3 thủ phạm hàng đầu gây ung thư gan

(Dân trí) - Theo GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia - Bệnh viện K, ung thư gan ở nam giới đứng thứ 3 trong danh sách những bệnh ung thư phổ biến ở nước ta và bệnh đang có xu hướng tăng nhanh.

Nếu năm 2000, số trường hợp ung thư gan là 5.700 ca, thì sau 10 năm, con số này đã tăng gần gấp đôi (9.400 ca). Đến năm 2017, con số này đã là hơn 14.000 ca.

Còn theo số liệu mới nhất của World Cancer Research Fund(2018), Việt Nam đứng thứ 4 về số ca mắc mới ung thư gan trên thế giới với tỉ lệ 23,2/100.000.

Theo các chuyên gia, có 3 yếu tố hàng đầu gây ung thư gan là xơ gan, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C.

Trong đó, 80% bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) có biểu hiện của xơ gan; 70% trường hợp ung thư gan là do vi rút viêm gan B và 7% trường hợp ung thư gan nhiễm viêm gan siêu vi C.

Đáng chú ý, với 51.000 người bị xơ gan; 8 triệu người nhiễm vi rút HBV (viêm gan B), 5 triệu người nhiễm HCV (viêm gan siêu vi C), nguy cơ phát triển thành ung thư biểu mô tế bào gan sẽ tăng lên rất nhanh. Theo ước tính của các chuyên gia, người mắc viêm gan B có nguy cơ ung thư gan cao gấp 100 lần so với người thường; 30% người mắc viêm gan siêu vi C có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hay ung thư gan.

Việt Nam đứng thứ 4 về số ca mắc ung thư gan trên thế giới
Việt Nam đứng thứ 4 về số ca mắc ung thư gan trên thế giới

Một điểm đáng chú ý là theo số liệu của Quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới năm 2018, tỉ lệ nam giới Việt Nam mắc ung thư gan đứng thứ 3 thế giới với 39/100.000 dân trong khi ở nữ giới ít hơn 3 lần. Sở dĩ tỷ lệ ung thư gan ở nam giới luôn cao hơn phụ nữ là vì ngoài nguyên nhân mắc viêm gan vi rút thì đàn ông thường có thói quen uống rượu, hút thuốc lá...

Chính tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã xếp rượu bia là tác nhân gây ung thư mức độ 1 – làm tổn thương các tế bào gan, gây xơ gan, ung thư gan. Khi uống vào cơ thể, rượu sẽ chuyển hoá thành acetaldehyde, làm tổn thương các ADN và ngăn không cho tế bào sửa chữa các ADN bị tổn thương, dẫn đến ung thư.

Điều trị và phòng ngừa

Phác đồ điều trị ung thư gan phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh và phụ thuộc vào tình trạng của gan (tức là mức độ nghiêm trọng của bệnh gan mà bạn mắc trước khi bị ung thư) với các phương pháp điều trị phổ biến sau:

Phẫu thuật: Nhằm loại bỏ phần gan bị ung thư.

Ghép gan: Thay thế gan bị bệnh bằng một gan khỏe mạnh từ người cho

Phá huỷ u gan tại chỗ: Tiêu diệt tế bào ung thư ở gan bằng nhiệt, laser, xạ trị hoặc tiêm thuốc trực tiếp vào khối ung thư.

Nút mạch gan (TACE): Ngăn động mạch cung cấp máu, khiến cho khối ung thư không được nuôi dưỡng. Nút mạch gan có thể kết hợp trong điều trị với hóa trị hoặc xạ trị.

Hóa trị: Là một liệu trình sử dụng hóa chất để diệt tế bào ung thư hoặc ngăn ung thư tiếp tục phát triển.

Liệu pháp trúng đích đường uống: Dùng thuốc uống trúng đích kết hợp với tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể để ngăn ung thư tiến triển.

Mỗi phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp với nhau được sử dụng trong một giai đoạn bệnh cụ thể, đồng thời phải phù hợp với tình trạng thể trạng và chức năng gan của bệnh nhân.

Tuy nhiên, do ung thư gan thường không có triệu chứng đặc hiệu (một vài người có thể có khối u hay đau nhẹ ở bụng trên, cảm thấy nhanh no khi ăn hoặc sụt cân đột ngột...), nên thường chỉ phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Do đó, cách tốt nhất là phòng ngừa, thông qua việc ngăn chặn yếu tố nguy cơ và yếu tố thúc đẩy. Theo đó, nên tiêm chủng phòng viêm gan siêu vi B; phòng tránh lây nhiễm siêu vi B, siêu vi C; tuân thủ điều trị viêm gan siêu vi; hạn chế và sử dụng thức uống có cồn ở mức hợp lý.

Khánh An