6 triệu ca mắc tiêu chảy liên quan đến thiếu nước sạch

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thiếu nước sạch hàng năm gây ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam. Trong 4 năm qua, có tới 6 triệu các trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch, tiêu tốn 20 triệu đô la Mỹ chi phí y tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp.

Gần 50% dân số chưa được quan tâm đến chất lượng nước sạch

Tại hội nghị Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt diễn ra ngày 25/3 tại Hà Nội, GS Long cho biết, trong năm 2014, Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra đột xuất chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu không đạt phổ biến là các chỉ tiêu vi sinh, hàm lượng clo dư thấp, hàm lượng amoni, nitrit, nitrat cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Cụ thể, báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát định kỳ chất lượng nước trên cả nước cho thấy, 21,6% số cơ sở cấp nước từ 1 nghìn mét khối 1 ngày đêm trở lên không đạt vệ sinh chung. Tỷ lệ này ở các cơ sở cấp nước dưới 1 nghìn mét khối 1 ngày đêm là 27,4%. Một số chỉ tiêu không đạt thường gặp như: nhiễm vi sinh và chất hữu cơ liên quan đến ngập lụt  ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; Chỉ tiêu Clo dư thấp hơn tiêu chuẩn cho phép. Một số trạm cấp nước quy mô nhỏ sử dụng nước ngầm của một số tỉnh, thành phố có chỉ tiêu asen không đạt tiêu chuẩn cho phép do khả năng xử lý asen trong nguồn nước ngầm chưa đảm bảo.

Như trong năm 2014, khi kiểm tra tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 thì phát hiện mẫu nước nhiễm asen, còn tại bể chứa nước tại khu đô thị Nam Đô có hàm lượng clo dư thấp hơn tiêu chuẩn cho phép.

Theo bà Mai Thị Liên Hương, Phó Cục trưởng, Cục Hạ tầng và kỹ thuật, Bộ Xây dựng, trên thực tế có đến một nửa dân số Việt Nam chưa được quan tâm đến chất lượng nước sạch. Thực tế, Việt Nam đang đạt tỷ lệ 80% dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế, 85% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh nhưng chỉ khoảng 42% đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.

Trong khi đó, nước là một yếu tố vô cùng quan trọng liên quan đến sức khỏe cộng đồng. GS Long cho biết, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy mỗi năm trên toàn cầu có 4 tỷ ca mắc bệnh tiêu chảy và 1,5 triệu ca tử vong do bệnh tiêu chảy vì nước không an toàn, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân kém. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện. Tình trạng thiếu nước sạch hàng năm gây ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam và thống kê trong 4 năm qua, có tới 6 triệu trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch, ước tính chi phí cho y tế là khoảng 20 triệu USD.

Đẩy mạnh truyền thông đến từng người dân

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, hiện nay việc xử lý, quản lý chất lượng nước ở các vùng miền, khu vực trong cả nước còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các bộ ngành cần tăng cường phối hợp trong việc rà soát các văn bản pháp luật và các tiêu chí để quản lý chất lượng nước. Đồng thời cần phối hợp chặt chẽ, có lộ trình và phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn trong thời gian tới, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm tư vấn, tài trợ nhiều dự án cấp nước thiết thực, hiệu quả tại Việt Nam. 

“Tôi đề nghị tăng cường phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, nếu có thể được thì giữa chính các nhà tài trợ với nhau. Có rất nhiều mô hình tốt chúng ta có thể chia sẻ, rút kinh nghiệm được và những dự án sẽ tốt hơn; Sẽ tiếp tục giao trách nhiệm hơn nữa cho ngành y tế, là người giữ sức khỏe cho dân, đề nghị Bộ Y tế trong quá trình theo dõi cần thống kê lại kết hợp với các dự án, xem những đặc thù và có những cơ chế, hướng dẫn cho từng vùng miền, từng loại dự án. Đề nghị truyền thông phải đổi mới và có một định hướng truyền thông".

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, một vấn đề quan trọng không kém là tuyên truyền về nước sạch đến từng người dân, thay đổi nhận thức của nhân dân về vấn đề này. Bởi nước là một sản phẩm rất đặc biệt, tất cả mọi người đều ăn uống, uống nước hàng ngày. Năm 2014, trong trong chương trình an toàn thực phẩm lần đầu tiên nước được đưa vào là một thành tố. Việc tăng cương kiểm tra quy chuẩn, quy trình, kiểm tra tất cả để sản phẩm nước ra cho dân là tốt. Bất kể nước đấy là từ hộ gia đình, nhà máy, hay từ nông trại.

“Năm ngoái, khi Bộ Y tế tổ chức đi kiểm tra (trước đây cũng có làm chứ không phải không làm), nhưng mà không thành trọng tâm, nhân dân rất là ủng hộ. Nhân dân hi vọng không phải là chiến dịch lên rồi thôi mà từ nay việc kiểm tra này là thường xuyên để người dân uống nước thì không lo bị ung thư, không lo bị nhiễm thuốc độc tích tục trong người và tôi cho rằng cần phải tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch này.

Ngày xưa mình nghèo mình làm gì đòi hỏi nước sạch, bây giờ khá hơn, phải đổi mới tuyên truyền này, phải thay đổi nhận thức của từng người dân. Tôi rất đồng tình việc làm sao để người dân phải ý thức được. Trước đây, khi mà khó khăn, còn đói nghèo chúng ta chưa quan tâm đến nước sạch nay có điều kiện rồi thì phải quan tâm đến. Phải tuyên truyền cho dân nước không đảm là rất độc hại thì người dân rất có ý thức. Bộ y tế là cơ quan đầu mối, cần rà lại rồi đưa ra định hướng truyền thông tới đây, làm sao để người dân thấy việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nước sạch chính là giữ cho chính mình, cho sức khỏe của chính mình", Phó Thủ tướng phát biểu.

Hồng Hải