7 vị thuốc cho bệnh đái tháo đường týp 2

(Dân trí) - Đái tháo đường là một rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và insulin trong cơ thể. Quản lý các hậu quả và các biến chứng lâu dài của bệnh tiểu đường cũng là một thách thức như chính bản thân bệnh.

Có hai loại bệnh đái tháo đường chính. Đái tháo đường týp 1 là tuyến tụy không sản sinh ra insulin. Đái tháo đường týp 2 phổ biến hơn, trong đó cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc sản xuất được insulin nhưng lại không sử dụng được.

Có nhiều lựa chọn điều trị cho những người bị đái tháo đường týp 2. Nghiên cứu cho thấy một số loại thảo dược và thực phẩm chắc năng có thể giúp cho tình trạng này.

Những thảo dược hữu ích có thể kết hợp rất tốt với các phương pháp truyền thống hơn để giảm nhẹ nhiều triệu chứng của bệnh đái tháo đường týp 2.

7 loại thảo dược và thực phẩm chức năng

Dưới đây là 7 loại thảo dược và thực phẩm chức năng có lợi cho người bị đái tháo đường týp 2.

Nha đam


Các nghiên cứu gợi ý khả năng chống đái tháo đường của Nha đam có thể làm giảm đường huyết.

Các nghiên cứu gợi ý khả năng chống đái tháo đường của Nha đam có thể làm giảm đường huyết.

Nha đam là một loại cây phổ biến với nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Hầu hết mọi người đều biết là Nha đam được dùng để bôi ngoài da và bảo vệ da khỏi tổn thương do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều.

Tuy nhiên, loại cây này còn có những lợi ích ít nổi tiếng hơn. Các công dụng bao gồm từ hỗ trợ tiêu hóa đến làm giảm các triệu chứng đái tháo đường týp 2.

Một tổng kết đã phân tích nhiều nghiên cứu sử dụng nha đam để điều trị các triệu chứng của bệnh tiểu đường. Kết quả chỉ ra mạnh mẽ khả năng chống đái tháo đường của Nha đam. Những đối tượng dùng Nha đam biểu hiện đường huyết thấp hơn và mức insulin cao hơn.

Các thử nghiệm sâu hơn cho thấy Nha đam giúp tăng lượng insulin được sản xuất bởi tuyến tụy, nghĩa là Nha đam giúp phục hồi cơ thể bị bệnh đái tháo đường týp 2 hoặc bảo vệ cơ thể khỏi những tổn thương tiếp theo. Các nhà nghiên cứu kêu gọi nghiên cứu thêm về Nha đam và các chiết xuất của nó để chắc chắn về những tác dụng này.

Có nhiều cách để sử dụng Nha đam. Lá cây được bán nhiều ở chợ và bổ sung vào đồ uống, và các chiết xuất dưới dạng viên nang được dùng như thực phẩm chức năng.

Quế

Quế là một loại vỏ cây có mùi thơm và thường được dùng làm gia vị. Quế có vị cay ngọt, có thể làm tăng vị ngọt mà không cần thêm đường. Chỉ riêng lý do này đã khiến quế trở nên quen thuộc với người bị bệnh đái tháo đường týp 2, nhưng quế còn có nhiều công dụng khác chứ không chỉ là hương vị.

Một tổng kết thấy rằng những đối tượng bị hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường týp 2 được dùng quế đã cho kết quả tích cực trên nhiều mặt như:

• lượng đường trong máu

• mức insulin

• độ nhạy cảm insulin

• mỡ máu

• nồng độ chất chống oxy hoá

• huyết áp

• cân nặng

• thời gian tiêu hóa thức ăn

Đây đều là những chỉ số quan trọng đối với người mắc bệnh đái tháo đường. Có thể nói rằng quế rất quan trọng đối với tất cả những người mắc bệnh tiểu đường týp 2.

Tuy nhiên, loại và lượng quế có ảnh hưởng đến kết quả. Chỉ có tinh chất quế hoặc quế chất lượng cao nhất ở dạng viên nang mới được sử dụng như một phương pháp điều trị hỗ trợ.

Luôn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng quế như một loại thực phẩm chức năng.

Mướp đắng (Khổ qua)

Hạt mướp đắng có thể giúp giảm đường huyết.
Hạt mướp đắng có thể giúp giảm đường huyết.

Mướp đắng, còn gọi là Khổ qua, tên khoa học là Momordica charantia, là một trái cây vị thuốc. Nó đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trong y học cổ truyền của Trung Quốc và Ấn Độ. Có thể chế biến loại quả có vị đắng này thành nhiều món ăn, và được tính của nó vẫn đang được tìm hiểu.

Một phát hiện được khoa học ủng hộ là mướp đắng có thể giúp ích cho các triệu chứng của bệnh đái tháo đường. Một tổng kết nhận xét rằng nhiều bộ phận của cây đã được sử dụng để điều trị bệnh nhân đái tháo đường.

Hạt mướp đắng đã được dùng cho cả người bị đái tháo đường týp 1 và týp 2 để giảm đường huyết. Thịt quả mướp đắng xay pha với nước cũng làm giảm đường huyết ở 86% bệnh nhân đái tháo đường týp 2. Nước ép mướp đắng cũng giúp cải thiện mức đường huyết trong nhiều trường hợp.

Ăn hoặc uống mướp đắng có thể khá khó khăn. Rất may là những tác dụng tương tự cũng đã được ghi nhận với các chiết xuất từ mướp đắng trong các loại thực phẩm chức năng.

Không có đủ bằng chứng cho thấy có thể dùng mướp đắng thay cho insulin hoặc thuốc điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên, nó có thể giúp bệnh nhân ít phải dựa vào thuốc hơn hoặc có thể giảm liều thuốc.

Cây kế sữa (Milk thistle)

Cây kế sữa là một loại thảo mộc đã được sử dụng từ thời cổ đại để chữa nhiều căn bệnh khác nhau và được coi là một loại thuốc bổ gan. Chiết xuất được nghiên cứu nhiều nhất từ ​​cây Kế sữa là silymarin, là một hợp chất có tính chống oxy hoá và chống viêm. Những đặc tính này khiến cây Kế sữa trở thành vị thuốc tốt cho người bị đái tháo đường.

Một đánh giá ghi nhận rằng nhiều nghiên cứu về silymarin là rất có triển vọng, nhưng nghiên cứu chưa đủ mạnh để bắt đầu khuyến nghị vị thuốc này hoặc chiết xuất từ nó để trị bệnh tiểu đường.

Nhiều người vẫn có thể thấy đây là một phần quan trọng trong phác đồ điều trị, đặc biệt là vì tính chống oxy hoá và chống viêm có thể giúp bảo vệ chống lại những tổn thương khác do bệnh tiểu đường gây ra. Cây Kế sữa thường được dùng làm thực phẩm chức năng.

Cỏ cà ri (Fenugreek)

Cỏ cà ri là một loại hạt khác có khả năng làm giảm đường huyết. Hạt cỏ cà ri có chứa chất xơ và các chất giúp làm chậm tiêu hóa carbohydrate như đường. Hạt cỏ cà ri cũng giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh tiểu đường týp 2.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người bị tiền đái tháo đường ít khi có chẩn đoán đái tháo đường týp 2 khi uống bột hạt cỏ cà ri. Điều này là do hạt làm tăng lượng insulin trong cơ thể, đồng thời làm giảm đường huyết.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hạt cỏ cà ri cũng giúp làm giảm mức cholesterol ở bệnh nhân.

Có thể chế biến hạt cỏ cà ri thành nhiều món ăn, hãm với nước ấm, hoặc xay thành bột. Nó cũng có thể được thêm vào một viên nang để uống như một loại thực phẩm chức năng.

Dây Thìa canh (Gymnema)

Dây Thìa canh là loài cây bản địa của Ấn Độ, tên của nó theo tiếng Ấn Độ có nghĩa là "phá hủy đường". Một tổng kết gần đây nhận thấy rằng cả bệnh nhân đái tháo đường týp 1 và týp 2 đều có biểu hiện cải thiện khi được dùng Dây Thìa canh.

Ở những người bị đái tháo đường týp 1 sử dụng chiết xuất lá cây trong 18 tháng, đường huyết lúc đói giảm xuống đáng kể so với nhóm chỉ nhận được insulin.

Các thử nghiệm khác sử dụng Dây thìa canh thấy rằng những người bị bệnh tiểu đường týp 2 đáp ứng tốt với việc uống cả lá và chiết xuất của nó trong những khoảng thời gian khác nhau. Sử dụng dây Thìa canh làm giảm lượng đường trong máu và tăng mức insulin trong cơ thể của một số bệnh nhân.

Sử dụng lá hoặc chiết xuất lá có thể có lợi cho nhiều người mắc bệnh tiểu đường.

Gừng

Gừng có thể làm giảm tính kháng insulin.
Gừng có thể làm giảm tính kháng insulin.

Gừng là một loại thảo mộc nữa cũng đang được khoa học khám phá. Nó đã được sử dụng từ hàng ngàn năm trong các nền y học cổ truyền.

Gừng thường được sử dụng để giúp điều trị các vấn đề tiêu hóa và viêm. Tuy nhiên, một đánh giá được công bố gần đây cho thấy rằng nó cũng hữu ích trong điều trị các triệu chứng tiểu đường.

Các nhà nghiên cứu thấy bổ sung gừng làm giảm đường huyết, nhưng không làm giảm mức insulin trong máu. Vì thế, họ cho rằng gừng có thể làm giảm tính kháng insulin trong cơ thể đối với bệnh đái tháo đường týp 2.

Cần lưu ý là các nhà nghiên cứu không chắc chắn về cơ chế tác dụng của gừng. Cần nghiên cứu thêm để kết luận chắc chắn hơn về điều này.

Gừng thường được thêm vào thức ăn ở dạng sống hoặc dạng bột, pha vào trà, hoặc làm thành viên nang như một loại thực phẩm chức năng.

Những lưu ý quan trọng

Tốt nhất là nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thảo dược hoặc chế phẩm bổ sung mới nào. Các bác sĩ thường cho bệnh nhân bắt đầu bằng liều thấp hơn và dần dần tăng liều cho đến khi tìm thấy liều thích hợp.

Một số loại thảo dược có thể tương tác với các thuốc khác có cùng công dụng, như thuốc chống đông máu và thuốc điều trị cao huyết áp. Điều rất quan trọng là phải hiểu rõ bất kỳ sự tương tác nào trước khi bắt đầu một chế phẩm bổ sung mới.

Mọi người cũng cần sử dụng thảo dược từ nguồn cung cấp chất lượng cao. Các sản phẩm trôi nổi trên thị trường có thể chứa các loại thảo dược và chất độn khác nhau, đề nghị liều dùng không chính xác, hoặc thậm chí bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.

Các loại thảo dược và chất bổ sung cần được xem như là một phương pháp điều trị hỗ trợ và không thay thế cho thuốc.

Với bác sĩ có kinh nghiệm, thảo dược có thể là sự bổ sung tuyệt vời cho nhiều chương trình chăm sóc bệnh đái tháo đường.

Cẩm Tú

Theo MNT