Sapa: Người lên nghỉ lễ đông nghìn nghịt

(Dân trí) - Những ngày nghỉ lễ Quốc Khánh, phóng viên Dân Trí mua vé tầu Hà Nội – Lào Cai để đi Sapa với hy vọng: Người ta sẽ đổ xô đi biển chứ không có nhiều người lên núi. Nhưng thật là sai lầm. Cùng với Sầm Sơn, Cửa Lò, Hạ Long…thì Sapa cũng là một điểm đến trong những ngày này đông nghìn nghịt.

Hết vé cho ngày 1/9, chỉ còn vé đi tối 31/8. Ngành đường sắt bổ sung thêm 6 đoàn tầu nữa nâng tổng số các chuyến chạy lên Lào Cai là 8 chuyến mà cuối cùng vẫn không đủ để vận chuyển khách những ngày nghỉ lễ.

 

Sapa đông kỷ lục

 

Có khá nhiều người đứng chờ ở ga Hà Nội với hy vọng kiếm được mấy vé đi Lào Cai vào phút chót. Các tour du lịch đi Sapa đã được đặt kín trước đó cả tuần. Anh Sơn (giám đốc Cty cung cấp thiết bị bò sữa) ngồi cùng khoang cho biết anh đã đặt tour trước nửa tháng cho cả gia đình vì sợ hết vé. Anh Thanh, trưởng tầu SP1 với vẻ tất bật lắc đầu: “Trong những ngày này, nhà tầu vất vả lắm”. Khách nước ngoài lên Sapa cũng rất đông.

 

Đến Lào Cai lúc 6h sáng. Có khá nhiều khách lựa chọn cách đi giống chúng tôi, đó là mua vé xe khách giá 25.000 đồng/vé và chấp nhận không máy lạnh, xe lao như điên lên Sapa. Cũng có một số khách thì chọn cách đi tắc-xi hay xe ôm.

 

Những khách sạn khu trung tâm Sapa đều kín phòng. Ngay cả đặt ăn cũng hết bàn. Tuy nhiên “nét đẹp” của Sapa năm nay là giá phòng không bị đẩy lên cao để “chém” khách du lịch như ở nhiều nơi khác: Giá phòng nghỉ có bình tắm nóng lạnh, máy lạnh chỉ từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Một nhân viên phục vụ ở khách sạn Hoa Đào kể: “Năm nay khách lên đây đông hơn năm ngoái. Bao nhiêu phòng cũng hết, bao nhiêu bàn ăn cũng không đủ phục vụ”.

 

Theo nhận định của nhiều người dân Sapa thì năm nay lượng du khách lên nghỉ ngày 2/9 đông hơn năm ngoái đến 30%. Ước phải có từ 10-15 ngàn du khách có mặt trên Sapa vào những  ngày này.

 

Sáng ngày 2/9, chợ Sapa chật cứng người đi chợ. Để vào được trong chợ người đi phải chen vai thích cánh. Tiếng cười nói, tiếng mời gọi đúng là như chợ vỡ. Người bản địa và người dân tộc thì vẫn chỉ như mọi năm, nhưng khách du lịch đông quá nên gần như diễn ra cả tình trạng tắc chợ. Đội quân xe ôm ở Sapa có đến 200 chiếc, so với 2 năm trước tôi lên Sapa thì tăng gấp 4 lần. Anh Minh, một người lái xe ôm đưa tôi đi Cầu Mây cho biết: Khách du lịch lên Sapa ngày càng đông nên xe ôm cũng kiếm được. Như mấy ngày lễ này mỗi ngày anh cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng.

 

Chợ tình sinh hoạt kiểu… Kinh

 

Tất cả khách lên Sapa dù đi Cổng Chời, Thác Bạc hay bản Cát – cát thì buổi tối bao giờ cũng quay về để đến chợ tình. Chợ tình Sapa năm nay không được làm ở ngay khoảng sân rộng phía trước nhà thờ cổ nữa mà tản mát đi khá nhiều chỗ. Một khu chợ ẩm thực mới mọc lên đối diện với nhà thờ cổ qua một quảng trường rộng. Có lẽ đây là khu sinh hoạt kiểu người Kinh rõ nét nhất với kiểu văn hoá nhậu nhẹt uống bia, rượu, đồ nhắm và thỉnh thoảng lại zô, zô…

 

Năm nay xuất hiện khá nhiều người múa khèn, có nhiều chú nhạc công người Mông bé tí chỉ khoảng 10-12 tuổi mà thổi khèn khá “tít”. Tôi vẫn nhìn thấy một nhạc công của 2 năm trước thổi khèn ở chợ Tình nay vẫn thổi. Cứ chỗ nào có múa khèn là người xúm đông, xúm đỏ. Toàn bộ khu vỉa hè ở trung tâm Sapa đều trở thành nơi bán hàng thổ cẩm, đồ lưu niệm.

 

Rất nhiều người hỏi tôi: Ra chợ tình có thể tìm được một số thiếu nữ sẵn sàng…dâng hiến không? Tôi lắc đầu, làm gì có. Nhưng đã lên Sapa thì không thể bỏ qua cái không khí cứ đi lại, ngắm nhìn, mua bán…rất vui vẻ của nơi đây. Nhưng bạn đừng hi vọng có một cô gái người Mông hay Dao đỏ sẵn sàng đi với bạn ra bờ suối để “mây mưa” đâu nhé. Chuyện đấy là chuyện ngày xưa. Còn bây giờ ra chợ tình Sapa bạn chỉ có thể đi mua sắm, ngồi uống rượu, ăn đồ nướng và nhìn dòng người đi lại tấp nập thôi.

 

Sáng 4/9, phần lớn khách du lịch đều rời Sapa để đi Hà Khẩu, sang bên kia biên giới để thăm thú, mua sắm. Nhưng không vì thế mà Sapa bớt đông. Ngày 3/9 vẫn còn khá nhiều đoàn khách đổ lên Sapa. Họ chơi tối 3 và đến tối 4/9 lại lên tầu về Hà Nội.

 

Kiều Nga