Cát xê ca sĩ và nhạc sĩ quá chênh lệch.

(Dân trí) - Thời gian gần đây, chuyện cát xê của ca sĩ rất được quan tâm. Là những người góp phần lớn vào thành công của ca sĩ, cát xê của nhạc sĩ so với ca sĩ đã thực sự tương đồng? Dân trí đã có trao đổi với nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy.

Thời gian gần đây, một số bài báo nói rằng có nhạc sĩ bán một ca khúc có thể lên tới 2 hoặc 3,000 USD, thậm chí có người còn khoe mình bán ca khúc được... 4,000 USD. Bản thân là một nhạc sĩ đang rất được ưa chuộng hiện nay, bạn nghĩ gì về con số đó?

Tuy là một nhạc sĩ trẻ nhưng tôi cũng đã hoạt động trong giới từ lâu, bản thân tôi nhận thấy số tiền đó thực sự hơi cao so với thực tế. Bây giờ với những nhạc sĩ trẻ, như tôi chẳng hạn thì một bài hát tôi bán độc quyền khoảng từ 15 – 20 triệu. Tất nhiên cũng có “du di” một chút tuỳ mức độ thân quen nhưng cũng chỉ trong phạm vi đó thôi. Con số 2, 000 đến 3,000 USD là một con số quá cao.

Cát xê ca sĩ và nhạc sĩ quá chênh lệch.

Nghĩa là một ca sĩ hợp tác lâu dài với một nhạc sĩ, như Hiền Thục và Nguyễn Hoàng Duy chẳng hạn. Ca sĩ đó sẽ được “ưu đãi” về giá?

(Cười) Cái này cũng hơi khó nói. Nhưng nếu là một ê kíp chung, làm việc lâu dài thì cần phải có sự “ưu đãi” chứ. Dù sao thì nhạc sĩ cũng cần có ca sĩ để đưa ca khúc của mình tới với công chúng. Đó là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi mà.

Với một nhạc sĩ, lấy ví dụ là bạn đi, mỗi tháng bạn sáng tác được khoảng bao nhiêu ca khúc?

Khó có thể nêu ra một con số cố định bởi làm công việc về sáng tạo phụ thuộc rất nhiều yếu tố, cảm hứng sáng tác chẳng hạn. Nếu trước đây thì tôi rất “sung”, mỗi tháng có thể viết được vài ba bài. Nhưng thời gian càng trôi qua thì tôi lại càng... lười, hơn nữa tôi phải làm việc với nhiều dự án âm nhạc (hoà âm, phối khí) khác nhau, rồi dành thời gian cho gia đình, nên hiện tại khoảng một hoặc thậm chí vài tháng tôi mới cho ra một ca khúc mới.

Bạn có thể chia sẻ quy trình cho ra một ca khúc mới?

Với tôi thì đầu tiên tôi sẽ ngồi ở đàn, có thể là ghi ta hoặc piano để cho ra một dòng hoà thanh, sau đó tôi sẽ cho ra giai điệu, cuối cùng là lời. Từ lúc có bản demo, hoà thanh, thu âm, mix... tới khi thu xong hoàn chỉnh có thể mất khoảng 10 ngày để cho ra một ca khúc mới.

Nguyễn Hoàng Duy hợp tác rất thành công với Hiền Thục
Nguyễn Hoàng Duy hợp tác rất thành công với Hiền Thục

Mất cả tháng để viết ca khúc, mất thêm nửa tháng để hoà âm, phối khí, thu âm... Ca sĩ đi hát có thể nhận được 4,000; 5,000 thậm chí 6,000 USD và một bài hát có thể sử dụng trong một thời gian dài trong khi mức giá của nhạc sĩ chỉ chưa đầy 1,000 USD như vậy theo bạn đã hợp lý chưa?

(Cười) Tôi nghĩ nếu mức giá 2,000 – 3,000 USD cho một bài hát dành cho các nhạc sĩ tôi thấy cũng hợp lý thôi. Bởi với tiền cát xê của các ca sĩ, đặc biệt là ca sĩ hạng A như bây giờ thì số tiền bản quyền, tác quyền đó không phải là cao. Họ mua một bài hát của chúng tôi và sử dụng lâu dài, nhiều lần cơ mà? Tuy nhiên, thực tế thì với tình cảnh hiện tại, nếu đẩy giá cao như vậy thì nhạc sĩ cũng tự “bắn vào chân mình”, khó có thể hợp tác với các ca sĩ được.

Vì giá thấp nên nhạc sĩ thường lựa chọn ca sĩ quen để hợp tác?

Cũng không hẳn. Nhiều ca sĩ cứ nói ông này chảnh quá, ông A, ông B, ông C... viết cho ca sĩ này, ca sĩ kia mà không chịu viết bài cho mình. Tuy nhiên như trường hợp của bản thân tôi chẳng hạn, thường sẽ “đo ni đóng giày” ca khúc cho một ca sĩ nào đó chứ không phải ai thích lấy thì cứ lấy. Bởi mỗi ca sĩ có một chất giọng, một quãng âm đẹp khác nhau mà. Ví dụ như nếu tôi muốn viết bài cho Hiền Thục, tôi sẽ nghiên cứu xem quãng âm của Hiền Thục từ nốt nào tới nốt nào là đẹp nhất, cô ấy thường xử lý như thế nào... sau đó mới bắt tay vào viết bài hát rồi đưa cho Hiền Thục. Chứ không phải muốn viết sao thì viết, có nhiều người không hiểu thường cho rằng tôi chảnh, nhưng không phải.

Giờ thì tôi hiểu lý do vì sao các nhạc sĩ thường kêu rằng sáng tác ca khúc không phải nghề chính của họ vì chỉ với nó họ... không đủ ăn.

Đúng vậy. Như tôi thì công việc chính vẫn là làm việc tại phòng thu, hoà âm phối khí cho ca sĩ, làm nhạc cho các hợp đồng quảng cáo, thu âm... chứ không ai sống chỉ bằng viết ca khúc. Tuy nhiên thì nếu viết chăm chỉ, mỗi tháng có một vài bài mới thì thật ra nhạc sĩ vẫn sẽ sống được. Nhưng làm giàu thì chắc chắn không có, chỉ là sống ổn thôi. Cuộc sống của nhạc sĩ bây giờ được cải thiện hơn rồi. Tương đối ổn định và khá hơn so với lớp nghệ sĩ đàn anh đi trước.

Nguyễn Hoàng Duy hợp tác rất thành công với Hiền Thục

Nhưng tôi tưởng nhạc sĩ còn có một khoản thu ổn định từ tiền bản quyền, tác quyền từ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả?

Theo tôi được biết thì bên Cục tác quyền vẫn truy thu số tiền tác quyền cho các nhạc sĩ. Đó là một nguồn thu khá ổn định nhưng để nói nhiều hay ít, đủ sống hay không thì tôi không dám chắc.

Bạn nghĩ với số tiền tác quyền đang thu hiện tại là cao hay thấp? Có hợp lý chưa?

Tôi chỉ biết là mỗi tháng người ta gọi lên lãnh tiền thi tôi lên lãnh thôi, chứ cũng không quan tâm xem là người ta truy thu như thế nào? Có đúng hay không? Còn về số tiền tác quyền thu như hiện tại, tôi thấy là hơi thấp.

Còn tiền thuế, bạn nghĩ sao về chuyện “tréo ngoe” mà báo chí nói gần đây về việc ca sĩ cát xê trên trời mà tiền thuế nộp chẳng bao nhiêu?

Tôi không phải là ca sĩ nên cũng không dám trả lời sâu về việc này. Tuy nhiên trong các hợp đồng bán ca khúc của tôi cho các ca sĩ, chúng tôi đều có điều khoản thuế rất rõ ràng. Tôi nghĩ làm nghề gì cũng vậy, thuế dĩ nhiên là phải nộp thôi.

Nguyễn Văn Chung
Nguyễn Văn Chung
 

Chia sẻ về cát xê của nhạc sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết giá bán ca khúc của anh khoảng từ 800 – 1,000USD. Giá cao nhất mà Nguyễn Văn Chung bán được cho một ca khúc là 1,500USD. “Nếu chỉ dựa vào tiền bán nhạc cho ca sĩ chắc chắn chúng tôi không đủ sống. Ngoài sáng tác, tôi còn phải làm biên tập âm nhạc cho các chương trình, viết nhạc cho các TVC quảng cáo, biên tập album... thì mới đủ sống.

Nói về sự chênh lệch cát xê giữa nhạc sĩ và ca sĩ, Nguyễn Văn Chung khẳng định: “Giá bán một ca khúc của nhạc sĩ hiện tại là chưa hợp lý so với mức chất xám mà nhạc sĩ đã bỏ ra. Theo như tôi được biết thì ở các nước khác, như Singapore chẳng hạn, ngoài số tiền bản quyền để mua ca khúc thì mỗi khi biểu diễn, ca sĩ cũng phải trích lại một số tiền để trả tiền tác quyền. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc làm này rất khó để kiểm soát. Ví dụ như ca sĩ biểu diễn ở tỉnh chẳng hạn, nhạc sĩ cũng không biết thế nào mà thu. Ngoài ra, khán giả Việt Nam cũng có thói quen “nghe chùa”, không mua đĩa gốc mà mua đĩa lậu, không trả tiền bản quyền online...”

Phan Anh