Quảng Trị:

"Nếu con nằm lại với biển, mẹ cũng hãy yên lòng!"

(Dân trí) - Cứ mỗi lần xem lại tờ giấy báo tử, tập nhật ký, những bức thư…là nước mắt các mẹ lại chảy. 26 năm qua, mẹ vẫn không một lần muốn tin những đứa con thân yêu của mình đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, chưa tìm thấy thi hài.

Nước mắt mẹ vẫn chảy…

Theo chân anh Trần Thiên Phụng, một người lính từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 và may mắn sống sót, chúng tôi trở lại thăm thân nhân những liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước tại Trường Sa. Và, chúng tôi càng thấu hiểu hơn nỗi đau của những người mẹ, người chị, người anh… đang từng ngày đợi chờ con, em mình trong vô vọng.

Đã 26 năm trôi qua, nước mắt của mẹ Nguyễn Thị Hằng (69 tuổi, mẹ của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông) vẫn chưa nguôi chảy. Cứ mỗi lần xem lại giấy báo tử, những dòng nhật ký và các bức thư… di vật cuối cùng của anh Đông để lại, nước mắt mẹ Hằng cứ trào ra không ngớt.

Cứ mỗi khi xem lại những di vật của liệt sĩ Đông, mẹ lại khóc nức nở
Cứ mỗi khi xem lại những di vật của liệt sĩ Đông, mẹ lại khóc nức nở

Từng kỷ vật như xoáy sâu vào lòng mẹ, đau đến thắt ruột. Ngày biết tin con trai thân yêu nhất của mình hy sinh, mẹ đã khóc rất nhiều. 26 năm sau, mẹ càng khóc nhiều hơn, lòng mẹ hướng về đảo xa, nơi anh Đông đã mãi nằm lại, máu của anh đã hòa vào đại dương, đã thắm Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Còn mẹ Hoàng Thị Giỏ (85 tuổi, mẹ của liệt sĩ Tống Sĩ Bái) thì dường như không còn đủ sức để đợi chờ đứa con trai út thân yêu của mình trở về đất liền. Mấy chục năm qua, mẹ đã khóc cạn nước mắt vì thương con. Cho đến bây giờ, mẹ vẫn ám ảnh mỗi khi nhớ lại câu nói của anh Bái trước khi ra đi: “Mạ cứ yên tâm để cho con đi làm nhiệm vụ được thanh thản. Tổ quốc đang cần chúng con. Vì chủ quyền thiêng liêng của đất nước, nếu nhỡ con có vĩnh viễn nằm lại cũng xin mạ hãy yên lòng”.

Mẹ Giỏ sinh được 6 người con (gồm 5 trai, 1 gái), anh Bái là con trai út. Sau khi học xong cấp 3, anh Bái viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Năm 1987, anh được phân công vào Trung đoàn E83 - Bộ tư lệnh Hải quân, rồi sau đó được điều động ra xây dựng đảo Gạc Ma. Đến ngày 14/3/1988, anh cùng đồng đội của mình đã ngã xuống trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền của Tổ Quốc.

Hàng ngày, mẹ Giỏ chậm rãi đến bên ban thờ của con mà ruột gan như thắt lại
Hàng ngày, mẹ Giỏ chậm rãi đến bên ban thờ của con mà ruột gan như thắt lại

Ngày qua ngày, mẹ Giỏ cứ hết xem các di vật của con lại chậm chậm đến bên ban thờ, đưa bàn tay khô gầy xoa lên khuôn mặt trên bức di ảnh của anh Bái mà khóc nức nở. Đã có lúc, mẹ kiệt sức và chỉ nằm một chỗ nhưng lúc nào cũng gọi tên anh.

Thật sự không có từ nào để diễn tả hết những nỗi đau, sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ Việt Nam. Khi tiếp xúc với các mẹ, chúng tôi đã cố gắng tránh đi những câu hỏi gợi lại sự đau thương trong lòng các mẹ. Nhưng chỉ cần nhắc đến tên, xem di ảnh của con là nước mắt của các mẹ cứ trào ra không gì ngăn được.

Anh Phụng cùng 2 liệt sĩ Tống Sỹ Bái và Hoàng Ánh Đông đều là những người con của mảnh đất Quảng Trị anh hùng và cũng nhập ngũ cùng một thời điểm. Anh Phụng may mắn sống sót trở về, còn anh Bái và anh Đông đã anh dũng hy sinh tại Trường Sa.

Năm 2011, khi Hải quân nhân dân Việt Nam tìm thấy 4 hài cốt của các liệt sĩ trên tàu HQ-604, gia đình hai liệt sĩ Hoàng Ánh Đông và Tống Sĩ Bái cũng được lấy mẫu xét nghiệm ADN để xác định danh tính. Tuy nhiên, sau nhiều năm chờ đợi, niềm hy vọng được nhen nhóm nhưng lại một lần nữa, các anh không có tên trong danh sách những người trở về.

Hãy để con mẹ được yên nghỉ!

Thời gian gần đây, dư luận trong nước và thế giới hết sức bức xúc trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng trái phép ở những vị trí chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, những khu vực thuộc đảo Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao, nơi mà cách đây 26 năm, ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ thuộc lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã không ngại hy sinh để quyết tâm giữ đảo, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc. Những hoạt động này của Trung Quốc cũng không ngoài mục đích củng cố “đường lưỡi bò” phi lý và âm mưu muốn độc chiếm biển Đông.

Đáng lo ngại, nơi Trung Quốc đang xây dựng cũng là vùng biển mà các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã ngã xuống, hiện phần lớn vẫn chưa tìm thấy thi thể. Không chỉ người thân các liệt sĩ mà không ai trong chúng ta có thể chấp nhận được hành động ngang ngược, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc, càng không thể để cho tấc đất của tổ tiên để lại rơi vào tay người khác. Những vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, được đánh đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ.

Đã có biết bao người lính như anh Đông...
Đã có biết bao người lính như anh Đông...

Nuốt nỗi đau, mẹ Hằng nói: “Tôi cũng như bao gia đình có con hy sinh tại Trường Sa đều mong muốn tìm thấy và đưa được thi hài của con về đất liền. Thế nhưng, sau bao năm dài đằng đẵng chờ đợi, tôi cũng biết hy vọng đó rất khó thực hiện. Chỉ mong Đảng, Nhà nước mình cùng dư luận thế giới tiếp tục có những hành động và lên tiếng ủng hộ chính nghĩa, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động phi pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, để linh hồn các con và đồng đội được yên nghỉ”.

Anh Bái đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Anh Bái đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Còn với mẹ Giỏ thì hàng đêm, mỗi khi nhắm mắt lại mẹ vẫn thấy anh hiện về trong tâm thức. Cách đây mấy năm, những đồng đội còn sống của anh Bái và người thân đã mang về cho mẹ một chai nước, được lấy từ vùng biển nơi anh hy sinh. Suốt ngần ấy năm, mẹ luôn xem đó là phần xương máu của con mình để khi nhớ anh, mẹ lại đưa ra ngắm rồi khóc nức. Bên cạnh đó, mấy anh em của anh Bái, anh Đông cũng đã lấy máu của mình tạo thân thể và làm “mộ gió”, để hàng ngày đến nhang khói. Mẹ Giỏ cũng như bà Hằng đều luôn xem đó là niềm an ủi cuối cùng khi thân thể của các con mẹ đã hòa vào biển cả, góp phần giữ vững chủ quyền đất nước.

“Tôi vẫn muốn ra lại Trường Sa”

Đối với anh Trần Thiên Phụng, từ ngày được trở về đoàn tụ với gia đình, anh vẫn ấp ủ một niềm hy vọng được quay trở lại Gạc Ma, quần đảo Trường Sa - nơi những đồng đội của anh đã ngã xuống để tìm thi hài đồng đội. Tuy nhiên, niềm mong muốn ấy của anh vẫn chưa thành hiện thực.

Anh Phụng vẫn ấp ủ một niềm hy vọng được quay trở lại Trường Sa
Anh Phụng vẫn ấp ủ một niềm hy vọng được quay trở lại Trường Sa

Đặc biệt, từ lúc anh nghe tin Trung Quốc đang có những động thái xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma, Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa khiến lòng anh càng thổn thức. Anh Phụng là 1 trong 9 chiến sĩ của Trung đoàn 83, thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân may mắn còn sống sót sau trận hải chiến ngày 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma, thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa.

Giấy báo tử và một số kỷ vật hiện anh Phụng còn giữ lại 
Giấy báo tử và một số kỷ vật hiện anh Phụng còn giữ lại 

Anh Phụng kể lại: “Trong trận chiến ngày ấy, dù tương quan lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch rất lớn. Trung Quốc có 3 tàu quân sự, lực lượng rất đông. Nhưng với quyết tâm phải giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc nên anh em chúng tôi chấp nhận mọi hy sinh. Nhiều động đội của tôi đã ngã xuống, còn tôi bị thương và bị Trung Quốc bắt làm tù binh cùng với 8 anh, em nữa. Sau đó, chúng tôi được đưa về đảo Hải Nam cấp cứu trước khi chuyển vào nhà tù ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đầu tháng 11/1988, giấy báo tử của tôi mới được chuyển đến gia đình, còn tôi cũng mất liên lạc từ đó. Chừng một năm sau, nhờ sự giúp đỡ của Hội chữ thập đỏ Quốc tế, tôi mới gửi được tin nhắn về gia đình và cho biết mình còn sống. Tháng 9/1991, tôi cùng 8 đồng đội được phía Trung Quốc trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu Hữu nghị Quan ở Lạng Sơn”.

Giấy báo tử và một số kỷ vật hiện anh Phụng còn giữ lại 
Anh Phụng luôn khắc khoải nỗi đau vì thi hài đồng đội của anh, cũng là những người bạn thân thiết vẫn chưa được trở về đất liền 

Đã 26 năm trôi qua nhưng ký ức về trận chiến giữ biển, đảo Tổ quốc vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người lính Trần Thiên Phụng. Thắp nén nhang cho những đồng đội đã hy sinh, anh Phụng ngậm ngùi: “Tôi may mắn được trở về đoàn tụ bên gia đình còn các anh đã mãi mãi nằm lại giữa trùng khơi. Từng sát cánh bên nhau trong cuộc chiến sinh – tử, thế mà bây giờ chúng tôi không đưa được các anh trở về, dẫu chỉ là chút hình hài để động viên tinh thần những người mẹ già yếu, mòn mỏi ngóng tin con. Đã có lúc tôi cảm thấy bản thân bất lực vô cùng. Nhưng nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn được ra lại Trường Sa để tiếp tục cầm súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước”.

Đăng Đức