Tự sự:

Con đường đi đến đâu?

(Dân trí) - Thằng cháu bước vào tuổi hay chuyện. Đi chơi với ông, nó luôn miệng hỏi. Mà cũng chỉ có ông là nó dám hỏi. Ở trường mẫu giáo, mọi sinh hoạt đã được mặc định sẵn trong chương trình. Không có một tiểu mục nào dành cho việc hỏi.

Trẻ con răm rắp chấp hành. Sai đâu phạt đấy.

Ở nhà cũng không thể hỏi ai ngoài ông. Bố mẹ nó đi làm suốt ngày, về đến nhà vẫn váng vất trong đầu rất nhiều câu hỏi. Nếu thêm một vài câu hỏi nữa rất có thể sẽ phát cáu. Chẳng biết hỏi ai. Bây giờ đi làm việc ở cơ quan không còn cảnh uống trà đọc báo chờ hưu. Cũng tất bật lo toan công việc. Sểnh ra có thể mất việc như chơi. Ở ngoài cổng cơ quan bao giờ cũng có vô khối người tìm việc đang xếp hàng.

Kiến thức phổ thông cách nay đã bốn mươi năm hình như không đủ để trả lời những câu hỏi của con trẻ bây giờ. Những hiểu biết về các trò chơi đánh bi đánh đáo, bắt ve, thả diều ngày xưa của ông không dùng vào việc gì cả. Trẻ con chơi xếp hình bằng những bộ Lego rất phức tạp. Những đồ chơi điện tử điều khiển từ xa. Những bộ lắp ráp "siêu nhân" mà chỉ để thuộc được số vũ khí mang theo thôi có khi cũng phải mất cả ngày. Đành chịu. Dẫn nó ra đường…

Dọc con phố chi chít hàng quán, hai ông cháu len lỏi đến vã mồ hôi. Cứ ngỡ mình đã thuộc lòng con đường từ hơn nửa thế kỉ, nhưng gặp phải những câu truy hỏi đến cùng của thằng bé, ông đã không thể trả lời mạch lạc. Thằng bé hỏi, sao người ta chắn đường mình? Ông bảo, người ta phải làm việc kiếm tiền! Lại hỏi, sao không làm việc ở trong nhà? Ông đáp bừa, nhà để đựng tiền, không để làm việc! Tiền để làm gì? Để tiêu! Mẹ bảo tiền mất giá? Ông lờ đi như không nghe thấy gì…

Dừng chân ở hàng bán cá cảnh. Cu cậu thích chí hò hét chỉ trỏ. Thò cả tay vào bể kính định bắt con rùa mắt đỏ, con gì đây ạ? Con rùa! Con rùa để làm gì? Để làm cảnh! Không phải, rùa để chạy thi với thỏ ông ạ! Ừ, chạy thi! Rùa thắng ông nhỉ? Ông chán nản, rùa thắng!

Chơi ở hàng cá cảnh không được lâu, thằng bé giục, ông ơi đi nữa! Nó kéo tay ông đi tiếp trên con phố dẫn ra ngoại thành. Con phố yên ả thời thơ ấu rợp bóng những cây bàng già của ông bây giờ có một gương mặt nham nhở quái dị. Tất cả những gì tưởng không bao giờ đem ra mặt phố người ta đều đã đem ra. Bếp than tổ ong. Nồi niêu, bàn ghế cũ nát. Chổi lau nhà. Rác rưởi. Và dĩ nhiên, người. Mặt phố bây giờ có vẻ giống với bộn bề ngao ngán sân sau của những ngôi nhà vài mươi năm trước. Bao nhiêu kín đáo dè dặt ngượng ngùng cũng phơi phóng phô bày thản nhiên trước cửa. Phố như lánh mặt vào trong? Thằng bé dừng chân tần ngần hỏi, ông ơi con đường này đi đến đâu ạ? Cu cậu có vẻ chán…

Ông dõi mắt vào chiều dài miên man con phố cũ. Nó đã được nối thêm rất nhiều cây số ra phía ngoại thành. Con đường liên tỉnh cũng nhập vào làm một với nó từ lâu rồi. Ông đã xem trên bản đồ thành phố mới. Nhưng cũng không thể ngờ nó lại như vậy. Cái nhếch nhác tạm bợ kéo dài đến tận một thành phố khác không ranh giới. Chẳng thể biết đó là thành phố của mình kéo dài ra hay thành phố khác đã kéo vào? Con đường đi đến đâu? Chính ông cũng muốn hỏi câu này.

Bình Chân