90% bệnh nhân đột quỵ nhập viện khi đã hết "thời gian vàng" chữa trị

(Dân trí) - Chiều 9/1, Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng vinh dự được trao tặng chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng của Hội đột quỵ thế giới. Đây là đơn vị đầu tiên của khu vực miền Trung – Tây Nguyên đạt được chứng nhận danh giá này.

Theo thống kê của Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng, hằng năm đơn vị tiếp nhận điều trị cho khoảng 4000 bệnh nhân đột quỵ, khoảng 80% trường hợp bệnh nhân là đột quỵ thiếu máu não. Trong nhóm bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, khoảng 5 – 10 bệnh nhân nhập viện còn trong giờ vàng và được điều trị tái thông. 

Điều này dẫn đến thực thế, tỉ lệ tử vong do đột quỵ đang có xu hướng giảm nhưng số người bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do số người hiểu đúng cách về thời gian vàng (3 - 4 giờ đầu khi khởi phát đột quỵ) dẫn đến việc đưa bệnh nhân đi cấp cứu muộn, tính mạng giữ được nhưng để lại những tai biến khiến người bệnh trở nên tàn phế.

Tại lễ vinh danh, PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Thắng – Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội đột quỵ TPHCM được ủy thác đại diện cho Hội đột quỵ thế giới trao tặng chứng nhận cho Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng.

Chương trình chứng nhận chuẩn điều trị của các Đơn vị đột quỵ và Trung tâm đột quỵ được Ủy ban chấp hành Hội đột quỵ Châu Âu thành lập năm 2007, sau này phát triển và duy trì bởi Hội đột quỵ thế giới nhằm mục đích thiết lập các tiêu chuẩn trong điều trị đột quỵ, cải thiện chất lượng và thống nhất trong chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, giảm bớt sự chênh lệch trong điều trị đột quỵ giữa các quốc gia.

90% bệnh nhân đột quỵ nhập viện khi đã hết thời gian vàng chữa trị - 1

Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng nhận chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng của Hội đột quỵ thế giới

TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, để đạt được chứng nhận này, Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng phải đạt 7 tiêu chí. Cụ thể, thời gian nhập viện đến khi được điều trị tái thông (thuốc tiêu huyết khối và can thiệp mạch) dưới 60 phút, tỷ lệ điều trị tái thông 5 -15% trong tổng số bệnh nhân nhập viện, tỷ lệ bệnh nhân được chụp MRI/CT Scanner trên 85%, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu khi xuất viện trên 80%, tỷ lệ bệnh nhân rung nhĩ được điều trị kháng đông khi xuất viện trên 80%, tỷ lệ bệnh nhân được tầm soát rối loạn chứng năng nuốt trên 80%, bệnh nhân đột quỵ cần được điều trị tại đơn vị đột quỵ hoặc phòng hồi sức tích cực trong suốt thời gian nhập viện.

Cũng theo TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, một số tiêu chí của Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng thậm chí đã vượt khỏi tiêu chuẩn vàng và chạm mốc tiêu chí bạch kim của Hội đột quỵ thế giới.

PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Thắng – Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, tiêu chuẩn chất lượng vàng trong điều trị đột quỵ là thước đo để các đơn vị đột quỵ biết vị trí của mình đang ở đâu, là động lực để các đơn vị phấn đấu, nỗ lực nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân đột quỵ. Một bệnh viện ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn vàng của Hội đột quỵ thế giới tức là chất lượng điều trị đột quỵ ở bệnh viện đó được chứng nhận tiệm cận với chuẩn chất lượng điều trị của thế giới.

Khánh Hồng