10 năm liên tục uống thuốc ngừa thai, bệnh nhân bị thuyên tắc phổi

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng khó thở, đau ngực nữ bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bị thuyên tắc phổi. Bệnh nhân có tiền sử 10 năm liên tục uống thuốc ngừa thai.

Đó là trường hợp bệnh nhân M.T.N. (46 tuổi, ngụ tại TP HCM) được bệnh viện Nhân Dân 115 tiếp nhận, điều trị. Ngày 3/6, thông tin từ bệnh viện cho biết, bà T.N. được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng khó thở, đau ngực, mệt nhiều khi gắng sức, kèm đau ngực trái âm ỉ khi xoay trở và khi ho. Bên cạnh đó, người bệnh còn có biểu hiện cường kinh, phù chi, viêm phế quản cấp, ho ra đàm nhớt có máu.

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người bệnh ghi nhận, bệnh nhân và gia đình không có tiền sử bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, liên tục 10 năm qua, bệnh nhân sử dụng thuốc ngừa thai hàng ngày qua đường uống. Khoảng 2 năm gần đây, người bệnh bị cường kinh, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 8 đến 10 ngày, lượng máu ra nhiều hơn trước. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi khám và điều trị.

10 năm liên tục uống thuốc ngừa thai, bệnh nhân bị thuyên tắc phổi - 1

Hình ảnh CT-Scan ngực có cản quang của người bệnh (ảnh: BV 115) 

Kết quả thăm khám lâm sàng, kiểm tra hình ảnh ghi nhận, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi 2 bên, hình ảnh khuyết thuốc cản quang động mạch phổi nhánh chính bên phải và nhiều nhánh nhỏ thùy dưới bên trái, tràn dịch màng ngoài tim, có khối cản quang choán chỗ trong lòng tử cung. Siêu âm mạch máu chi dưới của bệnh nhân phát hiện có huyết khối tĩnh mạch đùi nông, khoeo chân bên trái. 

Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bị thuyên tắc phổi nhóm trung bình cao, huyết khối tĩnh mạch đùi nông và khoeo bên trái, thiếu máu mạn mức độ nặng đã truyền máu, có u xơ tử cung gây cường kinh. Sau khi chụp khẩn CT-Scan ngực, các bác sĩ phát hiện người bệnh bị huyết khối động mạch phổi nhánh chính bên phải và nhiều nhánh nhỏ thùy dưới bên trái. 

Ngay lập tức bệnh nhân được xử trí theo phác đồ điều trị thuyên tắc phổi với thuốc kháng đông enoxaparin và điều trị suy tim phải, đồng thời cho làm các xét nghiệm để tìm yếu tố thúc đẩy bệnh thuyên tắc phổi. Sau 11 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã bình phục tốt, giảm khó thở, hết phù, hết ho máu, nước tiểu trong, huyết động ổn định. 

Theo phân tích chuyên môn của Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, khoa Tim mạch Tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115: “Trường hợp trên không có tiền sử tim mạch, tuy nhiên người bệnh có sử dụng thuốc ngừa thai đường uống trong 10 năm nên thuộc nguy cơ trung bình của thuyên tắc phổi. Chúng tôi đã làm các xét nghiệm để tìm các yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc huyết khối và đã loại trừ bệnh lý ác tính cũng như bệnh lý tự miễn. Chúng tôi nghĩ rằng thuyên tắc huyết khối ở người bệnh này có thể có liên quan thuốc ngừa thai”. 

Thuốc tránh thai có 2 loại chính là viên uống kết hợp (có chứa estrogen và progestin) và viên uống chỉ chứa progestin. Loại thuốc tránh thai kết hợp có thể làm tăng nhẹ nguy cơ tác dụng phụ liên quan đến tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cục máu đông. Chị em phụ nữ có uống thuốc ngừa thai nếu bị khó thở, cần chú ý đến bệnh lý thuyên tắc phổi. Ngoài ra, những bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định bệnh thuyên tắc huyết khối nên được tư vấn chuyển sang biện pháp ngừa thai khác để giảm tái phát bệnh. 

Thuyên tắc phổi là một trong ba nguyên nhân tử vong tim mạch lớn. Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị thuyên tắc phổi của Hiệp Hội Tim mạch Châu Âu, có rất nhiều yếu tố nguy cơ của thuyên tắc phổi. Những người có nguy cơ cao là nhóm bệnh nhân gãy xương (hông hoặc chân), thay khớp háng hay khớp gối, phẫu thuật tổng quát lớn, chấn thương tủy sống, nhập viện vì suy tim hoặc rung nhĩ (trong vòng 3 tháng qua), nhồi máu cơ tim (trong vòng 3 tháng qua). 

Nhóm nguy cơ trung bình là người bệnh phẫu thuật nội soi khớp gối, đường truyền tĩnh mạch trung tâm, truyền máu, hóa trị, hậu sản, suy hô hấp hay suy tim mạn, điều trị hormon thay thế, bệnh ác tính, bệnh tự miễn, dùng thuốc tránh thai đường uống, đột quỵ, từng bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, bệnh ưa huyết khối.

Nhóm nguy cơ thấp là những người nằm tại giường hơn 3 ngày, ngồi bất động thời gian dài như lái xe, lái máy bay đường dài, phẫu thuật nội soi, tuổi cao, béo phì, tiền sản giật, giãn tĩnh mạch chi dưới. 

Vân Sơn