mà họ thích nghe khi được giải phẫu, nhưng bà lưu ý là phải đưa ra những quy định cụ thể để làm sao cho tiếng nhạc không ảnh hưởng đến trao đổi giữa các bác sĩ và y tá tham gia phẫu thuật. Hẳn người ta phải quy định là tiếng nhạc không được lớn quá một âm lượng nào đó.

Dựa trên kết quả này, nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch tiến hành một chương trình thí điểm giới thiệu âm nhạc tại Bệnh viện Hoàng gia London cho phụ nữ sinh mổ và phẫu thuật tử cung nội soi.

Thanh Minh

Theo RFI, GENK