42 ca nhiễm HIV ở xã nghi dùng chung kim tiêm đã có người chuyển sang AIDS

(Dân trí) - Ngày 14/8, TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, 42 trường hợp vừa được báo cáo nhiễm HIV tại xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) không phải là các ca mới nhiễm. Trong số 42 ca này, có những người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, tức là đã nhiễm HIV từ 5-7 năm trước.

Ông Cảnh cho biết thêm, theo thống kê của Cục phòng chống HIV/AIDS, Phú Thọ có số người nhiễm HIV/AIDS xếp thứ 21/63 với hơn 4.300 người nhiễm và hơn 1500 ca tử vong.

42 ca nhiễm HIV ở xã nghi dùng chung kim tiêm đã có người chuyển sang AIDS - Ảnh 1.

Tại cuộc họp báo chiều 13/8, ông Hà Thế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết 42 ca mắc HIV là tích lũy trong nhiều năm, không phải là ca mắc mới.

Riêng tại Xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn có số người nhiễm trong thời gian qua là 42 người, xếp thứ 2 trên toàn huyện (xã Minh Đài có 46 ca nhiễm, xã Mỹ Thuận có 36 ca nhiễm)/ Trong mặt bằng chung đây là xã có số nhiễm cao.

Toàn quốc có 60 xã có trên 50 người nhiễm HIV. Phường có số mắc HIV cao nhất cả nước là một phường ở quận 8 TP Hồ Chí Minh với 701 người mắc HIV, trong đó có 125 người chết. Xã cao nhất là xã ở huyện Mường Lay (tỉnh Điện Biên) có 142 người nhiễm HIV.Trong đợt điều tra dịch tễ vừa qua, cơ quan chức năng đã lấy máu xét nghiệm cho 490 người , phát hiện 42 ca dương tính HIV. Tuy nhiên, con số này này tích lũy nhiều năm, chứ không phải là các ca mắc mới.

"Người nhiễm HIV đầu tiên ở đây được phát hiện năm 2012 và mỗi năm 3- 5 người đến 10 người nhiễm HIV mới được phát hiện. Điều này cho thấy có sự gia tăng về dịch tễ khiến địa phương phải có can thiệp sớm để điều trị dự phòng", TS Cảnh cho biết.

Ông Cảnh cho biết, qua thực tế làm việc tại địa phương, người dân có nhóm hoang mang khi nghe những thông tin về các ca nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn, nhưng cũng có những người dân cũng khá điềm tĩnh vì biết chắc sự việc.

Liên quan đến nghi vấn nhiều người bị lây nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm tại một phòng khám tư trên địa bàn, TS Cảnh cho rằng không thể vội vã khẳng định, quy chụp mà cần có bằng chứng để xử lý đúng người đúng tội không để oan sai.

Việc lây nhiễm HIV có thể mỗi người mỗi cảnh, có người cho biết từng giẫm vào kim tiêm của người có HIV. Hay tại cuộc họp báo chiều qua tại Phú Thọ, chuyên gia cũng đưa ra dẫn chứng khi tiếp cận nữ bệnh nhân thì được biết bệnh nhân đã ốm cả năm nay. Hai tháng trước đó bệnh nhân mới đến khám nhà y sĩ, trong khi đó không thể chuyển từ HIV sang AIDS chỉ trong vòng 6 tháng.

TS Cảnh cho biết thêm, trong đợt này Bộ Y tế đã yêu cầu có chỉ đạo nghiên cứu về dịch tễ, nhóm tuổi, giới và các hành vi nguy cơ để tìm các nguyên nhân lây nhiễm HIV trên địa bàn xã.

Đặc biệt con đường lây nhiễm HIV là rất nhiều chứ không chỉ riêng qua đường máu, bơm kim tiêm, tiêm chích. HIV cũng có thể lây qua tiếp xúc trong sinh hoạt hàng ngày nếu có vết thương hở. Người nhiễm HIV khi bị thương nếu người cấp cứu không biết, không có biện pháp đảm bảo an toàn cũng có nguy cơ nhiễm trong quá trình cấp cứu.

"Để trấn an người dân, Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã quyết định tuyên truyền vấn đề để người dân hiểu rõ không quá hoang mang. Bởi nhiễm HIV là không ai mong muốn, nhưng nếu điều trị kịp thời, người bệnh vẫn sống khỏe mạnh. Người bệnh được cấp phát thuốc điều trị 3 tháng một lần, điều trị ngay tại gia đình. Khi điều trị theo chỉ định, tải lượng vi rút xuống thấp sẽ không gây lây nhiễm cho người khác và vẫn có thể sinh con", TS Cảnh nói.

Hồng Hải