“Ông vua” vũ khí Việt Nam Trần Đại Nghĩa (1)

(Dân trí) - Nhà khoa học Trần Đại Nghĩa không chỉ là tên tuổi lớn trong làng khoa học quân sự , có nhiều đóng góp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực. Ông là nhà khoa học đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, tên tuổi ông trở thành một huyền thoại đối với nhiều thế hệ người Việt cũng như bạn bè quốc tế.

Kỳ 1: Những hoài bão cháy bỏng trong chàng trai trẻ

Thủ khoa tú tài Tây

Tên thật của Trần Đại Nghĩa là Phạm Quang Lễ. Ông sinh ngày 13/09/1913 tại thị xã Vĩnh Long, miền Tây Nam bộ trong một gia đình có cha làm giáo viên tiểu học. Ngay từ bé, ông đã ham thích tìm hiểu các hiện tượng thiên nhiên, thiên văn. Đến khi học lớp 5, ngoài những bài học ở lớp, cậu trò nhỏ còn được cha mình dạy thêm những môn như Pháp văn, toán... Cha ông là người vốn là nhà nho uyên thâm chuyển sang học tiếng Pháp, đỗ Thành Chung, được biết đến là người học rộng biết sâu.

Nhưng một biến cố lớn xảy đến, cuộc sống đang yên ấm thì người cha đột ngột qua đời. Vậy là cậu bé Lễ mới lên 7 tuổi đã mồ côi cha. Trước khi mất, ông cụ gọi các con tới trăng trối: “Quanh ta, số người sung sướng chẳng là bao, lớn lên các con có thể cũng đi dạy học như cha, nhưng cũng có thể làm nghề khác, làm nghề chỉ để nuôi thân thì chưa đủ, nhất là với Lễ - phải trở thành trụ cột gia đình, phải biết mang hiểu biết của mình giúp ích cho đời”.

Sau đám tang, cuộc sống bộn bề khốn khó. Cậu Lễ, may thay gửi được vào nhà một ông giáo đồng nghiệp của cha. Thế là cuộc sống ở trọ bắt đầu từ đó. Nỗi nhớ cha, thương mẹ, thương chị luôn khắc khoải trong lòng cậu trò nhỏ. Mẹ và chị gái ở quê thì tần tảo một nắng hai sương nuôi Lễ ăn học, muôn vàn cơ cực.

Đến hè năm 1926, Phạm Quang Lễ thi đậu vào trường Trung học Mỹ Tho. Chuyện cơm áo gạo tiền không còn phải lo nữa, vì vào đây là có học bổng. Lễ luôn học rất tốt các môn khoa học tự nhiên. Đến năm 20 tuổi, những tháng cuối của niên khoá 1932-1933, trong lúc chuẩn bị cho kỳ thi lấy  bằng tú tài bản xứ, Phạm Quang Lễ quyết định ghi danh thi lấy bằng tú tài Tây. Hoàn toàn tin vào khả năng của mình, bởi Lễ đã học kỹ các môn tự nhiên như toán, lý hoá- những môn quyết định trong việc thi lấy loại bằng này. Năm ấy, Phạm Quang Lễ thi đỗ thủ khoa cả tú tài Tây và tú tài bản xứ.

Hoài bão của tuổi trẻ

Trở thành thủ khoa, Lễ không ra Hà Nội học đại học mà đi làm ở toà sứ Mỹ Tho. Đó cũng là hai năm tìm cơ hội để đi học nước ngoài với hoài bão  sưu tầm tài liệu chế tạo vũ khí. Lòng yêu nước nhen nhóm trong chàng thanh niên mỗi lúc một lớn dậy, để rồi Phạm Quang Lễ nhận ra, chỉ có đấu tranh vũ trang mới có thể giải phóng dân tộc khỏi cảnh thuộc địa.

Lễ chẳng mong gì trở thành một viên chức giống cha, để cả nhà vẫn khổ, mà muốn tiến xa hơn nữa. Thật may, chàng trai trẻ được nhà báo Vương Quang Ngưu nâng đỡ. Ông Ngưu là người luôn gần gũi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của những người trẻ tuổi có chí hướng giành độc lập cho Tổ quốc để tìm cách nâng đỡ họ. Nhờ đó, Lễ được hội Ái hữu của trường Chasseloup- Laubat cấp học bổng một năm sáng Pháp. Nếu thi đậu đại học, nhà nước Pháp sẽ tiếp tục cấp học bổng.

Tháng 9/1935, chàng trai Phạm Quang Lễ khi đó 22 tuổi, bước chân xuống tàu thuỷ đi Pháp. Hành trang mang theo mình chẳng có gì ngoài hoài bão được học hỏi để trở về phục vụ quê hương. Lần đầu bước chân tới Paris hoa lệ, chàng trai xứ Đông Dương lặng người ngắm nhìn tháp Eiffel để cảm nhận đến tận cùng sự hùng vĩ của nó, cũng như sự cao siêu của khoa học nơi kinh đô ánh sáng. Tháp cao tới 318m nhưng toàn bộ bằng thép và chỉ nặng 7.000 tấn. Tại sao người ta có thể có những tính toán chính xác tuyệt vời nhường ấy!

Được nhận vào một trường Trung học đặc biệt 2 năm để chuẩn bị thi vào Đại học, Lễ vạch ra phương pháp học để có thể hoàn tất chương trình trong vòng 1 năm. Với trí thông minh và lòng ham học, chàng thanh niên học nhảy một lớp (rút ngắn được 1 năm). Trong lòng luôn nung nấu, phải làm sao để có kiến thức đầy đủ cho việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vũ khí trở về phục vụ sự nghiệp giải phóng đất nước. Nhưng nên bắt đầu bằng cách nào đây, khi mà điều ấy là vô cùng bí mật đối với bất kỳ quốc gia nào? Hoài bão và những câu hỏi luôn cháy bỏng trong lòng chàng thanh niên.

Những chiều hoàng hôn ngồi ghế đá bên bờ sông Seine, lặng ngắm cảnh vật êm đềm thanh bình và lãng mạn, trong lòng Lễ lại ngập lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Gương mặt khắc khổ vì sương gió của mẹ, hình ảnh chị, những giọt nước mắt tiễn biệt, tiếng còi tàu rú lên rời cảng Nhà Rồng... lại chầm chậm trôi trong đầu như một đoạn phim. Những lúc ấy chỉ biết nén xuống nín lặng tất cả, chờ mong đến ngày đoàn viên.

Những bước ngoặt cuộc đời

Phạm Quang Lễ quyết tâm nộp đơn thi vào trường đại học có những chuyên ngành liên quan đến hoài bão của mình nhiều nhất. Anh chọn Trường quốc gia Cầu đường Paris. Công sức cuối cùng cũng được đền đắp.  Anh thi đỗ và được học bổng lên tới 1.200 franc mỗi tháng. Ngoài việc học ở trường Cầu đường, anh cũng nghe giảng ở các đại học danh tiếng khác như Trường tổng hợp Sorbonne, Đại học Mỏ, Đại học Báck khoa, Đại học điện và Học viện kỹ thuật Hàng không và lần lượt thi đậu các bằng Cử nhân khoa học, kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện, kỹ sư hàng không.

Mùa hè năm 1937, chị gái mất, ông trở về chịu tang chị rồi lại quay trở lại Pháp. Niềm đau khôn nguôn đành vùi sâu vào lòng. Phải gạt lệ để tiếp tục con đường đã bắt đầu. Không được buồn chán, không thể để người thân thất vọng. Trong suốt thời gian này, ông dồn tâm lặng lẽ nghiên cứu thu thập những thông tin về vũ khí. Sau khi ra trường, ông vào làm ở một hãng Điện khí và tiếp sau đó là một Hãng chế tạo máy bay dân dụng.

Người ta thấy ông thường xuyên xuống các nhà máy, xí nghiệp, vào thư viện, đứng hàng giờ trước những thiết bị khí tài trong Viện bảo tàng vũ khí. Thời gian làm việc cho phòng thiết kế của hãng máy bay, ông đã tiếp xúc với rất nhiều tài liệu quân sự, vũ khí vì hãng nọ còn sản xuất cả máy bay quân sự. Kiến thức cứ âm thầm ngấm vào và lớn lên trong ông theo cách ấy.

Sau ngày đất nước giành độc lập (tháng 8/1945), tình hình trong nước vô cùng phức tạp và căng thẳng. Các thế lực thù trong giặc ngoài, đế quốc phản động luôn tìm mọi cách để xoá bỏ chính quyền cách mạng non trẻ. 

Trước tình hình nước sôi lửa bỏng đó, tháng 9/1946 đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, cũng là để chọn lựa một số trí thức yêu nước có hiểu biết về vũ khí đưa về Tổ quốc trong đó có Phạm Quang Lễ - lúc đó 33 tuổi, đang là kỹ sư của hãng chế tạo máy bay. Hồ Chủ tịch ân cần hỏi ông:

- Nguyện vọng của chú lúc này là gì?

Quá cảm động vì sự giản dị và quan tâm một cách sâu sắc của Bác, ông nói luôn điều mình đang ấp ủ:

- Kính thưa Cụ, nguyện vọng cao nhất là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần.

- Bây giờ ở nhà cực khổ lắm, chú có chịu nổi không? Bác Hồ hỏi.

- Tôi chịu nổi.

- Bây giờ ở nhà kĩ sư và công nhân về vũ khí không có, máy móc thiếu liệu chú có làm được không? Hồ Chủ tịch tiếp lời.

- Tôi đã chuẩn bị 11 năm rồi và tôi tin là sẽ làm được.

Trong những ngày gần gũi Hồ Chủ tịch ở Paris, Phạm Quang Lễ lại càng hiểu sâu sắc hơn về tài đức của Người. Ông đã trình bày với Người nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học quân sự, về những hiểu biết xung quanh thế chiến 2. Những gì ôm ấp bấy nay giờ được dịp thổ lộ, như cá gặp nước, ông lập tức chuẩn bị cho ngày rời Pháp. Trước khi về nước, ông còn tập trung thu thập hàng nghìn cuốn sách liên quan đến nhiều lĩnh vực mà phần lớn là để phục vụ chiến tranh.

Lê Bảo Trung
(Còn nữa)