70% số ca cúm là do virus H1N1

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, qua giám sát 15 điểm giảm sát cúm trên toàn quốc thì tỷ lệ cúm A/H1N1 đang tăng nhanh. Ở 10/15 điểm thì tỉ lệ bệnh nhân cúm A/H1N1 chiếm 70% trong tổng số ca cúm.

Trong một tuần qua, Việt Nam cũng ghi nhận 1.104 ca cúm, tăng 6,3% so với thời gian trước. Như vậy, tính đến ngày 16/9, cả nước ghi nhận 5.648 trường hợp dương tính, 6 ca tử vong.

Theo ông Hiển, điều này là hoàn toàn bình thường khi số ca nhiễm cúm A/H1N1 trong cộng đồng tiếp tục tăng lên. Ở nhiều nước trên thế giới, trong số các ca cúm cũng chủ yếu là cúm đại dịch. Như ở Mỹ, tỷ lệ cúm đại dịch đã là 100% số ca mắc cúm. Tuy nhiên, phần lớn các ca mắc đều biểu hiện bệnh nhẹ, không biến chứng.

Còn với những trường hợp tử vong liên quan đến cúm A/H1N1, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, thì trong số các ca tử vong này có tới 70% bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính trước đó. Những ca tử vong còn lại chủ yếu lại rơi vào người trẻ, khác với cúm mùa bình thường là thường xảy ra ở người già, trẻ em.

Về 6 ca tử vong do cúm A/H1N1 tại Việt Nam, Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổng kết các trường hợp này, cho thấy, số ngày từ khi khởi phát đến khi tử vong trung bình là 8,5 ngày (5-12 ngày); Số ngày từ khởi phát đến khi nhập viện là 3,8 ngày (3-5 ngày); Số ngày từ khi khởi phát đến khi được điều trị bằng Tamiflu là 5,8 ngày (3-8 ngày). 5/6 bệnh nhân có bội nhiễm phổi và được điều trị thêm bằng kháng sinh; 5/6 người bệnh có yếu tố nguy cơ là mang các bệnh mãn tính (trong đó có một người đang cho con bú)... Điều này cho thấy, hầu hết bệnh nhân tử vong đều được điều trị bằng Tamiflu khá muộn so với khuyến cáo, tốt nhất là trong vòng 24h đầu khi có biểu hiện.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh cần tìm hiểu rõ hơn từ bệnh án, điều tra dịch tễ học... để có tổng kết cụ thể hơn, rút kinh nghiệm về công tác phác đồ điều trị, giảm nguy cơ các ca tử vong tiếp theo do cúm A/H1N1. Ông Huấn cũng đề nghị Cục quản lý khám chữa bệnh cần tổ chức tập huấn lại phác đồ điều trị cho tuyến bệnh viện cơ sở. Vì Bộ Y tế đã chỉ đạo phải điều trị Tamiflu sớm cho các bệnh nhân biểu hiện cúm A/H1N1, cho điều trị ngay mà không phải chờ kết quả xét nghiệm, nhưng ở một số tuyến cơ sở, việc điều trị vẫn chậm trễ do chờ đợi xét nghiệm nên hiệu quả chưa cao.

“Chỉ cần dựa theo kinh nghiệm lâm sàng, triệu chứng, dịch tễ học là hoàn toàn có thể điều trị Tamiflu ngay cho bệnh nhân có biểu hiện cúm A/H1N1. Hơn nữa, nếu không phải cúm A/H1N1 đại dịch mà chỉ là cúm mùa thông thường thì việc điều trị Tamiflu vẫn cho hiệu quả rất tốt”, ông Huấn nhấn mạnh.
 

Quảng Nam: Cúm A/H1N1 diễn biến rất phức tạp

 

Những ngày vừa qua, dịch cúm A/H1N1 đã bùng phát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, làm cho số lượng bệnh nhân nhiễm cúm gia tăng đột biến, chỉ trong hai ngày mà TP Tam Kỳ đã đóng cửa 2 trường học, huyện Phú Ninh đóng cửa 1 trường và một số trường có nhiều học sinh nghi nhiễm còn chờ xét nghiệm.

 

Sáng ngày 16/9, bệnh nhân cúm nhập viện gia tăng làm cho Trung tâm TP Tam Kỳ ngày càng quá tải, không còn chỗ cho bệnh nhân nên đành chuyển số bệnh nhân này lên Trung tâm da liễu tỉnh.

 

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế, cúm A/H1N1 bùng phát vào ngày 14/9 từ 7 học sinh của trường THPT Hà Huy Tập và 2 em của trường THCS Lê Hồng Phong, 5  học sinh của trương THPT Nguyễn Dục (huyện Phú Ninh) và 2 học sinh của trường THCS Nguyễn Huệ (TP Tam Kỳ). Các kết quả xét nghiệm vào ngày 13/9 của Viện Pasteur Nha Trang gởi về cho Sở Y tế Quảng Nam, thông báo đã có thêm 9 em học sinh của trường THPT Hà Huy Tập và trường THCS Lê Hồng Phong (TP Tam Kỳ) bị dương tính với cúm A/H1N1 và 5 trường hợp của trường Nguyễn Dục (huyện Phú Ninh).

 

70% số ca cúm là do virus H1N1 - 1

Quá tải bệnh nhân ở Trung tâm Y tế TP Tam Kỳ

Ông Nguyễn Văn Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Tam Kỳ, cho biết: Số bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 ngày càng tăng khiến khu vực điều trị cách ly tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Tam Kỳ vừa mới thành lập đã quá tải, dù Trung tâm Y tế dự phòng Tam Kỳ đã chuẩn bị cho khu vực cách ly đến 40 giường và 50 chiếc chiếu song vẫn không đủ do số lượng bệnh nhân ngày một đông. Nhiều em học sinh đã tự tìm chỗ nằm ngoài hành lang, thậm chí trải chiếu tập trung dưới gốc cây, bên hông khu vực cách ly để nằm.

 

Để đảm bảo cho công tác điều trị cách ly, Trung tâm Y tế dự phòng TP Tam Kỳ đã phải mượn tạm một số phòng của Bệnh viện da liễu tỉnh Quảng Nam để lập khu cách ly điều trị nhưng số phòng mượn tạm cũng chỉ đáp ứng được khoảng vài chục bệnh nhân. Ông Nguyễn Văn Nga cho biết, hiện Trung tâm đang tiếp nhận điều trị cho hàng trăm bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1, trong đó có 10 ca đã xác định dương tính.

 

Trước diễn biến về cúm trong những ngày vừa qua trên địa bàn Quảng Nam, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành phong tỏa khu vực, đóng cửa trường học bị cúm, phun thuốc giám sát dịch tại các trường và gia đình có các em học sinh nhiễm cúm A/H1N1 đề phòng lây lan trên diện rộng.

 

Công Bính

Hồng Hải