Truy xuất nguồn gốc thực phẩm khiến hơn 100 trẻ mầm non ngộ độc

(Dân trí) - Sau bữa ăn chiều với bánh dày, bưởi tại trường, hàng trăm học sinh trường mầm non Hương Lung (xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) có biểu hiện buồn nôn, nôn, sốt nhẹ. Cục An toàn thực phẩm yêu cầu tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ để tìm nguyên nhân ngộ độc.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm khiến hơn 100 trẻ mầm non ngộ độc - 1

Ngày 17/11, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ khẩn trương làm rõ nguyên nhân 133 trẻ mầm non nhập viện sau bữa ăn chiều 16/1 tại trường.

Theo báo cáo của Ban giám hiệu trường mầm non Hương Lung, có 133/392 cháu có biểu hiện nôn, buồn nôn, một số sốt nhẹ nghi ngờ do ngộ độc thực phẩm.

Sau khi có các biểu hiện này, trẻ đã được gia đình đưa đến cơ sở y tế, trong đó 118 cháu được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Khê, số còn lại được chăm sóc tại trạm y tế xã.

Đa phần các cháu có biểu hiện nhẹ nên đến sáng 17/11 phần lớn các bé đã được về nhà, còn 22 bé được theo dõi tại viện.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu đồng chí Giám đốc tỉnh y tế Phú Thọ cấp cứu và điều trị tích cực, đảm bảo an toàn cho các học sinh.

Đồng thời cần tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ việc. Tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại địa điểm kinh doanh, bảo quản sản phẩm. Bộ Y tế cũng yêu cầu lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm, đánh giá các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Được biết, hiện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ và các đơn vị liên quan đã tiến hành lấy 3 mẫu thức ăn gồm bánh dày, thịt băm và canh rau và 4 mẫu nôn để xét nghiệm.

Theo báo cáo của trường mần non Hương Lung, bữa ăn của học sinh do nhà trường tự nấu với tổng số gần 500 suất ăn/ngày, từ nguồn thực phẩm được cung cấp tại các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và người dân trên địa bàn xã theo hợp đã được ký kết và đều được cam kết về nguồn gốc thực phẩm.

Cũng liên quan đến ngộ độc thực phẩm trong trường học, trước đó, tại trường tiểu học Lái Hiếu và trường tiểu học Nguyễn Hiền (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cũng xảy ra vụ ngộ độc liên quan đến quá trình pha chế, chế biến, phục vụ miễn phí sản phẩm sữa làm hàng trăm học sinh ngộ độc.

Qua các sự việc này, Cục ATTP yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm, trước trong và sau mỗi lần phục vụ sản phẩm thực phẩm trong các chương trình quảng cáo, bán, nhân đạo, tặng… các sản phẩm thực phẩm trong khu vực trường học.

Các trường chỉ được cho phép sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hồng Hải