1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Vì sao cờ của đội cổ vũ Triều Tiên gây tranh cãi tại Thế vận hội?

(Dân trí) - Mặc dù Nhật Bản đã lên tiếng phản đối và Ủy ban Olympic Quốc tế tuyên bố không sử dụng, nhưng đội cổ vũ Triều Tiên vẫn được nhìn thấy vẫy lá cờ gây tranh cãi tại Thế vận hội mùa Đông.

Các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên diễu hành dưới lá cờ thống nhất chung tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông ngày 9/2 (Ảnh: Getty)
Các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên diễu hành dưới lá cờ thống nhất chung tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông ngày 9/2 (Ảnh: Getty)

Trong trận thi đấu giữa đội khúc côn cầu liên hợp Triều Tiên - Hàn Quốc với đội tuyển Thụy Điển hôm qua 12/2, các cô gái của đội cổ vũ Triều Tiên tiếp tục sử dụng lá cờ thống nhất với hai màu xanh trắng để “tiếp lửa” cho tinh thần của các vận động viên.

Đây không phải lần đầu tiên đội cổ vũ Triều Tiên sử dụng lá cờ này tại Thế vận hội mùa Đông do Hàn Quốc đăng cai tổ chức năm nay. Lá cờ in hình bản đồ bán đảo Triều Tiên trên nền trắng, trong đó có một số chấm nhỏ màu xanh ở phía đông lãnh thổ Hàn Quốc.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc trước đó đã quyết định không sử dụng lá cờ thống nhất chung với Triều Tiên trong thời gian diễn ra Thế vận hội, trong đó in hình các chấm xanh tượng trưng các đảo tranh chấp có tên gọi Dokdo ở cực đông Hàn Quốc - khu vực Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima. Quyết định này của Hàn Quốc được đưa ra nhằm tuân thủ đề nghị của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) về việc không chính trị hóa các sự kiện thể thao.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 5/2 cũng đã gửi công hàm cho phía Hàn Quốc để phản đối nước này sử dụng lá cờ cho trận giao hữu của đội khúc côn cầu liên Triều với đội Thụy Điển ở Hàn Quốc trước đó một ngày. Ông Suga khẳng định sẽ tiếp tục hối thúc Seoul hành xử phù hợp trong vấn đề này.

Nhật Bản đã lên tiếng phản đối, trong khi cả IOC và Hàn Quốc đều quyết định không sử dụng lá cờ gây tranh cãi, tuy nhiên Triều Tiên vẫn phớt lờ những điều này. Ngày 10/2, báo nhà nước Uriminzokkiri của Triều Tiên tuyên bố không tuân theo yêu cầu về việc sử dụng cờ, khẳng định “cả về mặt lịch sử và pháp lý, Dokdo thuộc lãnh thổ của dân tộc chúng ta”.

Đội cổ vũ Triều Tiên sử dụng lá cờ gây tranh cãi tại Thế vận hội (Ảnh: Reuters)
Đội cổ vũ Triều Tiên sử dụng lá cờ gây tranh cãi tại Thế vận hội (Ảnh: Reuters)

Báo Triều Tiên thậm chí còn chỉ trích Hàn Quốc vì nghe theo “quyết định sai lầm của IOC”, nói rằng “thật xấu hổ (khi Hàn Quốc) không thể bảo vệ lá cờ của mình”. Trong khi đó, một số người Hàn Quốc tỏ ra hài lòng trước sự cứng rắn của Bình Nhưỡng.

“Tôi nghĩ người Hàn Quốc nên biết trân trọng vì Triều Tiên đã giữ lá cờ thể hiện cả đảo Dokdo”, một tài khoản Twitter bình luận.

Triều Tiên và Hàn Quốc sử dụng lá cờ thống nhất lần đầu tiên vào năm 1991 tại Giải vô địch bóng bàn thế giới và gần đây nhất là Thế vận hội mùa Đông năm 2006 tại Italy. Đây là lá cờ mang tư cách đại diện chung cho các vận động viên của Triều Tiên và Hàn Quốc và thường được sử dụng trong các sự kiện thể thao. Tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông hôm 9/2, đoàn vận động viên của Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục diễu hành chung dưới lá cờ thống nhất.

Nhóm đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima nằm trên biển Nhật Bản, còn người Hàn gọi là biển phía Đông. Nằm cách bán đảo Triều Tiên và đảo chính Honshu của Nhật Bản ở khoảng cách bằng nhau, Dokdo/Takeshima gồm hai đảo đá lớn và nhiều dải san hô nhỏ xung quanh tạo thành một khu vực rộng khoảng 0,21 km2.

Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu tranh chấp về chủ quyền nhóm đảo này từ đầu những năm 1950 và Hàn Quốc bắt đầu đưa một đơn vị đến đóng quân ở khu vực này từ năm 1954. Kể từ đó, Hàn Quốc vẫn duy trì một nhóm an ninh tại Dokdo/Takeshima, đồng thời xây dựng doanh trại, trạm giám sát, hải đăng, cảng và các cơ sở phục vụ cho việc neo đậu.

Thành Đạt

Theo Kyodo