8 yếu tố tăng nguy cơ ung thư vú ở chị em

Tú Anh

(Dân trí) - Ung thư vú có liên quan đến yếu tố độ tuổi, di truyền, dậy thì sớm, béo phì, lứa tuổi...

Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Xu hướng mắc có chiều hướng gia tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2013 tỷ lệ mắc ung thư vú chuẩn theo tuổi là khoảng 24.4/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 tăng lên tới 26.4. Ước tính trung bình mỗi năm trên toàn quốc có hơn 15.000 chị em mắc ung thư vú, trên 6.000 trường hợp tử vong, thường xuyên có 42.000 chị em mắc đang sống chung với bệnh.

8 yếu tố tăng nguy cơ ung thư vú ở chị em - 1

Trên 95% các trường hợp ung thư vú phát hiện sớm điều trị sẽ khỏi bệnh. Tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú của Bệnh viện K là 75% tương đương với Singapore. 

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú, gồm:

- Độ tuổi: Ung thư vú có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những phụ nữ trên 45 tuổi. Đặc biệt, những phụ nữ không sinh con và sinh con đầu lòng sau độ tuổi 30 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường.

- Bản thân mắc bệnh lý về tuyến vú: như xơ vú, áp xe vú… nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục ở vùng vú và tiến triển thành ung thư.

- Yếu tố di truyền: Trong gia đình nếu có bà, mẹ hay chị gái mắc ung thư vú thì tỷ lệ mắc ung thư vú của cá nhân đó sẽ cao hơn. Phần lớn các trường hợp ung thư vú do di truyền thường từ 2 gen BRCA1 và BRCA2. Những phụ nữ có đột biến gen BRCA1 và/hoặc BRCA2 có thể có đến 80% nguy cơ mắc bệnh.

- Người từng bị ung thư như ung thư buồng trứng, phúc mạc, vòi trứng hoặc đã từng xạ trị vùng ngực cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao.

- Phụ nữ dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người khác. Nguyên nhân là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone estrogen và progesterone.

- Béo phì cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Nguyên nhân là do phụ nữ bị béo phì thường sản sinh ra nhiều estrogen hơn so với phụ nữ khác. Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư vú mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và các bệnh ung thư khác như ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ung thư gan,…

- Lối sống và sinh hoạt thiếu khoa học: Chế độ ăn uống nhiều calo trong khi cơ thể lười vận động sẽ làm lượng mỡ thừa trong cơ thể tăng cao dẫn đến béo phì và làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Ngoài ra, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, căng thẳng kéo dài cũng dễ dẫn đến ung thư vú.

- Phơi nhiễm phóng xạ: Tuy lượng phơi nhiễm từ tia X là rất thấp nhưng nữ giới cũng cần hạn chế tiếp xúc với môi trường phóng xạ để tránh nguy cơ mắc bệnh.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo chị em nên đi tầm soát ung thư vú từ tuổi 40. Với những chị em có yếu tố nguy cơ, việc tầm soát cần được thực hiện sớm hơn, định kỳ.

Theo đó, ngoài việc thực hiện việc tự khám vú mỗi tháng (sau kỳ kinh nguyệt 5 -7 ngày là thời điểm tuyến vú mềm nhất, hãy đứng trước gương để tự kiểm tra vú. Hãy tạo thành thói quen tháng nào cũng kiểm tra), hãy đi tầm soát ung thư vú tại BV mỗi năm một lần.

Tùy từng người, bác sĩ sẽ có chỉ định siêu âm hoặc X-quang tuyến vú để phát hiện sớm nguy cơ ung thư.