TPHCM:

Đổ xô tìm đất “xí chỗ” lo hậu sự cho người thân

(Dân trí) - Giữa phố phường đất chật người đông, việc tìm một chỗ lo hậu sự cho bản thân hay người nhà đang là “trào lưu” tại TPHCM.

Nghĩa tử là nghĩa tận

Thời buổi này, giữa TPHCM, để tìm một chỗ lo hậu sự cho người thân không hề dễ. Nhiều người từ khi còn sống đã lo cho ngày phải về “bên kia thế giới” nên sốt sắng đi tìm đất “xí chỗ” trước. Việc đi tìm đất, xây mồ trước khi chết… đang là một “trào lưu” của người Sài Gòn.

Ông Phạm Công Tuấn (60 tuổi, ngụ P.22, Q.Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, ông bị chứng bệnh tai biến, sống chết lúc nào chẳng hay. Quyết không để con cháu phải khổ vì chuyện hậu sự của mình, ông đã lặn lội khắp thành phố rồi xuống tận Bình Dương, Đồng Nai… để khảo sát giá, tìm đất xây mộ cho riêng mình.

“Sống chết mấy hồi. Mình ngã cái đùng xuống, chúng xoay xở sao kịp. Thôi thì lo trước cho con cháu cũng là cách để có nhỡ ra đi cũng thanh thản hơn”, ông Tuấn cho biết. Nghĩ là làm, dù mảnh đất xây mồ tại Bình Dương có diện tích 2,5x4m mà có giá đến 50 triệu đồng, ông Tuấn cũng sẵn sàng mua.
Đổ xô tìm đất “xí chỗ” lo hậu sự cho người thân - 1
Việc lo hậu sự cho người thân là nghĩa cử đẹp của người Việt Nam

Để tỏ lòng hiếu thảo với bà nội, 4 đứa con nhà ông Dương Minh Học (phường Đa Kao, Q.1) đã bỏ đến 80 triệu để “xí” một mảnh đất nhỏ xây mồ cho bà trong nghĩa trang có vị trí đắc địa của TPHCM. “Bà nội cưng chiều, chăm sóc cho anh em chúng tôi nhiều. Dù có khó khăn mấy chúng tôi cũng cố gắng tìm chỗ an nghỉ tốt cho bà. Nghĩa tử là nghĩa tận, việc mua đất xây mồ xuất phát từ lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên thôi mà”, chị Nguyệt, cô gái út của ông Học, chia sẻ.

Cũng không ít gia đình đã bỏ hàng trăm triệu mua liên tiếp 4 phần mộ sát nhau trong nghĩa trang Đa Phước. Theo họ, việc chôn cất gần nhau nghĩa là dù có xuống suối vàng họ cũng được bên cạnh và sum họp như một gia đình trên trần thế. Việc “xí” một diện tích lớn, xây loạt mộ đẹp còn thể hiện “đẳng cấp” và sự tự hào “danh gia vọng tộc” của không ít gia đình lắm tiền.

Quá tải chỗ “an nghỉ”

Khảo sát của Dân trí, hiện nay loại hình đất nghĩa trang ở TPHCM không còn nhiều. Nghĩa trang Bình Hưng Hoà đã hết và đang giải toả, nghĩa trang Đa Phước đang giải toả mặt bằng để thực hiện giai đoạn 2. Giải tỏa chưa xong, hạ tầng chưa được xây dựng nhưng chủ đầu tư đã đưa vào khai thác do nhu cầu bức thiết của người dân. Các nghĩa trang ở quận 9, Thủ Đức… cũng đã không còn chỗ trống.

Các khu nghĩa trang tại TPHCM cũng xuống cấp trầm trọng, hạ tầng không được đầu tư đồng bộ do thành phố chưa có một quy hoạch bài bản cho loại hình bất động sản này.

Trong khi đó, chủ trương của UBND TPHCM là không cho người dân chôn cất ở gia đình mà phải đưa vào những nơi quy hoạch dành cho nghĩa trang. Điều này khiến những người có nhu cầu đổ xô về các khu vực vùng ven và các tỉnh lân cận mua đất cho người chết.

Vô hình chung làm cho tình trạng khan hiếm đất nghĩa trang không chỉ ở TPHCM mà còn diễn ra ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Lợi dụng việc này, nhiều “cò nghĩa trang” xuất hiện và đánh vào tâm lý của người mua để “móc túi”.

Cô Dương (nhà đường Lý Chánh Thắng, Q.1) than thở: “Mua miếng đất xây mồ, nếu không gặp chính chủ mà thông qua “cò” thì họ hét giá chênh lệch kinh khủng. Vừa rồi, vì bà ngoại mất đột ngột, xoay không kịp, thông qua cò, tôi mất hơn cả chục triệu đồng”.
 
Đổ xô tìm đất “xí chỗ” lo hậu sự cho người thân - 2
Tuy nhiên, để kiếm được một vị trí khang trang không phải dễ và tốn khá nhiều tiền

Thời gian gần đây tình trạng thiếu đất hương hoả đã biến nhiều đất ở khu vực vùng ven, kể cả đất nhà chùa, giáo xứ, đất nông nghiệp... thành nghĩa trang tự phát, đe dọa đến môi trường sống người dân xung quanh mất vẻ mỹ quan và đầy bất ổn.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm ở khu vực tam giác TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai có khoảng hơn 60.000 người chết. Với diện tích đất cần để làm nơi yên nghỉ khoảng 90 ha. Dự kiến đến năm 2020, nhu cầu cho quỹ đất nghĩa trang ở các khu vực này cũng lên đến hơn 900 ha.

Để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, các tỉnh, thành phố đã và đang phải xây dựng nghĩa trang tập trung nhằm khắc phục phần nào nhu cầu thiết yếu nhất. Vừa qua, UBND TPHCM cũng đã phê duyệt dự án xây dựng nghĩa trang ở xã Đông Thạnh, nghĩa trang nhân dân Đa Phước ở huyện Bình Chánh với quy mô 67 ha, nghĩa trang chính sách mới ở huyện Củ Chi với quy mô khoảng 105 ha.... Tại Bình Dương, nghĩa trang công viên Bình Dương ở huyện Bến Cát cũng được triển khai với diện tích khoảng 200 ha.

Trước thực trạng này, tỉnh Đồng Nai đã cho phép xây nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu. Nghĩa trang này mang dáng dấp của một công viên thực thụ, được thiết kế với quy mô 116,24 ha với khoảng 60.000 chỗ an táng và 300.000 chỗ lưu tro cốt. Nghĩa trang có khu hỏa táng và lưu cốt, khu nhà nguyện, có cả khu mộ đơn, mộ đôi, mộ gia đình và mộ danh nhân, doanh nhân.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, cùng với việc quy hoạch những khu đô thị mới khang trang, tỉnh cũng đã dành quỹ đất cho việc quy hoạch các nghĩa trang tập trung theo mô hình dạng công viên để nơi đây không đơn thuần chỉ để an nghỉ của người đã mất mà còn là nơi có khung cảnh văn minh, hiện đại và sạch đẹp.

“Việc xây dựng công viên nghĩa trang An Viên Vĩnh này sẽ giải quyết được vấn đề bức xúc hiện nay là sự quá tải tại các nghĩa trang trong đô thị. Tiếp đó là giải quyết được vấn đề về môi trường”, một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết.
 

Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, việc lo hậu sự luôn là một việc hệ trọng của cuộc đời mỗi con người cũng như gia đình và xã hội.  Chúng ta đang đứng trước không ít những bức xúc đến môi trường, bảo vệ tài nguyên đất, vấn đề văn hóa, tâm linh liên quan đến việc xây dựng nghĩa trang. Chính nghĩa trang lại là nơi có tác dụng rất tốt trong việc giáo dục con người về đạo lý đối với tổ tiên, về trách nhiệm đối với xã hội, giữ gìn được chất văn hoá của người Việt và đồng thời cũng dần dần đưa ta đi vào nề nếp của đời sống hiện đại.

Công Quang