Để trẻ không "loạn ngữ": Cần môi trường học chuẩn

(Dân trí) - Tại buổi giao lưu trực tuyến “Trẻ có bị rối loạn ngôn ngữ khi học tiếng Anh sớm" do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức mới đây, một số chuyên gia cho rằng, môi trường học ngoại ngữ rất quan trọng. “Để cho rằng một đứa trẻ có loạn ngữ hay không, cần ý kiến của chuyên gia tâm lý hay nhà ngôn ngữ, cha mẹ không nên vội vàng quy chụp”, ông Henry Nguyễn Phạm - cử nhân Tâm lý học, thạc sĩ Sư phạm Anh ngữ, ĐH California (Mỹ) chia sẻ.

Trẻ có thể kích hoạt ngôn ngữ từ khi sinh ra

Theo một phụ huynh tại Hà Nội, con chị hiện nay mới 4 tuổi. Chị rất muốn cho con học tiếng Anh từ sớm nhưng lại sợ bị loạn ngôn ngữ. Nhưng nếu không học thì sợ bị qua giai đoạn “vàng”, chị rất băn khoăn và lo lắng.

Giải đáp câu hỏi này, PGS. TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, nhiều người bảo ông lạc hậu khi giữ quan điểm, hãy để cho trẻ thụ đắc ngôn ngữ mẹ đẻ, sau đó mới học ngoại ngữ thì tốt hơn. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng, khi chưa tiếp cận hệ thống tiếng mẹ đẻ cơ bản, trẻ khó tiếp cận một ngôn ngữ khác.

Trẻ có bị rối loạn ngôn ngữ khi học tiếng Anh sớm? (Ảnh: vtv.vn).
Trẻ có bị rối loạn ngôn ngữ khi học tiếng Anh sớm? (Ảnh: vtv.vn).

Trao đổi về ý kiến trên, ông Henry Nguyễn Phạm - cử nhân Tâm lý học, thạc sĩ Sư phạm Anh ngữ, ĐH California (Mỹ) cho rằng, hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về não bộ đã chứng minh trẻ có khả năng kích hoạt ngôn ngữ từ trước khi sinh ra.

Theo đó, tuổi càng nhỏ, cơ quan não bộ này càng linh hoạt, trẻ có thể tiếp nhận nhiều loại ngôn ngữ khác nhau. Thời điểm vàng cũng được xác định từ 0-11 tuổi, không phải dưới 4 tuổi nên gia đình có thể yên tâm và vẫn còn kịp.

Cũng theo ông Henry, để cho rằng một đứa trẻ có loạn ngữ hay không cần ý kiến của chuyên gia tâm lý hay nhà ngôn ngữ. Bởi có thể trẻ chỉ bị bí từ mà lẫn lộn, cha mẹ không nên làm quá mọi chuyện hay vội vàng quy chụp.

“Trẻ con sinh ra không hoàn toàn là tờ giấy trắng mà đã có những gen để kích hoạt ngôn ngữ. Khi trẻ càng bé, cơ quan này càng linh hoạt và có khả năng tiếp nhận nhiều ngôn ngữ khác nhau hơn. Do đó có những lúc trẻ đọc nhầm mã là chuyện bình thường. Trước 11 tuổi, các bé có kĩ năng tiếp thu ngôn ngữ rất cao nên cần tranh thủ giai đoạn này để học nhiều loại ngôn ngữ hơn”, ông Henry chia sẻ.

Ông Henry Nguyễn Phạm - cử nhân tâm lý học và thạc sĩ sư phạm Anh ngữ, ĐH California, Mỹ (Ảnh: clip vtv).
Ông Henry Nguyễn Phạm - cử nhân tâm lý học và thạc sĩ sư phạm Anh ngữ, ĐH California, Mỹ (Ảnh: clip vtv).

"Trẻ học ngoại ngữ cần chơi, giao tiếp trong môi trường sinh ngữ, nói cách khác là "tắm trong tiếng Anh". Nhưng như thế nào là "tắm"? Việc học trên mạng có phải là "tắm" không? Nếu trẻ xem các video, youtube hoặc xem ti vi… suốt ngày có phải là “tắm” hay không?

Đồng thời ông lưu ý các cha mẹ, nếu trẻ từ 4 tuổi trở xuống có biểu hiện chậm phát triển tiếng mẹ đẻ thì cần cải thiện điều đó trước, không nên học thêm ngoại ngữ.

Tôi nghĩ “tắm” phải là có sự tương tác, phải thật ngoài thực tế. Trong khi ở Việt Nam, tiếng Anh chưa phải ngôn ngữ thứ hai mà đang chỉ là một ngoại ngữ. Do đó, nhiều người băn khoăn, trẻ có môi trường sinh ngữ ở đâu để học”.

Môi trường học ra sao mới quan trọng

Hiện đang sinh sống tại Mỹ, xung quanh môi trường đa ngôn ngữ, bà Đinh Thu Hồng, thạc sĩ Giáo dục, chuyên ngành dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL - English as Second Language), đồng thời là giáo viên tiểu học tại Georgia (Mỹ) cho hay, trẻ nên thông thạo tiếng mẹ đẻ trước sau đó mới đến tiếng Anh.

Theo bà Hồng, Bố mẹ không biết tiếng Anh nhưng có thể đồng hành cùng con, và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tiếng mẹ đẻ, tạo nền tảng vững chắc.

Qua kinh nghiệm tiếp xúc học sinh nhập cư, bà Hồng cho rằng các em thường không mất nhiều thời gian để học giao tiếp. Nhiều em gặp khó khăn khi tiếp cận ngôn ngữ học thuật của môn khoa học và tự nhiên. Trước khi biết những thông tin này, trẻ cần hiểu rõ bằng tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, bà khuyên cha mẹ người Việt tại Mỹ hãy dùng tiếng Việt tại nhà và khi đến trường trẻ dùng tiếng Anh.

Về cách học sao cho hiệu quả, bà Hồng tư vấn trẻ từ 0-3 tuổi không cần học nhiều về ngữ pháp, chỉ cần giao tiếp thông thường hàng ngày, làm cho ngôn ngữ sống động và có ý nghĩa trong bối cảnh nhất định. Cách học đầu tiên về ngữ pháp đã quá cũ. Trẻ từ 3-6 tuổi cần làm quen ngữ pháp nhưng không đặt mục đích nặng nề.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Ảnh: Từ clip vtv)
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Ảnh: Từ clip vtv)

Còn theo ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội, ông cũng có một cháu hiện đang học tiếng Anh. “Trong quá trình theo dõi việc học của cháu, tôi nhận thấy, không phải học từ bao giờ mà quan trọng môi trường học. Trẻ phải được giao tiếp đích thực mới phát huy tác dụng tốt nhất.

Trẻ mầm non 4 tuổi cần hướng tới việc hình thành các khái niệm ban đầu về ngôn ngữ, vừa học vừa chơi, qua đó tạo cảm xúc, giúp trẻ nói được câu ngắn.

Có phụ huynh băn khoăn trẻ mới vào lớp 1 học cùng lúc tiếng Việt và tiếng Anh có bị lẫn lộn, tôi cho rằng, các trường tiểu học chỉ dạy tiếng Việt, còn tiếng Anh thường đến cuối học kỳ 1, các cháu mới học viết. Các trường dạy thiên về ngữ pháp nên tôi phải cho con học bên ngoài để tăng cường thêm kỹ năng”, ông Vũ nói.

Mỹ Hà