Bắc Giang:

Doanh nghiệp trúng thầu sau khi đề xuất dự án BT nghìn tỷ được ưu ái cả nguồn vốn?

(Dân trí) - Là doanh nghiệp tự đề xuất dự án BT với tổng mức đầu tư hơn 1.163 tỷ đồng, Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh được giao thực hiện dự án theo hình thức chỉ định thầu ngay sau đó và nhận đối ứng quyền sử dụng 14,25 ha đất ở ngay tại TP Bắc Giang. Điều khá đặc biệt là doanh nghiệp này còn được bảo lãnh để vay cả tiền từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, tại Quyết định số 132/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang ngày 3/3/2016, về việc phê duyệt đề xuất dự án “Xây dựng cầu Đồng Sơn và đường lên cầu theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao)” do nhà đầu tư đề xuất dự án là Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh, nguồn vốn đầu tư được ghi rõ: Nhà đầu tư tự dùng vốn tự chủ và vốn vay thương mại huy động để đầu tư toàn bộ dự án. Nhà nước không góp vốn, không hỗ trợ vốn để thực hiện dự án này.

Tại Báo cáo số 637/BC-SKHĐT ngày 4/11/2016 do ông Trịnh Hữu Thắng - Giám đốc sở KH&ĐT ký báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT nghìn tỷ này tiếp tục tái khẳng định: “Nhà nước không góp vốn, không hỗ trợ vốn để thực hiện dự án, nhà đầu tư thực hiện vốn chủ sở hữu, vốn vay thương mại để thực hiện toàn bộ dự án”.

Doanh nghiệp trúng thầu sau khi đề xuất dự án BT nghìn tỷ được ưu ái cả nguồn vốn? - 1
Doanh nghiệp trúng thầu sau khi đề xuất dự án BT nghìn tỷ được ưu ái cả nguồn vốn? - 2

UBND ra văn bản khẳng định: Nhà nước không góp vốn, không hỗ trợ vốn để thực hiện dự án, nhà đầu tư thực hiện vốn chủ sở hữu, vốn vay thương mại để thực hiện toàn bộ dự án.

UBND ra văn bản khẳng định: Nhà nước không góp vốn, không hỗ trợ vốn để thực hiện dự án, nhà đầu tư thực hiện vốn chủ sở hữu, vốn vay thương mại để thực hiện toàn bộ dự án.

Ngày 8/11/2016, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 1789/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT nghìn tỷ. Doanh nghiệp trúng thầu chính là Công ty TNHH Tân Thịnh. Đây cũng là doanh nghiệp đề xuất dự án BT này.

Tổng mức đầu tư dự án được chốt là hơn 1.163 tỷ đồng. Doanh nghiệp này sẽ được khai thác 14,25 ha đất ở để phân lô, bán nền ngay tại khu đô thị phía nam TP Bắc Giang để thanh toán kinh phí thực hiện dự án.

Dự án được khởi công vào tháng 11/2016 gồm: tổng chiều dài tuyến xây dựng xấp xỉ 10,62 km. Trong đó, cầu Đồng Sơn chỉ dài có 357m, cầu Văn Sơn dài 21,1m. Trong khi phần đường dẫn hai đầu cầu dài đến 10,263km.

Trao đổi với PV Dân trí về lý do Công ty TNHH Tân Thịnh vừa là doanh nghiệp đề xuất dự án nghìn tỷ vừa là doanh nghiệp trúng thầu ngay sau đó, ông Trần Xuân Đông, giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Bắc Giang cho rằng: Sở dĩ doanh nghiệp này được giao thực hiện theo thủ tục chỉ định thầu bởi Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Bắc Giang tiến hành đấu thầu nhưng chỉ có 2 đơn vị mua hồ sơ và sau đó chỉ còn 1 doanh nghiệp duy nhất là Công ty TNHH Tân Thịnh tham gia đấu thầu thực hiện dự án này.

Tuy nhiên, điều khá lạ là tại Thông báo kết luận phiên giao ban giữa chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ngày 4/5/2018 đã thống nhất nội dung: Đồng ý bảo lãnh cho Công ty TNHH xây dựng Tân Thịnh vay quỹ đầu tư phát triển để thực hiện dự án xây dựng cầu Đồng Sơn và đường lên cầu theo hình thức hợp đồng BT theo đề nghị của Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Xuân Đông, giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Bắc Giang cho biết: Để thực hiện dự án này, thông qua quỹ đầu tư phát triển, phía tỉnh Bắc Giang hứa cho Công ty TNHH xây dựng Tân Thịnh vay 50 tỷ nhưng hiện mới cho vay 25 tỷ đồng.


Hiện trường thi công dự BT nghìn tỷ của Công ty TNHH Tân Thịnh.

Hiện trường thi công dự BT nghìn tỷ của Công ty TNHH Tân Thịnh.


Bản đồ quy hoạch khu đất 46ha mà trong đó có 14,25 ha đất ở phân lô bán nền tại khu đô thị phía nam TP Bắc Giang mà Công ty TNHH Tân Thịnh sẽ được đối ứng khi thực hiện dự án BT nghìn tỷ.

Bản đồ quy hoạch khu đất 46ha mà trong đó có 14,25 ha đất ở phân lô bán nền tại khu đô thị phía nam TP Bắc Giang mà Công ty TNHH Tân Thịnh sẽ được đối ứng khi thực hiện dự án BT nghìn tỷ.

Trong khi đó, theo thông tin công bố thành lập Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang được thành lập theo Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 04/3/2014 của UBND tỉnh Bắc Giang. Đây là một tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Bắc Giang, thực hiện chức năng đầu tư tài chính, đầu tư phát triển. Quỹ đầu tư phát triển tỉnh hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách, thực hiện nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi nguồn vốn chủ sở hữu của mình.

Vậy điều khiến dư luận thắc mắc là nguồn tiền từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang là nguồn tiền của nhà nước hay của tư nhân? Nếu đây là nguồn tiền nhà nước thì việc bảo lãnh cho doanh nghiệp vay thực hiện dự án BT nghìn tỷ này lại không đúng theo các quyết định trước đây đã được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Nhìn nhận và phân tích pháp lý về hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao), luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Nếu không được kiểm soát đặc biệt nghiêm túc, chặt chẽ thì nhiều khả năng thất thoát của Nhà nước trong dự án BT là thất thoát kép. Điều dễ nhận thấy là hàng hóa “cơ sở hạ tầng” mà dự án BT đưa ra chào do không có cạnh tranh cho nên không phản ánh theo giá thị trường. Thứ hai, thất thoát từ đất đai.

Sở dĩ dẫn đến việc thất thoát là do tình trạng để cho nhà đầu tư tự đề xuất dự án, nhà nước thẩm định và đấu thầu theo những quy định lỏng lẻo của luật pháp cùng với sự thiếu minh bạch, phản biện của xã hội rất dễ dẫn đến lợi ích nhóm và trục lợi.

Để tránh việc thất thoát tài sản của nhà nước khi thực hiện các dự án BT thì quỹ đất đối ứng và giá trị tiền sử dụng đất chỉ được xác định sau khi dự án BT hoàn thành và bàn giao.

Một mánh khóe mà các doanh nghiệp nhận được quỹ đất đối ứng để phân lô, bán nền thường dùng để trốn thuế, trục lợi là việc luôn đưa ra 2 giá bán. Một giá bán đất trên hợp đồng cho khách hàng nhưng một mặt lại đưa ra một giá chênh hơn rất nhiều để thu trên thực tế của người mua.

Hành vi này là vi phạm pháp luật hình sự. Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể “bắt sống” thủ đoạn này khi nhập vai là khách hàng đi thỏa thuận mua đất với những doanh nghiệp này.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế