1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hướng đến Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/8):

Chất độc da cam, nỗi đau còn dai dẳng

(Dân trí) - Gần 30 năm qua, ông Lộc, bà Mít phải ngậm nước mắt vào trong để bón từng miếng cơm, giọt nước cho các con. Người con trai đầu của ông đã mất khi vừa tròn 4 tuổi, 2 người còn lại cũng đang quằn quại trong nỗi đau đớn thể xác lẫn tinh thần…

Câu chuyện về nỗi đau đớn mang 2 tiếng “Da cam” của ông Lộc, bà Mít, mới chỉ là một trong vô vàn gia cảnh, cùng với đó là hàng triệu nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc Da cam/dioxin trên đất nước Việt Nam.

Trăn trở ở “Làng da cam”

Không chỉ riêng chúng tôi mà đã có rất nhiều người đến với vùng Cùa, với xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, đã không cầm được xúc động khi tận mắt chứng kiến những phận đời đang sống quằn quại trong cảnh thực vật, những thân hình dị dạng, teo tóp…Và, ngay chính những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu về chất độc hóa học, hoặc đang công tác ở Hội nạn nhân chất độc Da cam/dioxin cũng phải thốt lên rằng: “hiếm có nơi nào như Cam Nghĩa, Cam Chính, làng nào cũng có người bị nhiễm chất độc hóa học, có làng lên tới 30 người bị phơi nhiễm…”

Chất độc da cam, nỗi đau còn dai dẳng
Em Trần Thị Thúy Hồng (SN 1993, con của ông Trần Văn Tương) ở thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa bị liệt một chỗ suốt bao năm nay. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ cậy người thân chăm sóc

Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc Da cam/dioxin xã Cam Nghĩa là ông Nguyễn Anh Hai cho biết: “Xã Cam Nghĩa có 7 thôn, đều có người bị nhiễm chất độc Da cam/điôxin. Hiện toàn xã có gần 400 người đang mang trên mình dị tật, dị dạng, các bệnh về não, mắt…Các thôn như: Phương An, Bảng Sơn, Nghĩa Phong có số lượng nạn nhân nhiều nhất xã. Điển hình là thôn Phương An có tới 30 người bị nhiễm chất độc; trong đó có 4 người nằm liệt giường nhiều năm, với thân xác da bọc xương, dị hình, dị dạng. Tuy nhiên, cả xã mới chỉ có gần 50 người đang hưởng chế độ trợ cấp chất độc da cam…”

Theo điều tra của ngành LĐ-TB&XH, toàn tỉnh Quảng Trị có 8.208 hộ có người nhiễm chất độc hóa học, với 15.485 nạn nhân, trong đó hộ có 2 nạn nhân trở lên là 4.965 hộ. Trong 15.485 nạn nhân mới chỉ có 2.947 người tham gia kháng chiến hưởng được chế độ chất độc da cam, số còn lại mới chỉ được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng rất ít ỏi, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Dù chưa có điều kiện để thống kê, tìm hiểu kỹ ở những địa phương khác thuộc vùng Cùa, nhưng xem những con số trên đây về tỷ lệ người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, bị ảnh hưởng nghi do chất độc cũng khiến người ta quặn lòng. “Thảm họa da cam” đã phá hủy cuộc sống tốt đẹp của hàng triệu gia đình Việt Nam, trong đó có Quảng Trị, để lại phía sau là nỗi đau đớn lắng đọng qua nhiều thế hệ.

Có lẽ, không chỉ có Cam Lộ mà trong số những người bị phơi nhiễm chất độc hóa học ở Quảng Trị, gia đình của những nạn nhân này luôn phải chịu đựng sự đau đớn tột cùng, một nỗi đau nhức nhối. Thậm chí, có những gia đình có đến 2, 3, 4 nạn nhân bị dị tật như thế.

Di chứng da cam dai dẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ bố, mẹ sang con, sang cả cháu…Có những sinh linh vừa mới chào đời đã mang trên mình dị dạng bẩm sinh, có nạn nhân đã chết, có người vẫn tồn tại cho đến hôm nay đều quằn quại trong những nỗi đau đớn về thể xác, lẫn tinh thần. Những ông bố, bà mẹ đầu bạc trắng vẫn miệt mài chăm bẵm cho những đứa con bị dị tật, chân tay teo lại, bị bại não, phải nằm liệt một chỗ sống cảnh thực vật suốt đời, lúc tỉnh lúc mê, la hét, quấy khóc, y chang như những đứa trẻ mới lớn.

Nhưng điều khiến mọi người băn khoăn nhất là trong số ít những nạn nhân bị phơi nhiễm ấy được hưởng chế độ trợ cấp chất độc da cam, do có bố, mẹ, người thân từng tham gia, phục vụ kháng chiến. Phần lớn những nạn nhân khác mới chỉ được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng rất ít ỏi, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu, do vậy cuộc sống của họ còn đang gặp vô vàn khó khăn.


Trong những năm tháng chiến tranh, vùng Cùa, huyện Cam Lộ, là vùng chiến khu cách mạng trọng yếu của tỉnh Quảng Trị. Cũng tại đây, địch đã cho xây dựng căn cứ Carol, một trong những căn cứ quân sự thuộc tuyến hàng rào điện tử Mac-na-ma-ra ở phía tây Quảng Trị. Trước sự đấu tranh quyết liệt của quân và dân ta, Mỹ đã cho máy bay rải xuống vùng đất này một loại hóa chất cực độc, hủy hoại cây cối, môi trường và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Về sau, qua nghiên cứu mới phát hiện đó là chất độc Da cam/dioxin.

Con gái nằm bất động một chỗ, chị Thúy phải chăm bẵm cho con từng chút
Con gái nằm bất động một chỗ, chị Thúy phải chăm bẵm cho con từng chút

Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh rằng do nhiễm chất độc da cam/dioxin, nạn nhân Việt Nam đã mắc phải nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư phần mềm, phổi, tuyến tiền liệt, gan, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch...

“Tui lo lắng khi chết đi sẽ không có ai chăm sóc con”

Từ khi sinh ra, em Võ Như Thành (SN 2004, con của anh Võ Văn Thơ và chị Lê Thị Hồng Thắm) ở thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa phải nằm liệt một chỗ. 10 năm trôi qua cũng là chừng ấy thời gian vợ chồng anh Thơ phải vất vả cực nhọc, nén nỗi đau đớn vào trong để chăm sóc cho con. Hàng ngày, thấy tấm thân gầy hao của con nằm trên giường, chân tay teo tóp, kèm theo những tiếng rên la khiến tâm can vợ chồng anh như thắt lại.

Con gái nằm bất động một chỗ, chị Thúy phải chăm bẵm cho con từng chút
10 năm trôi qua cũng là chừng ấy thời gian vợ chồng anh Thơ phải vất vả cực nhọc, nén nỗi đau đớn vào trong để chăm sóc cho con bị liệt và phải nằm bất động một chỗ

Rời quân ngũ, anh xung phong tham gia vào đội quy tập mộ liệt sĩ của tỉnh đội Quảng Trị, chuyên thực hiện các cuộc tìm kiếm, cất bốc mộ ở Lào. Trong những năm tháng lăn lộn khắp các cánh rừng miền tây Quảng Trị, ở Lào, vùng đất xưa kia từng chịu ảnh hưởng của loại chất độc quái ác. Ngay chính bản thân anh cũng không nghĩ là mình có bị nhiễm thứ chất độc có cái tên rất “mỹ miều” ấy hay không? Đến khi vợ anh sinh ra cháu Thành, phát hiện cháu bị bại não, chân tay dị dạng thì những hoài nghi của anh mới được kiểm chứng.

Lúc cháu lên 2 tuổi, gia đình đưa Thành đi khám và bàng hoàng phát hiện bệnh của cháu có biểu hiện rất giống với người bị nhiễm chất độc hóa học. Kể từ đó tới nay, cháu Thành chỉ nằm bất động một chỗ, chân tay ngày càng nhỏ lại, co quắp và rên la không ngớt.  Thấy sức khỏe của con ngày càng yếu đi, vợ chồng anh thương lắm nhưng đành bất lực, bởi cũng không có phương pháp nào điều trị cho con.

Giống như Thành, em Trương Thị Kiều (SN 1994, con chị Trương Thị Thúy) ở thôn Nghĩa Phong cũng bị bại não và nằm bất động một chỗ 20 năm nay. Mọi sinh hoạt cá nhân đều do mẹ chăm sóc. Do không có chồng nên chị Thúy chỉ biết lấy các con làm niềm vui. Ấy vậy, niềm ao ước đơn giản đó của chị lại trở thành nỗi đau đớn dai dẳng suốt hai mươi năm nay. Người em gái của chị cũng có một người con mắc bệnh câm, điếc bẩm sinh.

Dù cuộc sống khó khăn nhưng chị Thúy cũng cố gắng vượt qua để chăm sóc cho con. Bây giờ, niềm hạnh phúc nhất đối với chị lúc này là hàng ngày thấy con ăn uống đều đặn, được vui cười, góp phần để xoa dịu những nỗi đau đớn trong lòng.

Trong số những nạn nhân chúng tôi đã tiếp xúc, có lẽ trường hợp của ông Nguyễn Văn Lộc, bà Lê Thị Mít, ở thôn Phương An mới thật sự cay đắng. Ở vào tuổi “gần đất, xa trời” nhưng 2 phận già vẫn vất vả sớm hôm để chăm sóc cho 2 người con bị chất độc da cam. Người con trai đầu của ông bà cũng bị nhiễm chất độc da cam và đã mất khi vừa tròn 4 tuổi, 2 người còn lại là Nguyễn Văn Lanh (SN 1982) và Nguyễn Văn Trường  (SN 1988) cũng đang quằn quại trong nỗi đau đớn thể xác lẫn tinh thần.

Con gái nằm bất động một chỗ, chị Thúy phải chăm bẵm cho con từng chút
Những khi con trai lên cơn động kinh, bà Mít phải cố hết sức để giữ chặt con. Nhưng nhiều lúc, sức già của bà bị người con xô ngã

Thời kỳ kháng chiến, ông Lộc, bà Mít hăng hái tham gia lực lượng dân quân du kích địa phương, góp sức đánh thắng kẻ thù xâm lược. Trong mưa bom, bão đạn cũng không thể khuất phục được ý chí gan dạ, sẵn sàng xả thân vì đất nước, nhưng trong hòa bình, ông bà phải chịu đựng một nỗi đau quá lớn. Có lẽ, đến khi “nhắm mắt, xuôi tay”, hai phận già vẫn chưa thể yên tâm vì những đứa con của họ sẽ không còn ai chăm sóc.

“Tui lo lắng vô cùng, lỡ khi vợ chồng tui chết đi, sẽ không còn ai chăm sóc được các con. Thà rằng giờ đây cuộc sống còn vất vả, vợ chồng tui cũng nguyện cố gắng để lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Nhưng chúng tôi không thể sống được mãi để lo lắng cho con. Nghĩ đến ngày đó, vợ chồng tui lại day dứt không yên…” – bà Mít tâm sự.

Ngày qua ngày, cứ đến giờ ăn là ông Lộc phải ôm lấy con để cho vợ bón từng miếng cơm, giọt nước. Riêng 2 người con của họ thì cứ la hét, quậy phá như những đứa trẻ lên năm. Trên khuôn mặt của họ hiện lên vẻ lo âu, tóc bạc trắng đầu mà chưa bao giờ được thấy lòng mình thanh thản.

Con gái nằm bất động một chỗ, chị Thúy phải chăm bẵm cho con từng chút
Ở vào độ tuổi gần đất, xa trời nhưng vợ chồng ông Lộc vẫn chưa được sống thanh thản bởi 2 người con của ông bị bệnh tật hành hạ

Đó cũng là nỗi đau đớn tột cùng của hàng triệu nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam trên đất nước Việt Nam nhỏ bé này. Những năm qua, dù Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành luôn có sự quan tâm ân cần, thiết thực đến những nạn nhân bị nhiễm thứ chất độc quái ác này. Ngày 10/8 hàng năm cũng là dịp để mọi người trong xã hội chung tay hành động vì những nạn nhân chất độc Da cam/dioxin, để xoa dịu phần nào nỗi đau lớn lao trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, nỗi đau mang tên chất độc Da cam/dioxin và những di chứng dai dẳng của nó từ bao lâu nay vẫn là điều nhức nhối.

Đăng Đức