Mỹ - Trung sẽ chiến tranh lạnh vì Biển Đông?

Những cự nự, đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây xung quanh chính sách quay trở lại Châu Á của Washington và vấn đề Biển Đông đang có nguy cơ đẩy hai siêu cường hàng đầu thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Tàu chiến Mỹ ở Biển Đông
 
Mỹ “tiến công” vào Châu Á

Từ cuối năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu cảm thấy bất an, cảnh giác trước những động thái của Mỹ - siêu cường số 1 thế giới ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
 
Trong những tháng vừa qua, giới lãnh đạo ở Washington đã cấp tập thực hiện một loạt hoạt động ngoại giao và quân sự sôi động ở Châu Á-Thái Bình Dương với ý định quay trở lại tìm kiếm vị trí bá chủ Châu Á. Song song với các hoạt động thắt chặt mối quan hệ với các đồng minh của mình ở Châu Á, Mỹ còn tăng cường tìm kiếm những đối tác mới, liên minh mới trong khu vực.
 
Đáng chú ý nhất trong những động thái của Mỹ ở Châu Á những tháng gần đây là nước này liên tục đẩy mạnh sự hiện diện quân sự trong khu vực. Đây là điều khiến Trung Quốc lo ngại nhất. Nếu nhìn vào những hoạt động quân sự Mỹ ở Châu Á kể từ cuối năm ngoái đến giờ, dường như cường quốc số 1 thế giới đang có ý đồ “tiến công” vào khu vực và tạo lập một vòng vây siết chặt quanh Trung Quốc.  
 
Đầu tiên, Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Australia. Trong chuyến thăm đến Australia hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã thuyết phục được Australia cho phép Mỹ triển khai hàng nghìn lính thủy đánh bộ đến xứ sở chuột túi trong vài năm tới. Từ đầu năm nay, kế hoạch này đã được từng bước thực thi. Mỹ còn đang nhăm nhe ý định triển khai một tàu sân bay hùng mạnh – loại tàu chiến được ví là bá chủ của đại dương – đến Australia và thiết lập một căn cứ quân sự ở đây.
 
Tiếp đó, Washington cũng bắt đầu xúc tiến các kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở Singapore, Thái Lan... như thường xuyên phái những tàu chiến hiện đại của mình đến những nước này. Washington còn đẩy mạnh cung cấp vũ khí cho các nước Châu Á-Thái Bình Dương.
 
Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, người ta chứng kiến mối quan hệ đồng minh Mỹ và Philippines chưa bao giờ lại được thắt chặt như thế này trong mấy thập kỷ trở lại đây. Washington đã có nhiều động thái can thiệp trực tiếp vào cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông hồi tháng 4 và 5 vừa rồi.
 
Giới lãnh đạo Mỹ đã có nhiều phát biểu thể hiện sự ủng hộ đối với Manila trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh đồng thời đưa ra nhiều hứa hẹn về sự giúp đỡ tài chính cũng như quân sự. Mỹ đã tăng cường trang bị vũ khí hiện đại cho Philippines đồng thời liên tục tổ chức những cuộc tập trận chung với Philippines để “thị uy” Trung Quốc. Mỹ còn để lộ ý định muốn đưa quân đến Philippines.  
 
Việc Washington có mối quan hệ mật thiết với một nước có chung đường biên giới với Trung Quốc như Philippine chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh “mất ăn mất ngủ” vì lo lắng. Mỹ vốn đã có hàng nghìn quân đóng tại Hàn Quốc, Nhật Bản và mới đây là Australia. Nếu thêm quân đến Philippine, rõ ràng vòng vây mà Mỹ tạo dựng quanh Trung Quốc đang được thắt chặt hơn.
 
Trong một động thái khiến Trung Quốc không thể không “giật mình”, Washington mới đây đã bắt đầu cải thiện quan hệ với Myamar – nước láng giềng có vị trí chiến lược với Trung Quốc và là một đối tác kinh tế quan trọng của cường quốc Châu Á.
 
Trung Quốc mở mặt trận ở Biển Đông
 
Trước những động thái dồn dập của Mỹ ở Châu Á, Trung Quốc được cho là đã “mở mặt trận” ở Biển Đông. Đây được xem là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm đối phó với Mỹ, đặc biệt là đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực.
 
Khởi điểm từ hồi tháng 4, Trung Quốc đã có cuộc đối đầu căng thẳng với Philippines ở khu vực tranh chấp bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông. Trong cuộc đối đầu kéo dài 2 tháng này, Trung Quốc đã liên tục có những động thái dọa dẫm, đe dọa Manila bằng nhiều hình thức.
 
Sau đó, từ tháng 6 đến nay, Bắc Kinh lại liên tiếp có những hành động ngang ngược ở những khu vực khác của Biển Đông, khiến các nước láng giềng thực sự lo ngại và tức giận. Hôm 23/6, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam cũng như của dư luận và giới học giả quốc tế, Trung Quốc vẫn trắng trợn tiến hành hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam nói trên.
 
Tiếp sau hành động này, Trung Quốc còn ngang ngược phái một đội tàu đông đảo gồm 30 tàu cá dưới sự dẫn dắt của một tàu tuần tra có trọng tải 3.000 tấn đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chưa hết, thông qua Bộ Quốc phòng, Trung Quốc cũng đã đưa ra lời cảnh báo, đội tuần tra hàng hải và trên không của nước này luôn ở tư thế “trực chiến”, “sẵn sàng bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải” ở Biển Đông.
 
Một trong những động thái gây sóng gió lớn nhất ở Biển Đông trong thời gian qua của Trung Quốc là việc nước này thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” kèm theo một loạt những hoạt động dựng chính quyền, triển khai quân đội ở nơi này.
 
Hồi giữa tháng trước, Trung Quốc đã thông báo thành lập cái gọi là thành phố “Tam Sa” với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sau khi dựng lên chính quyền ở đây, Trung Quốc tiếp tục thông báo kế hoạch đưa quân đến đồn trú ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” này.
 
Khi Mỹ lên tiếng về những hành động bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế trên của Trung Quốc thì giới lãnh đạo và báo chí nước này đã “mở” một cuộc công kích rầm rộ nhằm vào Mỹ. Trung Quốc đã không ngại ngần đổ lỗi cho Mỹ về những căng thẳng gần đây trong khu vực. Và một cuộc khẩu chiến giữa báo chí Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông đã nổ ra.
Trong cuộc khẩu chiến này, hai bên đã dùng như ngôn từ cực kỳ gay gắt để nhằm vào nhau. Trung Quốc thì bảo Mỹ “câm miệng” trong khi Mỹ thì bảo “đã đến lúc phải làm Trung Quốc sợ”. Chưa hết, Mỹ còn đưa ra những lập luận nhằm vạch mặt Bắc Kinh trong việc đòi chủ quyền một cách phi lý trên phần lớn Biển Đông.
 
Những diễn biến trong thời gian qua trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại về viễn cảnh một cuộc chiến nổ ra giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cả Bắc Kinh và Washington đều không muốn để xảy ra một cuộc chiến tranh thực sự bởi điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nước họ. Hai nước này vốn có lợi ích kinh tế gắn bó với nhau chặt chẽ.
 
Liệu không để xảy ra xung đột thì Mỹ và Trung Quốc có rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay không? Điều này không phải là không có khả năng xảy ra. Chiến tranh Lạnh là nơi các lực lượng đối đầu với nhau không bao giờ chính thức xung đột mà họ sẽ thể hiện sự đối đầu thông qua các liên minh quân sự, những cuộc triển khai lực lượng quy ước chiến lược, một cuộc chạy đua vũ trang, một cuộc chiến tuyên truyền và cạnh tranh kỹ thuật như cuộc chạy đua không gian.

Theo Kiệt Linh
VnMedia