1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô và đại gia bí ẩn xứ Huế chi nghìn tỷ tranh mua cổ phần

(Dân trí) - Tuần qua, danh sách các nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá cổ phần VCG của Tổng Cty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đã khiến nhiều người bất ngờ và tìm đọc. Bởi, trong đó có con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô và một 1 cá nhân duy nhất người Huế tranh đua.

Tài sản đại gia Trịnh Văn Quyết liên tục “bốc hơi”

ROS nối dài chuỗi giảm 8 phiên liền kể từ 6/11 tới nay, giảm tổng cộng 7,34%. Chỉ trong 3 tháng giao dịch, cổ phiếu ROS đã đánh mất hơn 18% kéo theo tài sản trên sàn của ông Trịnh Văn Quyết cũng giảm theo tương ứng.

FLC Faros mới đây đã thông qua việc tăng vốn điều lệ cho FLC Faros Vân Đồn và mua thêm cổ phần tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vườn thú Faros.

Thực hiện giấc mơ bay song trên sàn chứng khoán, tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết lại liên tục sụt giảm (nguồn ảnh minh hoạ: AFP)
Thực hiện giấc mơ bay song trên sàn chứng khoán, tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết lại liên tục sụt giảm (nguồn ảnh minh hoạ: AFP)

Cụ thể, FLC Faros Vân Đồn sẽ được nâng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng hiện nay lên 630 tỷ đồng (tăng gấp 6,3 lần) thông qua việc được FLC Faros “rót vốn”. Ngoài ra, FLC Faros cũng quyết định mua thêm 9 triệu cổ phần tương ứng 90 tỷ đồng để tăng sở hữu tại Vườn thú Faros lên 13,5 triệu cổ phần, chiếm 90% vốn điều lệ của Vườn thú Faros sau khi công ty này tăng vốn lên gấp 3 lần.

Con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô dự chi hơn 2.000 tỷ đồng mua cổ phần Vinaconex

Mới đây, cùng với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thì Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đã công bố việc bán đấu giá trọn lô 94 triệu cổ phần của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) do Viettel sở hữu. Số cổ phần này tương ứng với 21,28% vốn điều lệ Vinaconex.

Ông Trịnh Cần Chính - vị doanh nhân dòng dõi khởi nghiệp lúc đã lục tuần (ảnh Vietnamnet)
Ông Trịnh Cần Chính - vị doanh nhân "dòng dõi" khởi nghiệp lúc đã lục tuần (ảnh Vietnamnet)

Với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần, nhà đầu tư tham gia đấu giá sẽ phải bỏ ra tối thiểu 2.002,4 tỷ đồng để sở hữu trọn lô cổ phiếu nói trên và thanh toán số tiền này trong khoảng thời gian từ 23/11 đến 29/11/2018.

Đáng chú ý, một trong 2 nhà thầu đủ điều kiện là Công ty CP Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam do ông Trịnh Cần Chính (con trai nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô) làm đại diện pháp luật.

Kinh doanh bết bát, cổ phiếu nhà “Cường đôla” cắm đầu

Trong phiên ngày 14/11, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai tiếp tục giảm 1,6% xuống còn 6.900 đồng. Đây là phiên thứ 4 liên tục mã này giảm giá.

Diễn biến bất lợi của QCG trong bối cảnh công ty này vừa công bố kết quả kinh doanh quý III tiếp tục sa sút mạnh. Doanh thu cả quý chỉ đạt 82,4 tỷ đồng, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận trước thuế chỉ hơn 1 tỷ đồng, chưa bằng 1% của cùng kỳ năm trước.

Trong công văn giải trình gửi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Quốc Cường Gia Lai lý giải tình trạng này xuất phát từ việc trong kỳ công ty chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng, bên cạnh đó cũng không có thu nhập từ chuyển nhượng đầu tư tài chính.

Theo đó, kết thúc 9 tháng đầu năm QCG mới chỉ đạt được 519,1 tỷ đồng doanh thu thuần và báo lãi 57,6 tỷ đồng, còn một khoảng cách rất xa so với mục tiêu đặt ra cho cả năm là 1.800 tỷ đồng doanh thu và 320 tỷ đồng lợi nhuận. Điều này đặt ra khả năng “vỡ kế hoạch” năm thứ 8 liên tiếp của QCG là rất cao.

Tỷ phú giàu nhất Việt Nam mất hơn 8.500 tỷ đồng

Kết phiên giao dịch cuối tuần 16/11, thị trường chứng khoán bị kìm hãm đáng kể bởi VHM, VIC và VNM. Trong đó, riêng VHM giảm 4.300 đồng đã lấy đi của chỉ số 4,48 điểm, thiệt hại từ VIC là 1,59 điểm và VNM là 1,08 điểm.

Dù giá cổ phiếu sụt giảm, ông Phạm Nhật Vượng vẫn đang sở hữu khối tài sản khổng lồ
Dù giá cổ phiếu sụt giảm, ông Phạm Nhật Vượng vẫn đang sở hữu khối tài sản khổng lồ

VIC phiên này giảm 1.600 đồng tương ứng 1,7% còn 90.100 đồng. Vốn hóa thị trường của Vingroup hiện đạt 287.565 tỷ đồng. Trong hai ngày, mã này sụt giảm tổng cộng 4.600 đồng khi trước đó đã giảm 3,2% vào ngày 15/11. Qua đó khiến tài sản trên thị trường chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 8.579,9 tỷ đồng.

Mặc dù đã hao hụt đáng kể tài sản tuy nhiên thống kê tài sản cổ phiếu mà người đàn ông giàu nhất Việt Nam đang sở hữu tại VIC vẫn còn tới 168.054 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản ròng mà ông Vượng đang có theo cập nhật của Forbes là 6,2 tỷ USD, xếp thứ 250 trên thế giới.

Bí ẩn đại gia dự chi hơn 5.400 tỷ đồng “thâu tóm” Vinaconex

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố danh sách các nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá cổ phần VCG của Tổng Cty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu.

Bốn nhà đầu tư này gồm có 3 tổ chức là Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, CTCP Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC, Công ty TNHH An Quý Hưng và 1 cá nhân là ông Nguyễn Văn Đông.

Tại phiên đấu giá này, SCIC sẽ bán trọn lô toàn bộ trên 254,9 triệu cổ phiếu VCG, tương đương 57,71% vốn. Với giá khởi điểm 21.300 đồng/cp, số tiền tối thiểu để tham gia lần đấu giá này là 5.431 tỷ đồng. Theo quy chế đấu giá, nhà đầu tư tham gia phải đặt cọc 10% giá trị lô cổ phần đấu giá, tương đương hơn 543 tỷ đồng.

Theo bản công bố thông tin, ông Nguyễn Văn Đông là cá nhân duy nhất tham gia phiên đấu giá này. Ông Đông sinh ngày 5/5/1980 và có CMT được cấp tại Thừa Thiên – Huế. Bản thân vị này không có mối quan hệ với Vinaconex cũng như chưa từng sở hữu cổ phần nào tại doanh nghiệp này. Cũng như ba nhà đầu tư còn lại, ông Đông muốn mua trọn lô hơn 254,9 triệu cổ phiếu VCG.

BIDV có tân chủ tịch sau 26 tháng để trống

Chiều 15/11, Ngân hàng Nhà nước đã trao quyết định bổ nhiệm ông Phan Đức Tú – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ chức chủ tịch ngân hàng này.

Tân chủ tịch BIDV - ông Phan Đức Tú
Tân chủ tịch BIDV - ông Phan Đức Tú

Tân chủ tịch BIDV sinh năm 1964 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông Tú có 30 năm công tác tại BIDV, bắt đầu làm việc tại ngân hàng này từ năm 1987 và trải qua nhiều vị trí. Từ tháng 5/2012 đến nay, ông Tú giữ chức tổng giám đốc, thành viên HĐQT BIDV.

Thế Hưng

Con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô và đại gia bí ẩn xứ Huế chi nghìn tỷ tranh mua cổ phần - 5