Tổ hợp thể thao Hàng Đẫy: “Không đấu thầu công khai sẽ dẫn đến nghi vấn”

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, cần phải đấu thầu công khai, minh bạch việc xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy trên diện tích đất rộng hơn 3,2 ha. Còn việc bố trí 2 tầng hầm làm trung tâm thương mại dịch vụ ở tổ hợp này, như đề xuất là quá lớn, cần phải xem xét lại.

Cần công khai minh bạch

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tổ hợp thể thao Hàng Đẫy gồm 3 phân khu, trong đó sân vận động Hàng Đẫy được xây dựng mới có 20.000 chỗ ngồi, cao 35 m. Khu nhà thi đấu đa năng với sức chứa 1.500 người. Một khu nhà làm văn phòng cao 23,05m cũng được xây dựng tại đây. Khu vực này còn được thiết kế 4 tầng hầm làm bãi đỗ xe và thương mại dịch vụ.

Hà Nội lên kế hoạch xây dựng sân Hàng Đẫy để phục vụ SEA Games (Ảnh: Toàn Vũ)
Hà Nội lên kế hoạch xây dựng sân Hàng Đẫy để phục vụ SEA Games (Ảnh: Toàn Vũ)

Hà Nội dự kiến tổng mức đầu tư tổ hợp thể thao này hết khoảng 6.309 tỷ đồng, theo theo nguồn vốn xã hội hóa 100% từ Công ty cổ phần Tập đoàn T&T. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác, vận hành sân vận động khoảng 50 năm.

Về vấn đề nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy, sau đó được vận hành, khai thác 50 năm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, việc sử dụng đất công phải công khai minh bạch, tất cả các phương án đều phải có sự giám sát của nhân dân.

“Mảnh đất lớn như vậy, ở vị trí đắc địa như thế mà không đấu thầu công khai thì sẽ dẫn đến những thắc mắc, nghi vấn. Tôi đề nghị TP nên công khai các phương án và tổ chức đầu thầu dự án này”, Tiên sĩ Doanh nêu quan điểm.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư cũng cần thời gian thu hồi vốn. Tuy nhiên, ông Doanh muốn doanh nghiệp và TP Hà Nội trình bày rõ phương án mất bao nhiêu năm thì nhà đầu tư có thể thu hồi vốn.

“Muốn là được như vậy, tốt nhất Hà Nội nên lập một hội đồng giám định độc lập, chịu trách nhiệm trước nhân dân”, ông Doanh cho hay.

Cần phải hỏi ý kiến cộng đồng

Dưới góc độ quy hoạch, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông cho rằng, hiện TP đã rất chật chội, nên cộng đồng rất cần những khoảng trống để thở, lấy lại sự cần bằng. Như vậy, chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn.

“Còn việc chất tải thêm bất cứ cái gì nó sẽ không hay cho công đồng, không hay cho một đô thị, chứ không phải là không hay cho một tập đoàn”, ông Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần xây dựng lại sân Hàng Đẫy nhưng phải xem xét hài hòa với cảnh quanh xung quanh
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần xây dựng lại sân Hàng Đẫy nhưng phải xem xét hài hòa với cảnh quanh xung quanh

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc cải tạo lại sân Hàng Đẫy là cần thiết, bởi có thời điểm công trình này không an toàn. Tuy nhiên, theo ông Nghiêm cần phải xem xét kỹ quy mô công trình, phải hài hòa và có mối liên hệ với khu vực xung quanh, đặc biệt là các di tích lân cận.

Qua xem xét đề xuất của UBND TP Hà Nội, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần phải xem xét lại quy mô của trung tâm thương mại tại tổ hợp sân Hàng Đẫy. Bởi ông Nghiêm cho rằng, Hà Nội đã có quy hoạch siêu thị và trung tâm thương mại, hơn nữa khu vực này đã có rất nhiều siêu thị. Vậy nên có cần một trung tâm thương mại lợi như vậy như đề xuất hay không.

Còn bãi đỗ xe, ông Nghiêm cho biết, ngay từ năm 2004, vị trí của Sở Kế hoạch và Đầu tư hiện nay đã được xác định là bãi đỗ xe không chỉ phục vụ cho sân vận động mà bố trí cho những gia đình sống trong vùng.

Theo nhận định của ông Đào Ngọc Nghiêm, việc xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy như báo cáo của UBND TP Hà Nội là điều chỉnh quy hoạch. Do vậy, cần phải hỏi ý kiến cộng đồng, ý kiến chuyên gia và cần phải tuân thủ Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.

Quang Phong