5 phương pháp giảm nhẹ tác dụng phụ của hóa trị ung thư

(Dân trí) - Có rất nhiều bệnh nhân vì không chịu nổi tác dụng phụ của hóa trị ung thư mà phải bỏ dở điều trị, thậm chí có trường hợp tử vong.

PGS. TS. Nguyễn Huy Oánh, nguyên hiệu phó trường Đại học Dược Hà Nội cho biết ung thư là căn bệnh được coi là nguy hiểm nhất hiện nay, song bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa và chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Có nhiều cách để điều trị, trong đó hóa trị đang là liệu pháp chính thức và hữu hiệu nhất hiện nay, bên cạnh phẫu thuật và xạ trị. Đương nhiên phương pháp này mang lại hiệu quả chữa bệnh và cũng mang đến cả tác dụng phụ cho bệnh nhân.

Có rất nhiều bệnh nhân vì không chịu nổi tác dụng phụ của hóa trị ung thư mà phải bỏ dở điều trị, thậm chí có trường hợp tử vong. Do đó, chìa khóa vàng để thành công cho đợt hóa trị của bạn là ngăn chặn tác dụng phụ ngay từ ban đầu bằng các phương pháp dưới đây:

Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để giảm nhẹ tác dụng phụ hóa trị

Thời gian của một phác đồ hóa trị thường kéo dài. Theo các chuyên gia y tế, nếu người bệnh ung thư có sức khỏe tốt thì những tác dụng phụ của hóa trị ung thư thường nhẹ và kết thúc nhanh hơn so với những người suy kiệt. Chế độ dinh dưỡng có thể nói là biện pháp đầu bảng để gia tăng sức khỏe cho bệnh nhân.

Do đó, trước khi bắt đầu hóa trị, để duy trì sức khỏe và năng lượng bạn nên chuẩn bị một chế độ ăn uống đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng. Những thực phẩm bạn nên ưu tiên trong thực đơn hàng ngày là rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Uống nhiều nước, sữa, súp, nước ép trái cây,… để tránh tình trạng mất nước trong quá trình hóa trị, đồng thời các bữa ăn lỏng cũng là lựa chọn hợp lý nếu bạn bị viêm loét miệng, khó ăn đồ cứng, khó hấp thu.

Ăn các món mềm, mát hoặc đông lạnh như sữa chua, kem tươi và nước đá. Chia các bữa ăn thành 5-6 bữa nhỏ một ngày thay vì ba bữa lớn. Một lưu ý có thể rất cần với người bệnh bị tác dụng phụ buồn nôn và nôn là ăn nhiều protein và calo sẽ giúp giảm cảm giác buồn nôn.

Ngoài ra, bệnh nhân cần hạn chế các chất kích thích, thực phẩm có hàm lượng đường trắng cao, nhiều chất béo bão hòa và muối.

Bên cạnh chế độ ăn uống, thì bạn cũng cần điều chỉnh lại lịch làm việc, sinh hoạt nhẹ nhàng hơn, ngủ đủ và đúng giờ để cải thiện thể trạng, chuẩn bị tốt nhất cho một đợt hóa trị thành công.

Hạn chế tác dụng phụ của hóa trị bằng luyện tập và vận động

Nhiều bệnh nhân ung thư không muốn vận động, luyện tập trong và sau quá trình hóa trị vì vừa mệt mỏi vừa lo tập gây mệt mỏi, mất sức hơn. Trên thực tế, tập luyện vừa phải theo hướng dẫn của bác sĩ và các chuyên gia y tế lại là phương pháp hiệu quả giúp giảm mệt mỏi do tăng lượng máu tới các cơ quan, tăng sức đề kháng cho cơ thể, giảm nguy cơ bị yếu cơ bắp do thiếu vận động.

5 phương pháp giảm nhẹ tác dụng phụ của hóa trị ung thư - 1
Hạn chế tác dụng phụ của hóa trị bằng luyện tập và vận động hàng ngày

Tùy từng bệnh ung thư, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà có lịch tập luyện hợp lý. Thường là trong tuần đầu sau hóa trị, bệnh nhân đã có thể tập đi lại, tập những động tác nhẹ nhàng để tăng lượng máu đến cơ, kích thích tiêu hóa và bài tiết chất độc.

Thời gian tập phụ thuộc vào cảm giác chủ quan của bạn, tuy vậy nên tăng dần thời gian qua mỗi lần tập. Khi tập cần mặc quần áo thoải mái, ăn uống vừa đủ để hỗ trợ tốt cho việc tập luyện.

Hỏi bác sĩ về thuốc dự phòng hoặc điều trị tác dụng phụ

Một số tác dụng phụ của hóa trị có thể dự phòng hoặc điều trị triệu chứng hiệu quả bằng thuốc. Thuốc có thể được kê bởi bác sĩ ngay khi có chỉ định về loại thuốc hóa trị liệu hoặc do bệnh nhân đề xuất khi có triệu chứng. Các nhóm thuốc như:

Thuốc chống nôn thường được kê ngay từ đầu trong trường hợp loại thuốc hóa trị bạn dùng dễ gây buồn nôn và nôn.

Thuốc giảm đau/hạ sốt trong trường hợp có đau hoặc sốt.

Thuốc trị tiêu chảy/táo bón: cân nhắc sau khi thay đổi thói quen ăn uống, vận động, sinh hoạt.

Thuốc trị thiếu máu: thường bổ sung sắt, acid folic, B12.

Thuốc kích thích sinh các dòng tế bào máu: kích thích tủy xương sản sinh hồng cầu/bạch cầu/tiểu cầu tùy trường hợp.

Thuốc gây tê: giảm đau trong những trường hợp viêm loét miệng.

Bù nước, điện giải: khi bệnh nhân sốt hay tiêu chảy có nguy cơ mất nước.

Tuy nhiên bạn cần đặc biệt lưu ý hỏi bác sĩ trước khi có ý định sử dụng bất cứ loại thuốc nào trong giai đoạn này.

Ghi nhật ký tác dụng phụ gặp phải để dự phòng lần sau

Hóa trị thường chia thành nhiều đợt. Đợt đầu tiên bạn thường tham khảo ý kiến từ bác sĩ, nhân viên y tế, các bệnh nhân khác hoặc tìm hiểu thông tin qua mạng để dự phòng và đối phó với các tác dụng phụ có thể xảy ra khi hóa trị. Tuy nhiên, những đợt sau đó bạn có thể theo dõi tác dụng phụ mình hay gặp bằng cách ghi lại sổ nhật ký.

Như vậy bạn có thể biết rõ tác dụng phụ nào mình hay gặp, gặp ở thời điểm nào, sau bao lâu tác dụng phụ này thuyên giảm, chế độ ăn uống và sinh hoạt thế nào thì bản thân bạn sẽ thấy thoải mái và nhanh hồi phục hơn,…

Ngoài ra trong sổ nhật ký tác dụng phụ này bạn hãy ghi thêm số điện thoại bác sĩ, số cấp cứu, những điều cần lưu ý khác. Cuốn sổ này bạn cũng nên chia sẻ với người thân của bạn để được giúp đỡ khi cần.

5 phương pháp giảm nhẹ tác dụng phụ của hóa trị ung thư - 2

Chuẩn bị tâm lý để chiến thắng tác dụng phụ của hóa trị ung thư

Tâm lý lo lắng, sợ hãi quá mức có thể làm sức khỏe chuyến biến xấu, ảnh hưởng không tốt đến quá trình hóa trị.

Bạn nên tin tưởng vào bác sĩ, suy nghĩ lạc quan, tích cực. Bên cạnh chế độ ăn uống, sinh hoạt theo sở thích cá nhân, bạn có thể thay đổi hình ảnh để có thêm tự tin, khắc phục yếu tố tự ti trong tâm lý. Ví dụ khi rụng tóc bạn có thể mang tóc giả, đội mũ, choàng khăn, chăm sóc da và trang điểm. Chia sẻ với người thân quen, bạn bè của bạn để vơi đi gánh nặng tâm lý. Tham gia các hội nhóm bệnh nhân ung thư để kết nối, đồng cảm và sẻ chia cùng nhau cũng là một lựa chọn tốt.

Các kỹ thuật giãn cơ, thôi miên, ức chế sinh học để thư giãn có thể giúp ích và cần được thực hiện bởi nhân viên y tế. Ví dụ để giảm mức lo lắng và quên được những khó chịu có thể dùng 0,5 mg Iorazepam 3 lần/ngày.

Một số trường hợp cần cách ly trong hay sau khi điều trị có thể dẫn đến cảm giác cô đơn, trầm cảm, rối loạn tâm thần. Lúc này cần cả người thân, bác sĩ điều trị và bác sĩ tâm lý vào cuộc. Các nhu cầu tình cảm của bệnh nhân cần được đặt lên cao nhất trong trường hợp này.

Đỗ Hiên