Người chị cả của “gia đình HIV”

(Dân trí) - Mỗi buổi sáng, chị ghé khu phòng đặc biệt dành cho những bệnh nhân HIV/AIDS để lau chùi, dọn dẹp vệ sinh, giặt giũ quần áo, tiêm thuốc cho bệnh nhân,… trước khi sang khoa Truyền nhiễm của bệnh viện TƯ Huế làm công việc hộ lý đã gắn bó 30 năm nay. Ngày nghỉ, chị đến nấu cơm, tâm sự, chơi đùa với những bệnh nhân AIDS…

Đến với bệnh nhân bằng trái tim

 

Trong khu phòng dành cho việc điều trị và chăm sóc bệnh nhận HIV/AIDS (Bệnh viện TƯ Huế) có tới gần 20 bệnh nhân nhiễm HIV, nhiều người đã chuyển qua giai đoạn AIDS. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng chung một hoàn cảnh là đang cận kề với cái chết, đang tuyệt vọng và bị gia đình, người thân bỏ rơi, xa lánh.

 

Cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, mỗi sáng, đúng 6 giờ, chị - một tình nguyện viên của Bệnh viện TƯ Huế - lại đến đây, tỉ mẩn dọn dẹp, giặt giũ cho bệnh nhân, thăm hỏi từng người, cẩn thận ghi chép vào sổ tay những món ăn họ yêu thích rồi tự đạp xe đi mua đồ ăn về nấu nướng.

 

Bữa ăn của những bệnh nhân đang cận kề với cái chết dường như ngon hơn khi có bàn tay chị thổi nấu, chăm sóc. Chị động viên họ ăn thật nhiều, những bệnh nhân ở giai đoạn cuối được chị tận tuỵ đút từng thìa cháo…

 

Có lúc, kinh phí bệnh viện eo hẹp, chị tự bỏ tiền túi ra mua đồ ăn cho bệnh nhân. Chị đến với họ không chút e ngại, lấn cấn; chị yêu bệnh nhân như yêu quý chính gia đình mình.

 

Các bệnh nhân không ai biết tên thật của chị, cả chúng tôi cũng vậy, chẳng thể hỏi được tên thật của chị để đưa vào bài báo. Mọi người ở đây quen gọi chị là chị Hai - chị cả của “gia đình HIV”. Chúng tôi mạn phép gọi chị là chị Lê Thị Hai.

 

Vui vì nhiều  người còn cần đến mình

 

Năm 1976, chị Hai xin vào làm hộ lý trong khoa Truyền nhiễm của bệnh viện Huế (nay là Bệnh viện TƯ Huế). Năm 1997, khoa Truyền nhiễm tách một phòng đặc biệt dành cho những bệnh nhân HIV/AIDS. Hồi đó nói tới bệnh AIDS thì ai cũng sợ, nhiều hộ lý không dám qua đây làm. Chỉ có chị tình nguyện cùng bác sĩ Huỳnh Thị Lý sang chăm sóc bệnh nhân.

 

Suốt 10 năm gắn bó với bệnh viện, gắn bó với bệnh nhân, không một người bệnh nào chị không tiếp xúc, không một hoàn cảnh nào chị không chia sẻ. Có những lúc bệnh nhân AIDS qua đời, chị lại cùng các anh chị em ở đội tình nguyện đưa bệnh nhân về nhà, tự tay tẩm lượm, chôn cất: “Có nhiều bệnh nhân tội lắm, lúc chết cũng không biết về mô, nhà cửa, người thân đều bỏ họ cả rồi”.

 

Căn nhà của chị ở nằm khuất trong một con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, cách bệnh viện gần 5 cây số. Rời chỗ làm, chị lại tất tả về nhà làm nghĩa vụ của một người mẹ, người vợ, thậm chí là người chủ gia đình bởi chồng chị từ lâu đã không có việc làm.

 

Chị có 3 người con, đứa lớn đã vào Nam lập nghiệp; cô con gái thứ hai vừa lấy chồng, sống bằng nghề buôn bán nhỏ ngoài chợ; người con út đã bỏ học từ năm lớp 6 vì nhà nghèo, giờ làm công nhân may mặc. “Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhiều bất hạnh nhưng chị vẫn hạnh phúc bởi nhiều số phận éo le còn cần đến chị” - chị tâm sự.

 

Quang Tám