1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Để Triều Tiên “gật đầu” dự Thế vận hội, các nước đã tốn sức thế nào?

(Dân trí) - Để có thể thuyết phục Triều Tiên đồng ý dự Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc năm nay, chính phủ các nước và Ủy ban Olympic Quốc tế đã tốn không ít thời gian trước khi xây dựng thành công chiến lược ngoại giao phù hợp.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach (Ảnh: AFP)
Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach (Ảnh: AFP)

Vào cuối tháng 12/2017, một nhóm thiếu niên từ Triều Tiên đã tới thành phố Côn Minh, Trung Quốc để tham dự giải bóng đá U-15. Trên sân bóng, các cầu thủ Triều Tiên thi đấu với đội Trung Quốc và Hàn Quốc. Trên khán đài, một khán giả đặc biệt đã theo dõi các trận thi đấu của họ, đó là ông Choi Moon-soon - tỉnh trưởng tỉnh Gangwon - nơi đăng cai Thế vận hội mùa Đông 2018 tại Hàn Quốc.

Trước đó, ông Choi đã đáp chuyến bay dài hơn 1.600 km để tới gặp các quan chức Triều Tiên đi cùng các cầu thủ trẻ thi đấu tại Trung Quốc. Mục đích của chuyến đi nhằm thuyết phục Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa Đông.

“Chúng tôi tìm kiếm bất kỳ mối liên lạc nào có thể với Triều Tiên và đội bóng đá trẻ là kênh liên lạc liên Triều duy nhất còn sót lại vào thời điểm đó”, ông Choi nói với New York Times.

Ngay trước khi ông Choi về nước, chính phủ Hàn Quốc đã phát đi một tín hiệu khác liên quan tới Triều Tiên. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông ủng hộ việc tạm hoãn các cuộc tập trận quân sự chung thường niên với Mỹ.

Động thái trên cho thấy sự hòa hoãn rõ ràng của Hàn Quốc với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - người từ lâu đã phản đối các cuộc tập trận của liên minh Mỹ - Hàn. Về phần mình, ông Kim Jong-un cũng nhanh chóng “đáp lễ” khi tuyên bố sẽ cử đoàn vận động viên tới dự Thế vận hội tại Hàn Quốc và hai nước sẽ diễu hành chung dưới một lá cờ thống nhất tại lễ khai mạc.

Khó khăn chồng chất

Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018 diễn ra từ ngày 9-25/2 tại Hàn Quốc (Ảnh: Getty)
Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018 diễn ra từ ngày 9-25/2 tại Hàn Quốc (Ảnh: Getty)

Để có thể thuyết phục Triều Tiên dự Thế vận hội mùa Đông năm nay, Hàn Quốc đã mất nhiều tháng theo đuổi chiến lược ngoại giao thầm lặng ở phía sau hậu trường. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, việc mời Bình Nhưỡng tham gia một sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế là một thách thức không nhỏ về ngoại giao.

Thách thức đặt ra đối với những ai muốn tổ chức một kỳ Thế vận hội thành công cũng khó khăn như cách các nhà ngoại giao từng làm để có thể “tháo ngòi nổ” chiến tranh hạt nhân trong nhiều năm qua. Không ai biết ông Kim Jong-un thực sự muốn gì và có rất ít kênh liên lạc trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Thế vận hội mùa Đông diễn ra trong bối cảnh chương trình tên lửa của Triều Tiên đã có nhiều bước tiến đáng kể trong năm 2017. Ngoài ra, những vụ bê bối liên quan tới các sự kiện thể thao trong quá khứ cũng đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét trước thềm Thế vận hội tại Hàn Quốc.

Triều Tiên từng tẩy chay Thế vận hội mùa hè năm 1988 do thủ đô Seoul, Hàn Quốc đăng cai tổ chức. Trước đó một năm, một điệp viên Triều Tiên đã cài bom nổ tung máy bay của hãng hàng không Hàn Quốc, khiến toàn bộ 115 trên máy bay thiệt mạng. Theo các nhà điều tra, mục đích của điệp viên này nhằm khiến các vận động viên và du khách nước ngoài sợ hãi, từ đó phá hoại Thế vận hội.

Khi Hàn Quốc và Nhật Bản đồng đăng cai tổ chức giải bóng đá thế giới World Cup 2002, Triều Tiên đã đánh chìm một tàu tuần tra Hàn Quốc tại vùng biển tranh chấp khiến 6 thủy thủ thiệt mạng.

Tại Thế vận hội mùa Hè năm 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil), ông Thomas Bach, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), đã gặp các quan chức Triều Tiên và vạch ra phương án hỗ trợ cả về tài chính lẫn hậu cần để có thể đưa đoàn vận động viên Triều Tiên tới Hàn Quốc mà không vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Vào tháng 2/2017, IOC đã gửi lời mời chính thức tới Triều Tiên, chấp thuận chi trả mọi kinh phí đi lại, ăn ở và gỡ bỏ một số tiêu chuẩn nhất định cho các vận động viên Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng từ chối.

Nhờ cậy các nước

Tổng thống Trump dọa hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2017 (Ảnh: AP)
Tổng thống Trump dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2017 (Ảnh: AP)

Sau lời từ chối của Triều Tiên, ông Bach đã viện nhờ tới sự giúp đỡ của Hàn Quốc. Theo thông báo của Ủy ban Olympic, ông Bach đã gặp cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ít nhất 3 lần, song bà Park rốt cuộc lại là người có lập trường cứng rắn với Triều Tiên. Từ cuối năm 2016, nội bộ chính trường Hàn Quốc liên tục gặp sóng gió, dẫn tới việc cựu Tổng thống Park bị phế truất và luận tội.

Trong bối cảnh đó, ông Bach tiếp tục tìm đến Chủ tịch Tập Cận Bình và có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ - nơi IOC đặt trụ sở vào tháng 1/2017. Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ đề xuất của ông Bach và cho biết sẵn sàng giúp đỡ. Tuy nhiên, ông Tập cũng gửi một thông điệp tới nhà lãnh đạo IOC rằng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên rất hạn chế.

Tháng 6/2017, ông Bach chuyển hướng sang Mỹ và có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, chuyến thăm này gần như không đề cập tới vấn đề Triều Tiên.

Vào ngày 1/7/2017, khi ông Bach kết thúc chuyến thăm tới Bắc Kinh và Seoul, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên với tầm tấn công tới khu vực Alaska của Mỹ.

Vụ phóng ICBM của Triều Tiên là đòn giáng vào chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, người ủng hộ mối quan hệ hòa hoãn với Bình Nhưỡng. Ông Moon xem Thế vận hội là cơ hội tốt nhất của ông để xoa dịu căng thẳng với Triều Tiên. Trong những tuần đầu tiên nhậm chức, ông đã hoan nghênh đội Triều Tiên tới tham dự giải taekwondo ở thành phố Muju của Hàn Quốc.

Thậm chí ngay cả sau vụ phóng ICBM hồi tháng 7, Tổng thống Moon vẫn để ngỏ lập trường hòa dịu với Triều Tiên. Ông đã sử dụng bài phát biểu tại Berlin, Đức để mời Triều Tiên tham dự Thế vận hội và đánh tín hiệu với ông Kim Jong-un rằng IOC sẵn sàng dàn xếp với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, ngay trong tháng 7, Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa ICBM thứ hai và tên lửa lần này đủ sức tấn công bang California của Mỹ. Một tuần sau đó, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ trút “lửa và thịnh nộ” nhằm vào Triều Tiên nếu nước này đe dọa Mỹ.

Trong bối cảnh các bên căng như dây đàn, ông Bach tìm tới Trung Quốc và có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại thành phố Thiên Tân. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc cho biết chính quyền Bắc Kinh “nóng mặt” với các vụ thử tên lửa của Triều Tiên tới mức không còn hứng thú với việc vận động Bình Nhưỡng tham dự Thế vận hội.

Triển vọng về cơ hội mời Triều Tiên tham dự Thế vận hội tiếp tục mờ dần khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân mạnh chưa từng có hồi đầu tháng 9 năm ngoái. Khi đó, Bộ trưởng Thể thao Pháp Laura Flessel-Colovic tuyên bố đoàn vận động viên của Pháp sẽ không tham dự Thế vận hội nếu vấn đề an ninh không được đảm bảo. Canada và Australia cũng bày tỏ sự lo lắng và nói rằng họ sẽ xem xét tình hình.

Tháo gỡ bế tắc

Đội Triều Tiên và Hàn Quốc diễu hành dưới lá cờ thống nhất tại lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang vào tối 9/2 (Ảnh: Reuters)
Đội Triều Tiên và Hàn Quốc diễu hành dưới lá cờ thống nhất tại lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang vào tối 9/2 (Ảnh: Reuters)

Khi tình hình lâm vào bế tắc, ông Bach buộc phải bảo vệ lập trường của mình và phản đối mọi kế hoạch thay đổi chương trình Thế vận hội. Ông tiếp tục tới Seoul vào cuối tháng 9/2017 để gặp Tổng thống Moon. Cuộc gặp diễn ra đúng một ngày sau khi Tổng thống Trump cảnh báo sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu nước này đe dọa Mỹ trong bài phát biểu đầu tiên của ông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Cũng trong bài phát biểu trước Đại hội đồng, Tổng thống Moon vẫn để ngỏ cơ hội cho Triều Tiên tại Thế vận hội. Ông nói: “Trái tim tôi tràn ngập niềm vui mỗi khi tưởng tượng ra cảnh các vận động viên Triều Tiên diễu hành tiến vào sân vận động tại buổi lễ khai mạc Thế vận hội”.

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, cuối tháng 9 năm ngoái, Triều Tiên tiếp tục phóng thử tên lửa ICBM mới có tên gọi Hwasong-15 với tầm phóng cao hơn và bay trong thời gian lâu hơn so với các tên lửa trước đó. Tên lửa này cũng đặt toàn bộ lãnh thổ Mỹ vào tầm tấn công.

Việc tổ chức Thế vận hội lúc này đứng trước nhiều mối đe dọa. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley thậm chí còn nói rằng khả năng tham gia của đoàn Mỹ tại Thế vận hội vẫn là chuyện “để ngỏ”.

Vào giai đoạn nước rút, Tổng thống Moon đã nhờ cậy sự giúp đỡ của chính quyền Trump. Xuất phát từ ý nghĩ rằng, Triều Tiên muốn thỏa thuận riêng với Mỹ trong các cuộc đàm phán hạt nhân, một số ý kiến nhận định Bình Nhưỡng có thể cũng muốn Washington tham gia vào Thế vận hội lần này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ngoài cùng bên phải hàng dưới) ngồi cạnh Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, trong khi bà Kim Yo-jong (thứ hai từ phải qua hàng trên), em gái ông Kim Jong-un, ngồi ngay sau vợ chồng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (ngoài cùng bên trái hàng dưới) tại lễ khai mạc Thế vận hội. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ngoài cùng bên phải hàng dưới) ngồi cạnh Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, trong khi bà Kim Yo-jong (thứ hai từ phải qua hàng trên), em gái ông Kim Jong-un, ngồi ngay sau vợ chồng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (ngoài cùng bên trái hàng dưới) tại lễ khai mạc Thế vận hội. (Ảnh: Reuters)

Trao đổi qua điện thoại, Tổng thống Moon đã đề nghị Tổng thống Trump đưa ra thông báo rằng, ông sẽ cử một phái đoàn cấp cao của Mỹ tới Thế vận hội. Điều này để đánh tín hiệu với ông Kim Jong-un rằng Mỹ xem xét nghiêm túc việc tham gia Thế vận hội.

Triều Tiên rốt cuộc cũng tỏ thiện chí hạ nhiệt căng thẳng vào tháng 12 năm ngoái khi nước này đề nghị ông Jeffrey Feltman, một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc, tới Triều Tiên. Sau khi chính quyền Trump đồng ý, ông Feltman tới Bình Nhưỡng và có cuộc gặp với các nhà ngoại giao Triều Tiên.

“Chúng tôi đã nói với họ rằng họ cần tranh thủ Thế vận hội và sử dụng sự kiện này như một cách để tiến hành đối thoại”, ông Feltman nói. Khi đó, Triều Tiên không đưa ra bất kỳ cam kết nào.

Tại Washington, chính quyền Trump bắt đầu thảo luận về lập trường của Tổng thống Hàn Quốc với Triều Tiên. Vấn đề nhạy cảm nhất khi đó là đề xuất dừng các cuộc tập trận chung giữa hai nước trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Tuy nhiên sau nhiều động thái ngoại giao, Mỹ cũng nhất trí tạm hoãn tập trận. Đúng vào thời điểm đó, ông Kim Jong-un tuyên bố sẽ cử đoàn vận động viên tới Hàn Quốc khiến cả thế giới bất ngờ.

Tổng thống Moon khẳng định sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội có thể dẫn tới các cuộc đàm phán để giải quyết bế tắc hạt nhân. Trong khi đó, Tổng thống Trump tỏ ra hạnh phúc khi nhận thành tích về mình, nói rằng Thế vận hội diễn ra nhờ công của ông và thể hiện sự hài lòng, thậm chí có một chút hy vọng, về quyết định tham dự Thế vận hội của Triều Tiên.

“Tôi muốn nhìn thấy họ (Triều Tiên) dự Thế vận hội và có thể mọi chuyện sẽ bắt đầu từ đây”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên hồi tháng 1.

Thành Đạt

Tổng hợp