1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Ông vua" vũ khí Việt Nam Trần Đại Nghĩa (3)

(Dân trí) - Năm 1948, chiến sự diễn ra ngày một ác liệt hơn. Chiến trường cần thêm những loại vũ khí hạng nặng, ngoài Badoca đã "thành danh". Trần Đại Nghĩa khi đó là Cục trưởng Cục Quân giới lại một lần nữa nghiên cứu thành công súng không giật SKZ và bom bay, hai loại vũ khí đặc biệt lúc đó.

Kỳ III:  Vị Cục trưởng tài ba của 2 Cục quan trọng

Súng SKZ bắt kịp vũ khí hiện đại của Mỹ

Cuộc chiến đang vào hồi cam go, Trần Đại Nghĩa không đêm nào có được một giấc ngủ trọn vẹn. ông luôn suy nghĩ về các loại vũ khí mới, có uy lực, ngay cả trong những giấc ngủ ngắn ngủi. Ngay từ đầu kháng chiến, các cơ sở quân giới của ta đã sản xuất nhiều vũ khí như lựu đạn, mìn gửi ra mặt trận, nhưng hiệu quả của chúng không lớn. Lựu đạn, thậm chí có quả khi nổ chỉ vỡ làm 4 mảnh, tính sát thương không cao.

Những năm 1948 - 1949, Cục Quân giới bắt đầu nghiên cứu các loại vũ khí hạng nặng. Đánh địch cố thủ trong lô cốt bêtông cốt thép, thông thường ta cho nổ bộc lôi hoặc mìn lõm cỡ lớn. Người chiến sĩ phải áp sát đồn địch, rất nguy hiểm, nhiều người đã hi sinh. Các nước tiên tiến khi đó người ta hay dùng đại bác hạng nặng, hạng trung hoặc đạn bay. Đạn bay ta chưa có, còn đại bác chỉ sử dụng trong những chiến dịch lớn vì nó rất nặng, mỗi cỗ pháo nặng tới vài tấn thép.

Trần Đại Nghĩa luôn nghĩ về một loại súng thật nhẹ, có thể vận chuyển, mang vác dễ dàng, nhưng lại có sức công phá ngang... đại bác. Lúc đầu có người gợi ý làm Badoca cỡ lớn, chuyển đường kính từ 60 ly lên 90 ly nhưng không được, vì những hạn chế kỹ thuật. Ông nghĩ tới súng không giật (SKZ: súng- không- giật). Đây là loại vũ khí hiện đại, mới xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa của Nhật Bản hồi cuối chiến tranh thế giới thứ hai. Tất nhiên, công nghệ chế tạo ra nó ra sao, cách thức thế nào thì chỉ... người Mỹ mới biết.

Cùng các kỹ sư cộng sự gần gũi như Lê Tâm, Nguyễn Trinh Tiếp,... Trần Đại Nghĩa phải lặp lại cái công việc mà các nhà sáng chế Mỹ đã hoàn thành. Cuối cùng, ông đã thành công. Đó là loại súng rất nhẹ, chỉ 20kg, đầu đạn lõm cỡ 160mm, dùng để bắn vào những pháo đài kiên cố của địch, đầu đạn xuyên thủng bêtông dầy hàng mét.

Chỉ sau SKZ của Mỹ mấy năm, SKZ Việt Nam xuất hiện lần đầu trong trận Phố Lu, đánh phá tan tành các lô cốt địch. Sau này, trong cuốn "Chiến tranh Đông Dương" xuất bản tại Paris năm 1963, ký giả Lucien Bodart viết: "Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bêtông dày 60cm là những quả đạn SKZ. Chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được lôcốt của chúng tôi".

Ta đã nghiên cứu mất 2 năm mới thành công, trước đó không một tài liệu nào nhắc tới vũ khí này. SKZ đã phát huy tác dụng rất lớn. Gần đến chiến dịch Điện Biên Phủ, Cục Quân giới chuyển vào chiến trường 10 khẩu SKZ và 100 quả đạn. Số súng đạn này đã góp phần giúp anh em chiến sĩ hạ gục nhiều đồn bốt địch.

Bom bay ra đời

Cuộc chiến đấu thần thánh đang đứng trước nhiều yêu cầu cấp bách, đòi hỏi các loại vũ khí ngày càng hoàn thiện hơn. Ta đã tạo được những thay đổi lớn trên cục diện chiến trường, đẩy quân địch vào thế co cụm. Nhưng chính lúc này, tình thế cũng đặt ra yêu cầu cần các loại vũ khí có sức tiêu diệt lớn, đánh những đòn chí mạng vào các điểm co cụm của địch.

Dù đã nhiều lần nghiên cứu các loại bom bay mang bí số V1, V2 của Đức nhưng bí mật về các loại vũ khí đó, Trần Đại Nghĩa vẫn chưa giải mã được.  Trong ông luôn nung nấu sẽ có ngày tạo ra một loại vũ khí có uy lực sấm sét. Dựa trên thực địa chiến trường, ông đã có phác hoạ đôi nét về loại vũ khí này. Đó là do ta và địch luôn ở thế cài răng lược, vì vậy tầm hiệu quả của "bom bay" chỉ hạn chế từ 3 đến 4km, quả đạn cũng chỉ nặng tầm 25 - 30kg.

Nhưng vấn đề là làm sao để đẩy cả khối thuốc nổ đó đi xa một hành trình dài tới mấy km. Trần Đại Nghĩa đã dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu phương án tối ưu chế tạo thuốc đẩy. Ngày đêm mày mò, cuối cùng việc gì đến cũng phải đến. Trong một lần đi tắm suối, nhà khoa học đã nghĩ tới phương án ép từng lớp thuốc vào ống thép. Và ông thành công.

Vũ khí mới được khẩn trương sản xuất với tên gọi khiêm nhường: đạn bay. Sau đó, nó được cấp tốc đưa đến các vùng chiến sự khốc liệt. Nó đúng hơn phải gọi là bom bay bởi đã trút những đòn sấm sét nhất xuống đầu quân thù. Một hàng binh sau này khai: Ngay cả lính cảm tử của đội quân lê dương cũng có nhiều kẻ muốn chạy sang hàng ngũ Việt Minh để tránh được thảm cảnh gây ra bởi một loại vũ khí mới rất khủng khiếp, chẳng kém gì so với bom V1, V2 hồi Thế chiến 2.

Vị Cục trưởng tài ba của 2 Cục quan trọng

Sau chiến dịch Việt Bắc (Thu Đông 1947), Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Ngày 20/11/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 110/SL, phong quân hàm Đại tướng cho Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, sắc lệnh phong Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình và phong Thiếu tướng cho các đồng chí Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm, Lê Hiến Mai, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng và Trần Đại Nghĩa. Lễ phong Đại tướng được tổ chức trọng thể vào ngày 28/5/1948.

Buổi lễ được cử hành trong căn nhà gỗ lợp tranh, phên nứa, bên bờ suối. Bác Hồ và cụ Bùi Bằng Đoàn (Trưởng ban Thường trực Quốc hội) đứng hai bên bàn thờ. Toàn thể nhân viên Chính phủ đứng xếp hàng phía trước. Đúng 13h, buổi lễ bắt đầu. Không khí tĩnh lặng và trang nghiêm. Bác bước lên cầm bản sắc lệnh, đoạn gọi Tướng Giáp ra đứng bên cạnh: "Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho"...

Đối với kỹ sư Trần Đại Nghĩa, việc được phong quân hàm thiếu tướng là vinh dự rất lớn. Hai năm trước, khi còn là một kỹ sư trẻ, được Bác đón về phục vụ kháng chiến, ông chưa bao giờ dám nghĩ đến điều này, dù chỉ là trong mơ. Nhưng kháng chiến đã hun đúc, tôi luyện con người yêu nước trong ông, từ một kỹ sư trẻ trở thành một Thiếu tướng quân đội với đầy đủ kinh nghiệm vững vàng về súng ống, vũ khí chỉ trong vòng hai năm trời. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta mang ý nghĩa lớn lao đến nhường nào.

Năm 1949, Trần Đại Nghĩa 36 tuổi, được giao đồng thời hai nhiệm vụ Cục trưởng cục Quân giới và Cục trưởng Cục Pháo binh. Ông đã góp phần quan trọng xây dựng lực lượng pháo binh để tham gia chiến dịch Biên giới năm 1950, sau đó là chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Thời kỳ này, việc đào tạo, xây dựng đội ngũ  cán bộ pháo binh là yêu cầu vô cùng cấp bách. Lúc đó, Bộ Tổng tham mưu thành lập ba Trung đoàn Pháo binh và đến năm 1952 thì thành lập Đại đoàn pháo binh. Đó là đơn vị pháo binh đầu tiên của quân đội ta, sau này tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và gây những tổn thất lớn cho quân địch.

Lê Bảo Trung
(Còn nữa)