Chụp ảnh chính chủ thuê bao di động: Không cần thiết, xem xét bãi bỏ

(Dân trí) - Theo Nghị định 49 sửa đổi của Chính phủ, tất cả người dùng thuê bao di động đều phải chụp ảnh chính chủ để bổ sung thông tin, hoàn tất thủ tục đăng kí thông tin thuê bao di động. Tuy mới được triển khai từ cuối tháng 4 vừa qua nhưng quy định này đang được xem xét để bãi bỏ.

Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 24/4/2017 và trong vòng 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn và yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ mà thông tin chưa đúng quy định cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu.

Chụp ảnh chính chủ thuê bao di động: Không cần thiết, xem xét bãi bỏ - 1

Từ cuối tháng 4/2018, các nhà mạng ráo riết thông báo khách hàng để cập nhật thông tin thuê bao cùng với chụp ảnh thẻ chính chủ.

Tại thời điểm đó, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông, cho rằng trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều coi trọng và có nhiều quy định quản lý nghiêm ngặt thuê bao di động.

Tuy nhiên, theo Tờ trình Chính phủ của Bộ TT&TT về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông cho hay, ngay sau khi các quy định về việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp được các doanh nghiệp triển khai, người dân và các cơ quan báo chí đã có phản ứng cho rằng: chụp ảnh là xâm phạm đến quyền riêng tư của người dân, có thể gây lộ lọt thông tin riêng và không cần thiết do đã có chứng minh nhân dân; đối với các thuê bao đã có thông tin chính xác (như thuê bao trả sau) mà vẫn yêu cầu bổ sung chụp ảnh là không cần thiết,….

Sau khi nhận được các phản hồi này, Bộ TT&TT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời chủ

động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình để trao đổi, làm rõ những quy định có liên quan nhằm tạo sự đồng thuận trong người dân, xã hội, đồng thời nghiên cứu, xem xét các vấn đề có liên quan. Kết quả rà soát, đánh giá đến thời điểm này cho thấy để đảm bảo thông tin thuê bao là chính xác thì nhất thiết phải có việc đối soát giữa thông tin thuê bao do doanh nghiệp viễn thông thu thập với cơ sở dữ liệu thông tin nhân thân đáng tin cậy (của cơ quan nhà nước có trách nhiệm).

Tờ trình cũng nhấn mạnh, hiện nay, theo báo cáo của tổ chức GSMA vào tháng 3/2018, trên thế giới mới có 16 quốc gia (trên tổng số 147 quốc gia mà Chính phủ yêu cầu quản lý thông tin thuê bao) có và cho phép doanh nghiệp viễn thông kết nối với CSDL thông tin của Chính phủ để đối soát thông tin, đây cũng là các quốc gia đạt được những thành công đáng kể trong công tác này như: Trung Quốc, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ,... Trong đó tại Thái Lan, từ tháng 06/2017, trên cơ sở đã có hệ thống cơ sở dữ liệu thẻ căn cước điện tử (mỗi thẻ đều được gắn 01 con chip điện tử cho phép chỉ cần đưa vào thiết bị đọc chuyên dụng – tích hợp bộ giải mã mà Cơ quan an ninh cung cấp - là có thể trích xuất ra thông tin về: ảnh, dấu vân tay, và các thông tin cá nhân có liên quan đã được tích hợp trong thẻ căn cước và chỉ sau khi cả vân tay và ảnh chụp được đối chiếu qua thiết bị đều cho kết quả đúng thì doanh nghiệp viễn thông mới được thực hiện các thủ tục để cấp số di động (kích hoạt dịch vụ).

Tuy nhiên, Bộ TT&TT cho rằng, hiện tại nước ta chưa có hệ thống CSDL căn cước công dân điện tử để kết nối, đối soát dẫn tới các doanh nghiệp viễn thông thật sự không có cơ sở để đối soát, chứng minh thông tin thuê bao là chính xác hay không.

Về nội dung này, tại tờ trình số 109/TTr-BTTTT ngày 30/12/2016, Bộ TT&TT đã báo cáo Chính phủ theo đó: “theo quy định, kể từ ngày 1/1/2016, sẽ triển khai loại thẻ căn cước công dân và ba loại giấy tờ tùy thân này sẽ được đồng có giá trị cho đến khi các chứng minh nhân dân hết hạn (15 năm kể từ ngày cấp). Như vậy, sớm nhất là đến năm 2028 mới có thể có được cơ sở dữ liệu căn cước công dân tập trung trên cả nước“.

Để làm rõ, tháng 8/2018, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết cũng đã tổ chức họp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công an và được biết CSDL căn cước công dân điện tử hiện mới triển khai xong ở 13 tỉnh/thành phố với khoảng 11 triệu căn cước và do khó khăn về kinh phí nên thời gian hoàn thành còn chưa thể xác định chính xác. Vì vậy, việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp thật sự không mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý và nếu tiếp tục yêu cầu các thuê bao (đặc biệt là các thuê bao đã có thông tin đầy đủ, chính xác như các thuê bao trả sau) đi bổ sung ảnh chụp (các doanh nghiệp ước tính là còn khoảng 38 triệu thuê bao dạng này) sẽ lại tiếp tục gặp phản ứng, do vậy thực sự cần xem xét, bãi bỏ quy định này.

Khôi Linh