Hà Nội: 3 kẻ trói cậu bé đánh giày vào gốc cây sẽ phải lĩnh hậu quả gì?

(Dân trí) - Nghi ngờ cháu N. trộm tiền của mình, Huệ cùng 2 người khác đánh, ép cháu N. lên xe taxi chở đi. Sau khi lục túi lấy của cháu 70 nghìn đồng, ba đối tượng đã trói chân tay cháu vào gốc cây trên vỉa hè. Theo Luật sư Quách Thành Lực, hành vi trên của 3 đối tượng có thể bị phạt tiền đến 30 triệu đồng và cải tạo không giam giữ 03 năm.

Ngày 17/9, Công an phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc tại đường Lê Duẩn, khu vực gần Công viên Thống Nhất, có một thiếu niên bị trói chân, tay vào gốc cây. Khẩn trương xác minh, cơ quan công an làm rõ, người bị trói là cháu Đỗ Văn N. (16 tuổi, ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ).

Cháu N. rời khỏi nhà ra Hà Nội lang thang, làm nghề đánh giày và có quen biết với nhóm của Bùi Thị Huệ. Các đối tượng Huệ, Hường và Lưu đều không có công ăn việc làm ổn định.

Nghi ngờ cháu N. trộm số tiền 1,7 triệu đồng của Huệ, khoảng 9h20 ngày 17/9, khi phát hiện cháu N. đang chơi điện tử ở quán internet tại đường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Huệ cùng Hường và Lưu đã đánh và ép cháu N. lên xe taxi đưa về Công viên Thống Nhất.

Trên xe taxi, Hường lục túi quần của N., lấy đi 70.000 đồng. Khi về đến vỉa hè Công viên Thống Nhất, tất cả xuống xe. Sau đó, Huệ và Hường lấy dây trói cháu N. lại.

Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) hiện đang tạm giữ hình sự 3 đối tượng để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản. Các đối tượng bị tạm giữ gồm: Bùi Thị Huệ (35 tuổi), Bùi Thị Hường (25 tuổi, cùng trú tại phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) và Hoàng Văn Lưu (20 tuổi, ở xã Minh Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Nhận định sự việc dưới góc độ pháp lý về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản đối với người chưa đến tuổi thành niên, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định: Ba người trên đã có nhiều hành vi bao gồm bắt, giữ, buộc di chuyển đến một địa điểm nhất định, sau đi trói cháu bé tại nơi công cộng có trước sự chứng kiến của rất đông nhiều qua lại đã xâm phạm đồng thời nhiều quyền, quan hệ được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Như quyền được bảo vệ về nhân phẩm, danh dự, quyền tự do đi lại, tự do thân thể của công dân

Hà Nội: 3 kẻ trói cậu bé đánh giày vào gốc cây sẽ phải lĩnh hậu quả gì? - Ảnh 1.

Công dân trong mọi hành xử trong xã hội cần phải cân nhắc kỹ phải có hiểu biết và tuân theo các quy tắc, chuẩn mực, quy định pháp luật có như vậy mới không gây ra những hậu quả xấu cho xã hội, tổn hại cho chính mình.

Những hành động trên xâm phạm các quyền, các quan hệ của ba người này có thể cấu thành tội Điều 155. Tội làm nhục người khác của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm

Hoặc Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luậtcủa Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 “ 1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

Theo đó, công dân Việt Nam có quyền tự do đi lại, quyền đó được ghi nhận bởi Hiến pháp năm 2013. Mọi hành động cản trở quyền tự do đi lại đó không có căn cứ, không đúng thẩm quyền, không theo trình tự pháp luật đã hạn chế, tước đi quyền Hiến định của công dân, đó là hành động gây thiệt hại cho công dân, gây nguy hiểm cho xã hội phải bị xử lý để đảm trật tự, an ninh, toàn toàn trong đời sống nhân dân. Những người này dù có nghi ngờ cháu bé ăn trộm thì pháp luật không cho phép họ được tùy tiện bắt giữ, buộc cháu bé phải di chuyển theo mình. Hành động đó là trái pháp luật cần phải bị xử lý.

Đối với hành vi lột áo, trói cháu bé vào gốc cây nơi đông người đi lại nếu qua quá trình điều tra cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ xác định cụ thể động cơ, mục đích của nhóm người này nếu họ có mục đích hành động xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cháu bé; xác định cháu bé thấy bị tổn thương, nhục nhã thì đủ yếu tố xác định phạm tội làm nhục người khác.

Công dân trong mọi hành xử trong xã hội cần phải cân nhắc kỹ phải có hiểu biết và tuân theo các quy tắc, chuẩn mực, quy định pháp luật có như vậy mới không gây ra những hậu quả xấu cho xã hội, tổn hại cho chính mình.

Ngọc Hân (thực hiện)