15 người chết vì căn bệnh ai cũng biết nhưng không phòng tránh

(Dân trí) - Số người mắc và chết vì bệnh sốt xuất huyết đang tăng nhanh trên cả nước với mức độ nguy hiểm. Phòng bệnh được xem là giải pháp quyết định trong việc ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này nhưng sự thờ ơ của cộng đồng đang tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh bùng phát.

Bệnh đang bùng phát trên diện rộng

Theo thống kê sơ bộ từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đến nay trên cả nước có khoảng 125.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 15 ca tử vong. Hiện đang là cao điểm của mùa dịch, mỗi tuần ghi nhận khoảng 4.000 đến 5.000 ca bệnh mắc mới, dự báo trong thời gian tới bệnh còn diễn biến phức tạp có nguy cơ gia tăng cả số mắc và số ca tử vong.

15 người chết vì căn bệnh ai cũng biết nhưng không phòng tránh - 1

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM

Phân tích về những nguyên nhân bùng phát sốt xuất huyết, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng sự nóng lên toàn cầu đang tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản mạnh. Kinh tế phát triển kéo theo tình trạng di biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền ở mức cao đang tăng nguy cơ bệnh lây lan khó kiểm soát và quản lý nguồn truyền bệnh.

Ở các thành phố lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều công trình xây dựng, công ty, xí nghiệp, nhà trọ… đang phát sinh nhiều dụng cụ chứa nước không được quan tâm, xử lý. Ô nhiễm môi trường và ý thức của người dân trong việc phòng bệnh quá kém đã phát sinh các vật phế thải có khả năng chứa nước mưa, nước sạch tạo môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sản, phát triển truyền bệnh cho con người.

TPHCM đang là điểm “nóng” nhất cả nước về bệnh sốt xuất huyết. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) trong tháng 7, số ca sốt xuất huyết tại thành phố ghi nhận 6.456 ca, tăng 123% so với tháng 6. Số ca tích lũy trong 7 tháng qua là 31.787 ca, tăng 160% so với cùng kỳ năm 2018. Số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay trên toàn thành ghi nhận 7 trường hợp, trong đó có 5 bệnh nhân là người lớn, 2 bệnh nhân tuổi thiếu niên. Hầu hết các bệnh nhân tử vong đều đến bệnh viện trễ.

15 người chết vì căn bệnh ai cũng biết nhưng không phòng tránh - 2

Ngành y tế đã nỗ lực tuyên truyền nhưng cộng đồng đang thờ ơ trong phòng bệnh

Trước đây bệnh sốt xuất huyết thường được cho là bệnh của trẻ em, tuy nhiên những năm gần đây, số ca bệnh là người lớn tăng khá rõ, ca bệnh người lớn hiện chiếm hơn 40% tổng số ca bệnh. Người lớn mắc bệnh thường có tâm lý chủ quan không theo dõi sát diễn biến, không đi khám bệnh, trong khi bệnh có thể trở nặng rất nhanh, dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Cần chủ động phòng bệnh, điều trị sớm

Mặc dù ngành y tế thành phố đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân tích cực phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng những giải pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng nhưng trên thực tế cộng đồng đang thờ ơ, phó mặc việc chống dịch cho ngành y tế. Trước thực trạng xuất hiện lăng quăng tại các hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp trong 7 tháng qua, Sở Y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương quyết định xử phạt gần 70 hộ gia đình, đơn vị. Tuy nhiên, số vụ vi phạm bị xử phạt còn quá ít, mức xử phạt hành chính quá nhẹ nên không đủ sức răn đe.

15 người chết vì căn bệnh ai cũng biết nhưng không phòng tránh - 3

Sợ đơn độc của ngành y tế không thể đẩy lùi được sốt xuất huyết, việc phòng bệnh cần sự chung tay của mọi tổ chức cá nhân 

Sốt xuất huyết bùng phát đang gây áp lực rất lớn lên lĩnh vực điều trị, nguy cơ tử vong cho người bệnh rất cao nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị đúng phác đồ. Trước tình hình trên, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh đề nghị: rà soát lại quy trình khám, điều trị đối với người bệnh sốt xuất huyết, bố trí khu khám sàng lọc với những nhân lực có kinh nghiệm để phân loại bệnh, sàng lọc nhanh, tuân thủ tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế. Cục cũng yêu cầu các bệnh viện cần phân độ bệnh, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, dịch truyền, trang thiết bị chủ động đáp ứng với mọi diễn biến của tình hình dịch.

Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và những người xung quanh bằng các giải pháp đơn giản: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không còn chỗ đẻ trứng; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình bông, bỏ muối hoặc dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn để diệt lăng quăng, bọ gậy hàng tuần.

15 người chết vì căn bệnh ai cũng biết nhưng không phòng tránh - 4

Trẻ em đang là nhóm bị động, chịu hậu quả nặng nề do căn bệnh sốt xuất huyết gây ra

Người dân cần chú ý loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá… Cần ngủ màn thường xuyên, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất.

Nếu có những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của sốt xuất huyết như: chảy máu mũi hoặc lợi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, các chấm hoặc đốm màu đỏ trên da; kinh nguyệt ra nhiều, chảy máu âm đạo, nôn liên tục, đau bụng dữ dội, lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật, da xanh tím, tay và chân lạnh, khó thở… phải đưa người bệnh tới bệnh viện gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.    

Vân Sơn