89 y bác sĩ tiếp xúc ca Covid-19 người Thuỵ Điển xét nghiệm âm tính

(Dân trí) - 89 y bác sĩ gồm: 45 ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương; 18 ở BV Đa khoa Đức Giang, 22 ở BV Việt Pháp, 4 ở BV E là F1 của ca mắc Covid-19 người Thuỵ Điển có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.

Đến trưa ngày 4/4, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông kết quả xét nghiệm cho 45 người là F1 của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2.

Liên quan đến BV Đức Giang nơi tiếp nhận bệnh nhân vào cấp cứu, chiều tối 4/4, BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, tất cả 18 thầy thuốc của BV có tiếp xúc gần với BN237 người Thụy Điển đều cho kết quả 2 lần xét nghiệm âm tính.

22 cán bộ y tế bệnh viện Việt Pháp, 4 cán bộ y tế bệnh viện E cũng cho kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2.

Trước đó, ngày 1/4, bệnh nhân Covid-19 số 237 xuất hiện chảy máu mũi nhiều, mệt mỏi, không sốt, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám; kết quả xét nghiệm thấy bạch cầu tăng cao nên được chuyển sang Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

89 y bác sĩ tiếp xúc ca Covid-19 người Thuỵ Điển xét nghiệm âm tính - 1

Người dân đi hiến máu sáng 4/4 tại điểm hiến máu cố định.

TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, viện tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng không có người thân và không có giấy tờ tùy thân. Qua khai thác tiền sử dịch tễ, các bác sĩ của Viện đánh giá bệnh nhân có nguy cơ cao mắc Covid-19 do có lịch trình di chuyển nhiều nơi, nên bệnh nhân đã được cách ly ngay vào 1 phòng bệnh khép kín tại Khoa Ghép Tế bào gốc, chủ động đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy máu làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
TS Khánh thông tin thêm, trong quá trình điều trị, bệnh nhân đôi lúc không hợp tác (đề nghị không điều trị, tự rút dây truyền dịch và gạc cầm máu mũi), đòi ra Viện. Kíp trực đã giải thích tình trạng bệnh và mời Công an phường Yên Hòa, Công an quận Cầu Giấy vào làm việc để phối hợp giải thích cho bệnh nhân. Theo kiểm tra của công an, thị thực của bệnh nhân đã hết hạn. Do đó, bệnh nhân được yêu cầu tạm thời tiếp tục ở lại Viện để chờ liên lạc từ gia đình. Viện cũng đã liên hệ với Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội để nhờ hỗ trợ, Đại sứ quán đã liên lạc được với con gái bệnh nhân và kết nối để nói chuyện với bệnh nhân.

Kết quả chụp CT-scaner ngực ngay sau khi vào Viện, kết quả bình thường. Kết quả xét nghiệm huyết học cho thấy bạch cầu tăng rất cao (454G/L – cao gấp gần 50 lần so với chỉ số bình thường), bệnh nhân có nguy cơ cao tắc mạch máu não dẫn đến tử vong. Các bác sỹ đã chỉ định gạn bạch cầu, truyền dịch, cầm máu mũi và cho bệnh nhân uống thuốc để làm giảm lượng tế bào ác tính trong máu.

"Tất cả nhân viên thăm khám, hỏi bệnh và điều trị cho bệnh nhân đều sử dụng trang thiết bị bảo hộ (khẩu trang, kính che mặt, quần áo bảo hộ…). Khi có kết qủa xét nghiệm bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, bệnh viện đã lập danh sách và tổ chức cách ly tại Viện 45 cán bộ, nhân viên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân (F1), cách ly hoàn toàn khoa Ghép Tế bào gốc (khoa điều trị cho bệnh nhân 237); Lập danh sách F2 để cách ly tại chỗ và theo dõi sức khỏe.

Viện đã tổ chức phun khử trùng những nơi bệnh nhân đã nằm điều trị và đã đi qua (khoa Khám bệnh, khoa Chẩn đoán hình ảnh, thang máy…) cũng như toàn bộ Viện; Đã đề nghị bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế thực hiện nghiêm túc việc cách ly.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân đến hiến máu

TS Khánh thông tin thêm, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến liên tiếp trong nhiều tuần qua, lượng máu tiếp nhận của Viện sụt giảm nghiêm trọng.

Cả tháng 3, Viện chỉ tiếp nhận được 16.000 đơn vị máu, trong khi con số này ở các năm là 32.000 – 36.000 đơn vị. Trong vài tuần liên tiếp, Viện chỉ tiếp nhận được 50 – 60 đơn vị máu mỗi ngày (tại Viện và một số điểm hiến máu cố định) do hầu như không có lịch hiến máu tại các cơ quan, trường học, khu dân cư.

Tình trạng thiếu máu cho bệnh nhân điều trị đang rất trầm trọng. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khẩn thiết kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe hãy tham gia hiến máu nhóm O, nhóm A để cấp cứu người bệnh cần máu.

"Việc hiến máu đảm bảo an toàn, bởi Viện luôn xác định bệnh nhân – người nhà bệnh nhân và người hiến máu là hai đối tượng độc lập, Viện triển khai phân luồng lối đi riêng biệt ngay từ khi vào Viện", TS Khánh thông tin.

Theo đó, toàn bộ việc khám, điều trị cho bệnh nhân nói trên và các bệnh nhân khác được thực hiện ở tòa nhà riêng biệt, độc lập với tòa nhà Trung tâm Máu quốc gia, nên giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm cho người đến hiến máu tại Viện và nhân viên của Trung tâm Máu quốc gia. Nhân viên tham gia vào công tác khám, điều trị và nhân viên tiếp nhận máu cũng là 2 nhóm tách biệt.

Viện cũng đã triển khai trang bị và sản xuất mặt nạ che giọt bắn cho các đơn vị, đặc biệt là ở các khoa lâm sàng và nhân viên tham gia tiếp nhận máu. Viện sẽ tiếp tục sản xuất và trang bị mặt nạ che giọt bắn cho cả những người đến tham gia hiến máu.

Tú Anh