Lo nhà trọ từ khi chưa... đỗ

Mặc dù chưa chính thức biết điểm thi đại học và còn khoảng một tháng nữa mới đến ngày nhập trường, nhưng ngay từ bây giờ, nhiều sinh viên tương lai đã tự tìm cho mình một chỗ an cư...

Chúng tôi gặp Tiến, quê ở Quảng Ninh giữa trưa nắng khi cậu đang lọ mọ trong khu Kim Giang (Hà Nội) để tìm nhà trọ. Đưa tay gạt mồ hôi trên trán vì nóng, Tiến cho biết: "Sau khi xem đáp án đề thi trên báo, em biết mình có khả năng đỗ ĐH Thăng Long nên lên trước để tìm chỗ trọ. Ở nhờ nhà người quen đã mấy hôm rồi mà chưa vẫn tìm được nơi nào ưng ý".

 

Trường hợp như Tiến rất phổ biến. Tiến bảo rút kinh nghiệm của mấy anh chị các năm trước ở quê, nhập học rồi mới lo tìm chỗ trọ, bị chủ nhà bắt chẹt mà vẫn phải ngậm đắng nuốt cay. Ngay sau khi áng chừng được số điểm thi qua báo, cậu đã cùng mấy đứa bạn rủ nhau lên Hà Nội tìm thuê nhà. Nhưng nhanh chân như cậu mà vẫn chưa ăn thua.

 

Tôi hỏi Tiến: "Sao không ra làng Phùng Khoang mà tìm", cậu ca cẩm: "Cũng tìm hết rồi, đạp xe đau ê ẩm cả người mấy hôm nay mà vẫn bí lắm. Chỗ nào giá cũng cao ngất ngưởng mà có ra gì đâu"... Trên đường Trần Khát Chân, chúng tôi còn bắt gặp một thanh niên dán lên giỏ xe đạp tấm biển... "Tìm nhà trọ", anh này bảo, hỏi khắp nơi rồi mà vẫn chưa được nên mới nghĩ ra chiêu này, biết đâu lại hiệu quả.

 

Tại các khu vực được coi là "làng" SV như P.Nhân Chính, Trung Hòa, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Khoa học xã hội - nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên (Q.Thanh Xuân); P.Quan Hoa, Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy)... Chúng tôi thấy rất nhiều người nhà đưa con đi tìm nhà trọ. Chị Mai cùng cậu con trai (vừa thi ĐH Ngoại ngữ) đứng cạnh mấy tấm biển luyện thi "kiêm" dịch vụ nhà trọ ở cổng sau Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn cho biết, khi so sánh với kết quả giải đề thi trên báo, con trai chị ước lượng được khoảng 27 điểm, cũng chưa biết thế nào nhưng xem ra có khả năng đỗ.

 

Thu xếp công việc nhà cửa đồng áng, chị Mai đưa con lên Hà Nội tìm nhà trọ, tìm 2 hôm nay rồi, mất 2 chục nghìn cho tay xe ôm "dắt mối", hắn đưa mẹ con chị vào một con ngõ sâu hút ở phố Chính Kinh rồi biến mất. Nhìn căn phòng tồi tàn, nhếch nhác, chị Mai biết mình đã bị lừa. "Thôi thì để sau này đến hẵng hay, chiều nay phải về quê thôi, mẹ con chị hết tiền rồi" - chị Mai than thở.

 

Chúng tôi qua làng Phùng Khoang (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), nơi có tiếng là lắm nhà trọ SV. Tạt vào một quán nước ven đường, chúng tôi được ông chủ quán cho biết, ở Phùng Khoang hiện đã "cháy" nhà trọ, chỉ còn nhà bà Q. trong xóm có 60 phòng cho thuê, nhưng tới muộn như chúng tôi bây giờ thì chắc cũng hết.

 

Theo ông chủ quán nước, khoảng 10 hôm trước có rất đông người tìm đến đây để đặt cọc tiền thuê nhà. Nhà ông có 3 phòng, nhưng đã có người đặt trước, đều là những sinh viên tương lai chuẩn bị nhập học. Ba căn phòng này năm trước ông cho SV thuê giá 300 ngàn đồng/tháng, nay có người trả cao hơn, ông chấm dứt hợp đồng với mấy SV kia luôn (mặc dù họ đã trả thêm tiền nhà cho cả một tháng nghỉ hè). Tôi hỏi: "Ông làm thế không sợ mất khách à?", ông ta cười khùng khục: "Có gì mà sợ, trả lại tiền chúng nó là xong thôi mà. Bây giờ SV phải cần chúng tôi mới đúng, bỏ đi là có người khác nhảy vào ngay, mà chắc gì đã có chỗ nào hơn được ở đây".

 

Nhìn căn phòng lợp tôn rộng chừng 10m2 rất ngột ngạt, tôi mặc cả với ông chủ: "Chúng tôi trả thêm 50 ngàn/tháng, ông cho thuê nhé", ông ta đồng ý liền nhưng không quên kèm theo câu điều kiện: "Tiền điện, nước phải trả riêng đấy".

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh những SV tốt nghiệp ĐH ở lại Hà Nội làm việc, còn rất nhiều SV nghỉ hè cũng tranh thủ ở lại làm thêm, học thêm... khiến quỹ nhà trọ ngày càng giảm. Nắm được tình trạng khan hiếm nhà trọ, nhiều chủ nhà đã không ngừng tăng giá, hạnh học SV đủ thứ. Nhiều bạn trẻ vì muốn có một nơi ở tử tế đã chấp nhận "phá giá" của người ở cũ, an cư cho đến khi lại có người khác tiếp tục... phá giá. Còn chủ nhà thì rõ ràng được hưởng lợi mà không tốn một xu đầu tư nâng cấp nhà trọ.

 

Trước tình trạng tìm không ra nhà trọ, nhiều SV tương lai đã cầu cứu đến các trung tâm môi giới nhà đất. Vừa bước chân ra khỏi trung tâm môi giới trên đường Lương Thế Vinh, Việt Hoa, quê ở Phú Thọ đã kể với chúng tôi bằng giọng bức xúc: "Em nộp 50.000 tiền lệ phí, họ đã dẫn em đến mấy chỗ trọ vừa xa, vừa bẩn thỉu, ở không được. Đến khi mình chán nản quay về thì họ hết trách nhiệm".

 

Việt Hoa bảo, cô quay lại đòi tiền vì trung tâm này hứa sẽ trả lại nếu không tìm được chỗ cô ưng ý. Nhưng rốt cuộc, Hoa cũng không thể đòi được, lại bị nhân viên trung tâm mắng té tát. Cô ngán ngẩm: "Biết là vào đây sẽ mất tiền, nhưng em chấp nhận, chỉ mong có nơi ở đàng hoàng mà không xong. Mấy hôm nữa nhập học không biết phải xoay xở thế nào"...

 

Theo Mạnh Dương

Thanh Niên